Với mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và tài nguyên thiên nhiên, các địa phương trong tỉnh Nghệ An đang xúc tiến ký kết hợp tác để phát huy lợi thế của các địa phương trong chuỗi hành trình về với Nghệ An. Theo đó, các địa phương sẽ tập trung phát huy các tiềm năng, thế mạnh đặc trưng về du lịch nhằm xây dựng sản phẩm bền vững, tạo sức lan tỏa tới du khách.
Ba địa phương tiên phong thực hiện ký kết hợp tác để tạo thành một tour du lịch là Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò. Qua gần hai năm liên kết chặt chẽ, tuyến du lịch này đã khai thác được tiềm năng du lịch sẵn có của các địa phương, bước đầu hình thành tour du lịch tâm linh như Đền Vạn Lộc (Cửa Lò) – đền Hồng Sơn, chùa Sư Nữ (thành phố Vinh) – chùa Đức Sơn, đền Vua Mai (Nam Đàn); dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích Kim Liên huyện Nam Đàn, tham quan mua sắm tại thành phố Vinh, thưởng thức đặc sản tại Cửa Lò. Mới đây, sau khi di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cả ba địa phương đang xúc tiến đưa dân ca vào phục vụ khách du lịch.
Không những liên kết trong tỉnh, Nghệ An còn đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch. Chính nhờ sự liên kết này, lượng khách du lịch đến Nghệ An nói riêng, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ nói chung ngày càng tăng. Riêng Nghệ An, tổng lượt khách du lịch 6 tháng năm 2015 ước đạt 1,805 triệu lượt người, tăng 9% so với cùng kỳ 2014; trong đó khách quốc tế ước đạt 29,5 ngàn lượt người, bằng 101% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng vẫn giữ ổn định, nhất là dịch vụ ăn uống ven biển có xu hướng tăng. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch khoảng 2.570 tỷ đồng, tăng 10,12% so cùng kỳ.
Nhờ sự liên kết chặt chẽ này mà một số tour du lịch mới theo tuyến hàng không Vinh – Viêng Chăn (Lào), Vinh – Liên Khương (Lâm Đồng) và cả tuyến đường bộ như Vinh – Đà Nẵng – Huế - Quảng Bình – Vinh, Vinh – Thành phố Hồ Chí Minh – Rạch Giá – Phú Quốc – Cần Thơ – Mỹ Tho – Vinh cũng được triển khai.
Với mục tiêu “Một ngày ăn cơm ba nước”, “Ba cố đô một điểm đến”, “Ba quốc gia một điểm đến”, việc đẩy mạnh hợp tác du lịch với các nước trong khu vực, các nước có chung đường biên cũng được tỉnh Nghệ An xúc tiến, mở rộng. Hiện nay, Nghệ An đã xây dựng được nhiều tuor đường bộ từ Vinh đi các tỉnh của Lào, đông bắc Thái Lan như Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Udonthani, Thủ đô Băng Cốc… Sức hấp dẫn của tour Vinh – Viêng Chăn – Udonthani là sự hòa hợp giữa văn hóa tín ngưỡng của 3 nước, du khách vừa được tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh của mỗi nước vừa được cầu lộc, cầu tài, cầu an tại các đền, chùa linh thiêng của mỗi quốc gia.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thu hút 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 150.000 lượt, doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng, có sản phẩm độc đáo, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế. Để đạt mục tiêu trên, Nghệ An đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch trọng điểm mà Nghệ An có thế mạnh. Bên cạnh đó khai thác các tuyến du lịch hiện có và từng bước triển khai các tuyến du lịch mới, gắn du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội truyền thống; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch mở rộng thị trường. Nghệ An cũng đang xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, các công trình dịch vụ phục vụ khách du lịch, phương tiện vận chuyển khách…
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An cho rằng: Việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương của tỉnh Nghệ An sẽ thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng, qua đó phát huy những tiềm năng, lợi thế, khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, hợp lý đồng thời tạo mối liên kết trong việc xây dựng tour, tuyến du lịch, thu hút khách du lịch. Từ đó sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch mới có sức cạnh tranh cao, thu hút được các nhà đầu tư và đông đảo du khách, khi đó du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế đóng góp một phần không nhỏ cho phát triển kinh tế ở mỗi địa phương./.
Theo TTXVN