Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 28/3/2011 23:33'(GMT+7)

Nghe nhạc điện tử, bàn chuyện bảo tồn bản sắc

Nhà hát tuồng Đào Tấn, tỉnh Bình Định biểu diễn mở màn cho liên hoan âm nhạc.Ảnh: Anh Thư

Nhà hát tuồng Đào Tấn, tỉnh Bình Định biểu diễn mở màn cho liên hoan âm nhạc.Ảnh: Anh Thư

 

Trong phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN Trần Long Ẩn đã nhắc tới câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cái gì cũ mà tốt thì giữ gìn, cái gì mới mà hay thì làm theo”, nhằm lưu ý một thái độ ứng xử đúng mực trong việc tiếp nhận và sáng tạo, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. “Hiện nay, tại các trung tâm âm nhạc lớn, trong đó có TP.Hồ Chí Minh đang thịnh hành tâm lý vọng ngoại cực đoan, khuynh hướng coi thường những đặc tính riêng biệt, những cái làm tinh thần, hồn cốt của dân tộc, xem việc thể hiện bản sắc riêng như một cản trở cho cố gắng làm ra những tác phẩm hay, có tầm vóc nhân loại” - báo cáo đề dẫn phê phán.

Nhạc sĩ Cát Vận trong tham luận, nhắc tới khái niệm “nhà soạn nhạc computer” để nói tới tình trạng lạm dụng kỹ thuật số dễ dãi, rập khuôn, máy móc kiểu sản xuất hàng loạt.

Dẫn ra hàng loạt “bệnh tình” trong đời sống âm nhạc hiện nay như những bài hát lổn nhổn tiếng nước ngoài; những lối diễn đạt lai căng, ngô ngọng; những gầm rú, hú hét, co giật, vật vã, lăn lộn - GS Ca Lê Thuần báo động thách thức đến từ “văn hóa đại chúng”. Ông Thuần giải thích: “Văn hóa đại chúng là sáng tác đánh vào bản năng lớp trẻ, vốn chưa đủ công phu hàm dưỡng để đề kháng những ảnh hưởng bất lợi” và cảnh báo “đấy là thứ “văn hóa” không bản sắc, không quê hương và vì thế, không cả cơ hội có “hộ chiếu” để đến với bất kỳ nền văn hóa nào khác”.

Từ công việc của một người làm truyền hình, nhạc sĩ Thái Nghĩa (Đà Nẵng) lý giải sự tồn tại của nhiều chương trình mai một bản sắc văn hóa dân tộc được phát trên sóng bằng vai trò chi phối của nhà tài trợ: “Pha trộn, thập cẩm như một nồi lẩu, ai cũng thấy, nhưng buộc phải chấp nhận. Sự nhân nhượng, chiều nịnh áp lực tài trợ đánh mất hình ảnh chương trình đã đành, nguy hại hơn, nó còn làm hỏng một bộ phận công chúng”. Phạm Cao Đạt (Chi hội Nhạc sĩ Kon Tum) thì nói ông “đau” trước thực tế mắt thấy tai nghe là di sản văn hóa Tây Nguyên bị đối xử bất công ở ngay sự kiện tôn vinh nó...

“Điện tử hóa từ sáng tác đến biểu diễn là một nguy cơ có thật. Ở khắp nơi, nhạc cụ dân tộc bị thay thế bằng thiết bị điện tử, bằng kỹ thuật mã hóa âm thanh với vai trò sinh sát của đội ngũ những người làm nhạc nền, vốn vẫn được giới thiệu đầy lạm dụng là người phối khí”- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN Đỗ Hồng Quân - thừa nhận cuối buổi hội thảo. Ông Quân nói, chính sự dễ dãi, “cho qua” hành vi xâm hại quyền tác giả nói trên từ những người làm nghệ thuật đích thực đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư, giữa ý thức sáng tạo nghiêm cẩn và sự bừa bãi, tự phát, khiến vàng lẫn lộn với thau.

Khai mạc Liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ VN lần thứ XI

Tối 26.3, Hội Nhạc sĩ VN, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp khai mạc “Liên hoan âm nhạc VN lần thứ XI - khu vực phía nam năm 2011” tại TP.Quy Nhơn (Bình Định).

Liên hoan là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa các nhạc sĩ, nghệ sĩ; nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tác, biểu diễn âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng yêu âm nhạc trong thời kỳ đổi mới; nhằm biểu dương, cổ vũ những tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, đồng thời kích thích sự sáng tạo, vươn lên trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận và phê bình. Liên hoan quy tụ 23 đoàn nghệ thuật, hơn 200 người từ các chi hội, hội viên và nhạc sĩ đăng ký tham gia - một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Cùng thời gian này, liên hoan âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN sẽ phối hợp cùng Festival lâm sản VN, thực hiện nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Đây cũng là lần thứ tư liên hoan được tổ chức tại khu vực miền Trung, tiêu chí cơ bản vẫn là giới thiệu và tìm nhiều tác phẩm mới, cũng như thúc đẩy hơn nữa phong trào âm nhạc của từng địa phương. Liên hoan kéo dài đến hết ngày 27.3.

Theo Lao Động
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất