Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 3/2/2016 10:21'(GMT+7)

Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu: Cây đại thụ vọng cổ, tác giả “Tình anh bán chiếu”đã đi xa

Nghệ sỹ Nhân dân Viễn Châu trong một lần diễn.

Nghệ sỹ Nhân dân Viễn Châu trong một lần diễn.

Soạn giả Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại  tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Từ hàng chục năm nay, ông nổi danh với nghệ danh Bảy Bá ở lĩnh vực chơi đàn tài tử với các loại đàn: Tranh, kìm, ghi ta phím lõm…  mà loại đàn nào vào tay ông cũng đều điêu luyện. Từ trẻ, ông tham gia ban cổ nhạc ở Đài phát thanh Pháp Á năm 1942. Từ đó ông bước vào nghề sân khấu chuyên nghiệp vừa với vị trí nghệ sĩ đàn cổ nhạc vừa với vai trò một nhà văn viết truyện, một soạn giả viết tuồng dưới bút hiệu Viễn Châu, chuyên sáng tác các bài vọng cổ, trong đó có những bài nổi tiếng như “Tình anh bán chiếu”, “Sầu vương ý nhạc”, “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”...  mà mỗi khi nghe, ta đều như thấy đọng lại những gì cao cả, thương liêng trong cái chất mộc mạc, trữ tình mà rất hào phóng của con người Nam bộ. 

Với tên bút hiệu Viễn Châu, đã in dấu ấn trong lòng khán giả, ông được tôn vinh là ông vua viết vọng cổ, là người đã khai sinh thể loại tân cổ giao duyên. Bài tân cổ giao duyên đầu tiên kết hợp giữa tân nhạc và vọng cổ do ông chấp bút vào năm 1958, từ bài tân nhạc Chàng là ai mà sau này Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy đã ca rất thành công. Và hầu như tại những điểm giao lưu cổ nhạc, nếu có Lệ Thủy hay Viễn Châu, khán giả bao giờ cũng yêu cầu những lời vọng cổ mượt mà, sâu lắm trong lòng người Nam bộ… từ những câu ca của NSND Viễn Châu. Nói như NSND Ngọc Giàu: “Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim.”

Với nhiều thể loại vọng cổ, ông đã viết hơn 2.000 bài vọng cổ, trong đó có những bài giúp làm nên tên tuổi của những ngôi sao cải lương sáng chói thời cải lương hoàng kim như: Út Trà Ôn , Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ… ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Nghệ sĩ Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu",, hay Nghệ sĩ Nhân dân ÚT Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Hề Sa… 

Trước lúc ra đi, ông đã để lại cho đời hơn 50 vở cải lương, trong đó có những vở đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng nhiều thế hệ như: Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Tình Mẫu tử, Hoa Mộc Lan, Nát cánh hoa rừng, Hoàng đế ăn mày… vở nào cũng đọng lại trong lòng khán giả Nam bộ khó thể nào quên. 
Chính từ những làn vọng cổ không thể thiếu trong lòng người dân nam bộ, mà trong đợt phong tặng Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú vào đợt đầu tiên. NSND Viễn Châu đã được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2012.

NSND Viễn Châu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2014. Ông mất đi, giới Văn học – Nghệ thuật TPHCM mất đi một người đầu đàn trong sáng tác vọng cổ, cải lương, Thành phố và Nam bộ mất một cây đại thụ quý báu, đã có công lao trong đóng góp, rèn dạy thế hệ các nghệ sĩ trẻ. Vĩnh biệt NSND Viễn Châu, người ra đi để lại sự thương tiếc khôn nguôi trong lòng các nghệ sĩ và khán giả nhân dân Nam bộ, cũng như bao người ham mê vọng cổ và cải lương.

Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM sẽ tổ chức trang trọng Lễ Viếng NSND Viễn Châu từ trưa ngày 02/2/2016 tại Nhà Tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3 và tổ chức Lễ truy điệu vào 6 giờ ngày 04/2/2016./.      
                                              
Phạm Bá Nhiễu
         
  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất