Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 6/7/2010 21:21'(GMT+7)

Nghệ thuật múa mới chỉ mạnh về bề rộng

NSND Chu Thúy Quỳnh

NSND Chu Thúy Quỳnh

PV: Thưa nghệ sĩ, liệu có lạc quan quá sớm không, khi nhìn trên các hoạt động của đời sống nghệ thuật, múa vẫn chưa để lại những dấu ấn đáng kể?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Ðúng là nghệ thuật múa giai đoạn hiện nay chưa đạt được sự phát triển thật sự đặc sắc, nhưng cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhìn vào đời sống nghệ thuật cả nước, ở mọi góc độ, múa hiện đang là "bộ mặt" của hầu hết các chương trình văn học - nghệ thuật. Có thể khẳng định, không có múa thì không có các chương trình nghệ thuật lớn. Nghệ thuật múa có sức mạnh riêng, đặc thù so với nhiều loại hình nghệ thuật. Cũng chưa bao giờ nghệ thuật múa lại có được sức phát triển mạnh mẽ về bề rộng, ở mọi nơi, mọi chốn, mọi chương trình, mọi điều kiện như giai đoạn hiện nay. Chúng ta đang có những cá nhân tài năng ngang tầm khu vực, có nhiều nghệ sĩ, tài năng trẻ đoạt giải cao tại các cuộc thi khu vực và quốc tế, một số đơn vị nghệ thuật hàng đầu của ngành múa cũng đang tiếp cận trình độ chuyên nghiệp ngang hàng với nhiều nước trong khu vực... Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật công lập đang ngày càng nâng cao trình độ, xuất hiện nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tham gia đào tạo và biểu diễn múa, và họ cũng sống được bằng nghề. Ðó là những dấu hiệu đáng mừng. Nhưng các chương trình nghệ thuật múa đỉnh cao thì không nhiều.

PV: Tại một cuộc hội thảo bàn về biện pháp nâng cao chất lượng tác phẩm múa do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức, một biên đạo đã đưa ra kiến nghị: cần có cách nhìn cởi mở hơn với múa đương đại. Bà nghĩ sao về điều này?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Với tư cách cá nhân nghệ sĩ và trên cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, tôi luôn tôn trọng những sáng tạo mới trong nghệ thuật. Chúng tôi không đóng cửa mà luôn khuyến khích, tạo điều kiện để những phương hướng nghệ thuật mới có cơ hội hoạt động. Chính trong quá trình thể hiện, tiếp nhận đó, nghệ sĩ sẽ có điều kiện học tập, tiếp thu cái mới, đồng thời qua quá trình cọ xát, nghệ sĩ và công chúng sẽ cùng điều chỉnh những yếu tố chưa phù hợp. Ðiều đó có lợi cho nghệ thuật. Ðối với nghệ thuật múa đương đại, sau những bước đầu tiếp cận, làm quen, múa đương đại đang có sức phát triển rất mạnh. Hiện đã có nhiều chương trình múa đương đại được biểu diễn định kỳ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm múa đương đại của các biên đạo nước ngoài cũng đã được công diễn rộng rãi tại Việt Nam. Ðồng thời, cũng đã hình thành một lực lượng biên đạo trẻ rất nhiệt huyết với những thể nghiệm đa dạng của múa đương đại và đã có một số thành công được ghi nhận.

PV: Liệu điều đó có ảnh hưởng đến sức sống của dòng chảy các tác phẩm múa có tính dân tộc?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Có lẽ cũng không nên quá lo lắng, vì mỗi loại hình lại có không gian riêng, hướng đến những đối tượng công chúng đặc thù. Theo ghi nhận của Hội, mỗi năm có hàng trăm tác phẩm múa mới được các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng. Các biên đạo từ trung ương đến địa phương đều dành tâm huyết cho nghệ thuật múa dân tộc với sự trăn trở, tìm tòi để có những sáng tạo mang tính phát hiện mới về phương pháp sáng tác, ngôn ngữ múa và hình thức biểu hiện... cho dòng nghệ thuật tinh túy này. Trong đời sống, hiện đang có nhiều loại hình nghệ thuật rất dễ hấp dẫn, tiếp cận với công chúng, phải nói thẳng là những nghệ thuật đó có tính đại chúng cao, dễ học, nên diện phổ biến rộng hơn. Còn nghệ thuật dân tộc thì đòi hỏi phải có thời gian, công sức luyện tập, phải có vốn hiểu biết nhất định chứ không phải ai cũng hiểu ngay được. Một số tác giả chưa coi trọng đúng mức nghệ thuật dân tộc, dễ chiều theo thị hiếu tầm thường, hoặc ngược lại, sáng tác múa dân tộc quá sáo mòn, trì trệ, thiếu dấu ấn sáng tạo nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của công chúng trong hưởng thụ nghệ thuật. Chúng ta lại đang rất thiếu những địa chỉ, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Ðiều này có nguyên nhân từ nhiều lẽ. Ðể giải quyết nhu cầu tác phẩm và kích thích khả năng sáng tạo của các biên đạo, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vừa tổ chức thi các tác phẩm múa dân tộc lần thứ nhất và sẽ cố gắng duy trì tổ chức hoạt động này. Chúng tôi cũng đã xây dựng được một số chương trình công phu, nhưng chỉ diễn được vài ba buổi, rồi vì nhiều lẽ, nên không biểu diễn tiếp được nữa. Ðây là điều mà chúng tôi  rất trăn trở và đang cố gắng tìm hướng khắc phục.

PV:  Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẽ làm gì để góp phần nâng cao chất lượng, đưa nghệ thuật múa nước nhà phát triển lên những tầm cao mới trong thời gian tới?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Cùng với các hoạt động lớn như tổ chức các cuộc thi chuyên đề dành cho biên đạo trẻ, tài năng biểu diễn trẻ, thi tác phẩm múa ngắn, thi tác phẩm múa dân tộc..., hỗ trợ sáng tác, dàn dựng các vở kịch múa... Hội cũng là đầu mối kết nối, giao lưu với các hội múa của các nước khu vực và quốc tế. Hiện chúng tôi đã có quan hệ thường xuyên với Hội múa các nước châu Á - Thái Bình Dương, Hội múa Trung Quốc, các nước ASEAN, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Ô-xtrây-li-a, Ðức, Pháp... Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu với các đoàn nghệ sĩ nước ngoài, tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các chương trình liên hoan nghệ thuật múa quốc tế tại Việt Nam. Ước mơ thì không bao giờ hết, với mỗi người, mỗi giai đoạn. Với chúng tôi, hiện nay, mong ước lớn nhất là làm thế nào để đưa nghệ thuật múa Việt Nam vươn đến đỉnh cao. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện rất cởi mở cho nghệ thuật bước những bước mới. Cùng với sự đồng lòng của mỗi hội viên, "chất lượng tác phẩm" và "lý luận phê bình" được xác định là hai khâu công tác mũi nhọn của Hội trong nhiệm kỳ tới. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tài năng, tâm huyết và sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động công tác Hội của toàn thể hội viên, sẽ có nhiều công trình, tác phẩm múa có giá trị tư tưởng, ý nghĩa nhân văn với chất lượng nghệ thuật cao được giới thiệu và ghi dấu ấn trong đời sống nghệ thuật nước nhà.

PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ!

(Theo: Luân Vũ/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất