Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/7/2010 17:57'(GMT+7)

Nhạc Việt: Thị hiếu và đẳng cấp

Chương trình Bài hát Việt, nơi phát hiện những tài năng sáng tác âm nhạc trẻ hiệu quả. (Ảnh: Tùng Duy)

Chương trình Bài hát Việt, nơi phát hiện những tài năng sáng tác âm nhạc trẻ hiệu quả. (Ảnh: Tùng Duy)

“Lệ Chi viên” ở Đức

Sự kiện Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, gồm thầy và trò được mời tham dự "Ngày hội Beethoven" tại Đức mới đây đã là một niềm vinh dự lớn. Đây là ngày hội âm nhạc đặc biệt trên quê hương của âm nhạc cổ điển hàn lâm, của Beethoven, dưới sự bảo trợ của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Vậy nên, không thể mời nếu khả năng biểu diễn của dàn nhạc đó không đạt đẳng cấp quốc tế. Việt Nam đã được mời biểu diễn 3 trên tổng số 75 đêm diễn chính thức tại 2 nhà hát lớn của Đức: Bon và Béc-lin. Hai tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam là Đỗ Hồng Quân với Rhapsodie Việt Nam và Trần Mạnh Hùng với bản giao hưởng thơ và phần độc tấu violon có tiêu đề Lệ Chi viên.

Đánh giá thành công của những đêm diễn không chỉ là những tràng vỗ tay nồng nhiệt bày tỏ cảm xúc về tác phẩm của nhạc sĩ người Việt, mà còn là lượng khán giả của khán phòng hai tầng rộng gần như chật kín với 1.700 khán giả Bon và 2.200 khán giả ở Béc-lin, dù rằng giá vé vào xem không rẻ (30 euro, tương đương 800.000 đồng Việt Nam). Rhapsodie Việt Nam đã giúp cho họ biết tới khái niệm "chất liệu âm nhạc chèo"- một loại hình âm nhạc sân khấu Việt, đưa đến những cảm nhận thú vị về tính nguyên sơ vũ trụ qua âm điệu âm nhạc của người Mông, của người Tây Nguyên. Bản giao hưởng thơ Lệ Chi viên của Trần Mạnh Hùng - một tác phẩm được đặt hàng từ Đài truyền hình "Làn sóng Đức" (Deutsche Well), trích đoạn lịch sử bằng âm nhạc đầy oan khiên về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng violin réo rắt minh họa cho tiếng lòng của Nguyễn Thị Lộ - nhân vật nữ trong câu chuyện. Lãng mạn và đẫm chất thơ chính là xúc cảm chung của nhiều người nghe về bản giao hưởng này. Đó chính là yếu tố lôi cuốn hào sảng mà dàn nhạc đã làm nên một bức tranh tổng thể toàn vẹn, đẹp đẽ cho Lệ Chi viên qua sự thể hiện của Dàn nhạc với phần độc tấu diễm lệ của violinist nổi tiếng Bùi Công Duy.

"Mọi con đường đều trở về thành Viên", đó là nguyện ước của tất cả thế giới âm nhạc từ người sáng tạo (nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn) đến giới thưởng thức. Bon hay Béc-lin hay cả châu Âu là một thành Viên mơ ước ấy. Phải chăng, thầy trò Học viện Âm nhạc quốc gia đã đặt chân tới mơ ước của mình?

Ngậm ngùi trên quê hương

Không chỉ là văn hóa dành cho cộng đồng, âm nhạc và nhất là nhạc giao hưởng hòa tấu thường được mọi quốc gia sử dụng trong hoạt động giao tiếp, ngoại giao. Một dàn nhạc đủ trình độ sánh vai với các cường quốc thì các nghệ sĩ biểu diễn luôn được coi là những người góp phần làm rạng danh đất nước.

Ở một cuộc hội thảo về âm nhạc cách đây chưa lâu, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) nhận xét rằng, một nền âm nhạc mà nếu nhìn vào chỉ thấy ca khúc nhạc pop thống lĩnh, thì có thể nói nền âm nhạc đó đang phát triển què quặt. Tuy nhiên, nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin và nhìn vào đời sống biểu diễn ca nhạc hiện nay, thì sẽ thấy, sự què quặt đó đang diễn ra hết sức trầm trọng. Nhiều người chưa hề qua trường lớp, chỉ biết chút nhạc lý cũng bỗng chốc trở thành nhạc sĩ. Nhiều ca sĩ không có được chất giọng tốt, cũng chẳng qua đào tạo thanh nhạc, qua công nghệ lăng-xê, đã dễ dàng trở thành ngôi sao.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia biểu diễn thành công tại "Ngày hội Beethoven"- Đức. (Ảnh: Tùng Duy).

Có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Doãn Nho về thanh xướng kịch của ông viết nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã ngậm ngùi nói rằng, công chúng hầu như chỉ biết đến tên ông qua mấy ca khúc như Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La... Còn mở đầu cho sự nghiệp của ông là giao hưởng Sóng cửa Tùng chắc chỉ có giới trong nghề thời của ông mới nhớ. Và sự nghiệp của đời ông không phải là những ca khúc vẫn được vang lên khắp nơi, mà lại nằm ở những tác phẩm khí nhạc, với nhiều bản giao hưởng, hợp xướng, ballet và nhạc kịch... cho đến nay chưa được dàn dựng.

Hiện nay các nhạc sĩ trẻ viết khí nhạc không nhiều, buông tay vì viết xong không có nơi dựng, không bán được, không có khán giả là một thực tại đáng buồn của âm nhạc Việt Nam nhiều năm qua. Vì thế, những bản nhạc sinh viên tốt nghiệp viết nên… chỉ trên bản giấy. Bởi nếu dàn dựng một tác phẩm, ít nhất là cũng tốn 50-60 triệu đồng.

Vậy mới có chuyện, khi Trần Mạnh Hùng nổi lên như một hiện tượng của âm nhạc Việt Nam, thì các tổ chức liên quan đến âm nhạc của châu Á, châu Âu tìm đến để “đặt hàng”. Không thể không nhận lời, không thể không “bán” những tác phẩm mang đậm màu sắc, vốn liếng văn hóa chắt chiu từ những tinh hoa dân tộc cho xứ người, bởi bản thân nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và gia đình đang phải sống trong ngôi nhà cấp bốn thuê ở ngoại ô Hà Nội. Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Đỗ Hồng Quân - cũng không phủ nhận, những tác phẩm khí nhạc anh viết do nhận đặt hàng. Ví dụ như tác phẩm Trổ hột - giải nhất khí nhạc của giải thưởng âm nhạc 2008 là do Nhật Bản đặt hàng. Tác phẩm này đã trình diễn và gây tiếng vang ở rất nhiều thành phố của Nhật Bản, tới đây, trong ngày diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (9-7) tác phẩm này sẽ vang lên tại Nhà hát Lớn, qua sự cho phép của phía Nhật Bản.

Những hy vọng…

Nhạc sĩ An Thuyên bày tỏ, rất kỳ vọng và tin tưởng vào thế hệ trẻ hiện nay, có khoảng 30-40 người đã, đang và xứng đáng tiếp nối sự nghiệp âm nhạc của thế hệ trước, trong số đó có thể kể đến Lê Minh Sơn, Trần Mạnh Hùng, Anh Quân, Ngọc Châu, Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo, Lưu Thiên Hương, Giáng Son…, trẻ nhất là Mai Khôi (22 tuổi) mà nhạc sĩ An Thuyên phát hiện mới đây qua chương trình Bài hát Việt. Ông cũng cho rằng, những tác phẩm khí nhạc của nhiều nhạc sĩ, tuy chưa được công bố nhưng điều đó chứng tỏ, các nhạc sĩ vẫn luôn trăn trở và nhiệt huyết với âm nhạc Việt Nam.

Trong thời gian này, Nhà hát Lớn Hà Nội luôn có những buổi trình diễn nhạc giao hưởng và nhạc kịch. Đó là những tác phẩm thanh xướng kịch Hoa Lư-Thăng Long của nhạc sĩ Doãn Nho; Đây sông Hồng-Đây sông Cái của Vĩnh Cát; tổ khúc giao hưởng Dáng Rồng lên của Đỗ Hồng Quân; Violin concerto Thăng Long của Đàm Linh; giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long của Trần Mạnh Hùng… Đó là những bản giao hưởng của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, là điều mừng, bởi nhân có Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà những cuộc phát động sáng tác về loại hình âm nhạc đỉnh cao đã thu hút được nhạc sĩ, và những tác phẩm giá trị ấy được vang lên, đến với công chúng./.

(Theo: Vương Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất