Chưa có một con số thống kê chính xác về số lượng các tin, bài, các tác phẩm về chủ đề này của các cơ quan báo chí, văn nghệ của cả nước. Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn tác phẩm, các Hội văn học, nghệ thuật TW, Hội nhà báo Việt Nam, trong năm 2008 và 2009 đã gửi về Ban chỉ đạo TW hàng ngàn bài báo, phim tư liệu, phóng sự truyền hình, câu chuyện truyền thanh, các tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia cuộc vận động. Hình tượng về Bác Hồ cũng như những bài báo viết về Bác, mấy chục năm qua đã được nhiều nhà báo, nghệ sĩ thể hiện. Đã có nhiều bài thơ, tiểu thuyết, ca khúc, ảnh, hội họa, tác phẩm điện ảnh, sân khấu… đạt chất lượng cao về hình tượng Bác Hồ - nhân vật trung tâm của tác phẩm. Nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, sưu tầm ca dao, dân ca, những bài báo nổi tiếng viết về Bác. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của Đảng ta, dân tộc ta, Người còn là hiện thân của văn hóa Việt Nam thời đại mới, là sợi keo kết dính lòng người trên trái đất này với các giá trị nhân văn cao cả. Do vậy, để có thêm một tác phẩm mới về Bác Hồ thông qua cuộc vận động sáng tác lần này, thực sự là một thách thức đối với mỗi văn nghệ sĩ, nhà báo. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của người cầm bút, từ tấm lòng yêu kính Bác, điều đáng mừng là đã có một số tác phẩm có chất lượng tốt, có sự tìm tòi sáng tạo mới thể hiện hình tượng Bác Hồ đã được đông đảo công chúng, người xem đón nhận. “Nhật ký trong tù” là một tác phẩm thơ của Bác nhưng Nghệ sĩ ưu tú Bùi Đắc Sừ thông qua tác phẩm này đã tái hiện lại những năm tháng Bác bị quân Tưởng Giới Thạch cầm tù và ý chí, nghị lực của một người cộng sản “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”… Còn nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh và những nghệ sĩ của đoàn dân ca Huế đã tái hiện lại những hồi ức sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những năm tháng sống ở Huế, tình cảm với cha mẹ, anh em, với đồng bào miền Nam yêu dấu. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát qua bộ phim “Nhìn ra biển cả” đưa người xem gặp lại một tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành những năm tham gia chống thuế ở Huế (1908 - 1910), đi dạy học ở trường Dục Thanh (Bình Thuận). Nhưng điều quan trọng hơn thông qua tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người để phát hiện ra những nhân tố mới trong cuộc sống, tái hiện thành các hình tượng văn học nghệ thuật sinh động, giàu sức truyền cảm. Đúng như trong bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã khẳng định tại Lễ sơ kết tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí xuất bản năm 2009 vừa qua: “Đây là cuộc vận động lớn trong anh chị em báo chí, văn nghệ. Để làm sao thông qua các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật cần làm nổi bật và sống động tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người trong đời sống tinh thần của nhân dân ta”. Thông qua các bài báo, các hình tượng nghệ thuật nêu gương, cổ vũ, góp phần nhân rộng gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình, tiên tiến trong cuộc sống lao động, sáng tạo của mỗi người dân trên mặt trận kinh tế, chính trị, an ninh xã hội, văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần dân chủ xã hội, khẳng định các giá trị nhân văn của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong hai năm 2008 và 2009, Ban chỉ đạo đã tiến hành sơ kết và tặng thưởng cho 132 đơn vị, cá nhân, các tác giả có tác phẩm xuất sắc trong cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí gồm: 25 cơ quan báo chí TW và địa phương ; 13 đơn vị nghệ thuật, 10 cá nhân Văn nghệ sĩ và 30 tác phầm báo chí, 84 tác phẩm văn học, nghệ thuật là các cuốn tiểu thuyết, tập thơ, kịch bản điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, các công trình nghiên cứu văn hoá dân gian.
Ở các tỉnh và thành phố, nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền cũng chủ động thành lập các Ban chỉ đạo, do Ban thường vụ trực tiếp lãnh đạo, theo dõi. Ban Tuyên giáo, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội văn học nghệ thuật các tỉnh và thành phố là các cơ quan thường trực, động viên anh chị em nhà báo, văn nghệ sĩ tham gia. Tổ chức xét thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Điển hình là các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Long An, Cần Thơ, Bắc Kạn, Thanh Hóa…
Ở các cơ quan TW, 10 Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành TW, Hội Nhà báo Việt Nam là hạt nhân vận động sáng tác, quảng bá cho hội viên. Nhiều cơ quan đoàn thể như Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục xây dựng lực lượng (Bộ công an), Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, một số Đại sứ quán các nước ở khu vực châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, châu Á cũng tích cực vận động bà con Việt kiều tham gia, sưu tầm các hiện vật về Bác. Một số Hội VHNT chủ động tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, sưu tầm tài liệu, hiện vật và viết báo theo chủ đề của Cuộc vận động gắn với biểu dương người tốt, việc tốt; đồng thời, tổ chức sơ kết, tổng kết, trao thưởng một cách trang trọng hàng năm. Các cơ quan báo chí, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Truyền hình TP. HCM, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội; Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân, Người cao tuổi, Cựu chiến binh Việt Nam... tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho các chuyên mục về Bác Hồ, kể cả đầu tư lớn để thực hiện các tác phẩm tái hiện hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan, thử thách của Người ở nhiều nước trên thế giới.
Cuộc vận động năm nay tiếp tục thu hút anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí tham gia sáng tạo các loại hình hết sức đa dạng, phong phú bao gồm: văn học, mỹ thuật, âm nhạc; sân khấu, kiến trúc, múa, nhiếp ảnh, sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian, báo in, báo hình, phát thanh, báo điện tử. Ở nhiều loại hình đều có sự góp mặt của hầu hết các thể loại: văn học, tiểu thuyết, ký, thơ, nghiên cứu, phê bình. Mỹ thuật: hội họa, điêu khắc. Âm nhạc: ca khúc, hợp xướng, giao hưởng. Điện ảnh: phim truyện, phim truyền hình nhiều tập. Sân khấu: tin, bài phản ánh, phóng sự, phim tài liệu...
Cuộc vận động cũng đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn tác giả thuộc nhiều thế hệ, nhiều địa phương, nhiều dân tộc; trong đó có nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo tiêu biểu như: nhà văn cao tuổi Tô Hoài với tập bút ký Lăng Bác Hồ, nhà viết kịch Tất Đạt với kịch bản Suối nguồn, nhà thơ Ngô Văn Phú với trường ca Mùa thu nhớ Bác, nhà văn Hồ Phương với tiểu thuyết về cha con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà văn Hữu Ước với hợp xướng Lời Bác – lời của non sông, nhạc sĩ An Thuyên với ca khúc Pác Bó hát mãi tên Người, nhà văn Xuân Đức với kịch bản Tacpar ơi, đang ở đâu?... Các tác giả trẻ, như Trần Mỹ Hiền (An Giang) với tập ký Áo vải tim vàng; ca sĩ Quang Linh (TP. HCM) thể hiện các ca khúc về lãnh tụ; nhóm kiến trúc sư Nguyễn Ngân Hà, Nguyễn Thị Hạnh, Mai Thu Huyền, Nguyễn Thế Tài (Đại học Kiến trúc Hà Nội) với đồ án Nhà nổi, v.v.. Có tác giả người dân tộc thiểu số, như nhà văn Y Điêng (dân tộc Êđê – Phú Yên) với tiểu thuyết Trung đội người Bahnar, nhà thơ Mã A Lềnh với tập bút ký Làng mình, nhà văn Hoàng Quảng Uyên (dân tộc Tày – Cao Bằng) với tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó, họa sĩ Chế Thị Kim Trung( dân tộc Chăm – Ninh Thuận) với tác phẩm Làng Chăm ơn Bác...
Hầu hết các tác phẩm đều tập trung nêu bật tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ; tình cảm, niềm tin kính yêu của nhân dân ta đối với Người; hình tượng Bác Hồ được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc, giàu mỹ cảm, có sức rung động mạnh mẽ đối với công chúng. Bám sát yêu cầu của Cuộc vận động, nhiều tác phẩm báo chí, chú trọng hơn đến việc phát hiện, biểu dương, cổ vũ các điển hình tập thể và cá nhân có nhiều việc làm tích cực theo tấm gương đạo đức của Bác.
Cuộc vận động sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học – nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đáp ứng tình cảm thiêng liêng, tha thiết, đồng thời là niềm vinh dự lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo. Bên cạnh những ưu điểm cơ bản trên, trong số những tác phẩm gửi về tham dự cuộc vận động còn một số vấn đề đáng quan tâm: số các tác phẩm thực sự có chất lượng chưa nhiều, chưa có nhiều tác phẩm hay, sáng tạo trong hình thức và nội dung thể hiện. Các cơ quan văn học nghệ thuật, báo chí chưa khơi gợi được hết tiềm năng sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, nhà báo. Nhiều tác phẩm báo chí còn thiếu sinh động, sơ lược, công thức. Ở một số tác phẩm văn học nghệ thuật, tác giả còn lúng túng trong phản ánh, chưa phát hiện ra những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, hình ảnh của con người Việt Nam đương đại trong cuộc đấu tranh để khẳng định những giá trị đích thực của công cuộc đổi mới, những mặt tích cực của cuộc sống, các giá trị nhân văn… Đấy chính là nền tảng tư tưởng, đạo đức và cũng là mong muốn của Bác Hồ. Ở một số tác phẩm ký văn học, ký báo chí, phóng sự phát thanh, truyền hình – thể loại vốn có ưu thế trong phản ánh điển hình tích cực – chưa được nhiều tác giả phát huy có hiệu quả. Tạo nên các hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn, phần lớn mới chỉ tường thuật, mô tả, ít phát hiện ra những vấn đề. Việc dàn dựng, giới thiệu tác phẩm ở các loại hình như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… một mặt chưa có sự đầu tư công phu, một mặt do ngân sách hạn hẹp nên chưa có được nhiều tác phẩm lớn.
Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” còn tiếp tục đến hết năm 2010. Với sự quan tâm của Ban chỉ đạo cuộc vận động, của các cơ quan nhà nước, các Hội văn học, nghệ thuật, Hội nhà báo, sự tâm huyết và trách nhiệm của người làm báo, của mỗi văn nghệ sĩ, hi vọng chúng ta sẽ có thêm được những tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí xuất sắc cho chủ đề này./.
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII
ở A Lưới
trần nguyễn khánh phong
Trường Trung học Phổ thông A Lưới
Nghị quyết TW5 (Khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, trong mười năm qua được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở A Lưới thực hiện một cách nghiêm túc và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong từng lĩnh vực của đời sống nói chung và công tác văn hoá nói riêng.
Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, sau đợt học tập, Huyện uỷ A Lưới đã xây dựng chương trình hành động số 01 ngày 26.01.1999 về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trên địa bàn. Các Đảng bộ và Chi bộ cơ sở đã căn cứ vào chương trình hành động của Huyện uỷ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị.
Chương trình hành động tập trung vào các vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho cán bộ đảng viên và nhân dân, đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, phục hồi và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trong vùng, làm tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương A Lưới ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Trong mười năm qua, công tác bồi dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng môi trường và lối sống văn hoá lành mạnh, văn minh được chú ý. Đã có nhiều cuộc vận động của Đảng bộ, Mặt trận và các đoàn thể như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Xoá đói, giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”… góp phần tạo những chuyển biến tích cực, làm xuất hiện nhiều mô hình văn hóa, nhiều tấm gương sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, phong trào thi đua yêu nước như: các xã Nhâm, A Ngo, Hồng Trung… các cá nhân như: Quỳnh Hầu, Quỳnh Hoàng, Cu Xe, Quỳnh Săn, Pi Kê Dơ, Nguyễn Hải Phong…Chính những cá nhân và tập thể này đã phát huy tốt những giá trị văn hoá, thuần phong mỹ tục của đồng bào các địa phương, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ nhau nhất là lúc thiên tai, khó khăn hoạn nạn, ý thức trách nhiệm, ý thức công dân ngày càng được nâng cao. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội dần dần được xoá bỏ, những tư tưởng sai trái, lệch lạc bị lên án, phê phán.
Khi Nghị quyết triển khai về cơ sở đã được người dân các thôn, làng ở A Lưới thực hiện nghiêm túc. Chính vì thế mà các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ có những bước phát triển vượt bậc. Trong mười năm, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của A Lưới đã có nhiều chuyển biến tiến bộ cả về quy mô lẫn chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy học được chú trọng đầu tư xây dựng như: tầng hoá trường lớp, tăng cường thiết bị dạy học, thư viện được nâng cấp và đạt chuẩn. Toàn huyện được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2005 và đến năm 2008 đạt chuẩn THCS.
Công tác xây dựng Đảng trong các trường học được các cấp uỷ Đảng và ngành giáo dục quan tâm. Toàn ngành đến nay có trên 300 đảng viên, chiếm tỷ lệ khoảng 35% số cán bộ, giáo viên của ngành, 10% trường học có đảng viên; 28/42 trường có Chi bộ trường học, chiếm tỷ lệ 66,6%, 12/21 xã có tổ chức Hội Khuyến học, thành lập được 12 trung tâm học tập cộng đồng. Chính những thuận lợi này đã thúc đẩy xã hội hoá giáo dục ở A Lưới góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII của Đảng.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng có những tiến bộ đáng mừng, các chủ hộ đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đẩy mạnh sản xuất, bà con nông dân gieo cấy đúng thời vụ, sử dụng lúa cấp I đạt 100%. Chương trình nạc hoá đàn lợn, hoá đàn bò, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc gia cầm được phát triển, một số hộ mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây công nghiệp và cây ăn quả như cà phê, cao su, sắn KM94, chuối, vải thiều, nhãn và trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp bà con nông dân có việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn miền núi có những khởi sắc đáng mừng.
Qua những bước phát triển trong lĩnh vực vật chất, đời sống tinh thần của người dân A Lưới trong mười năm qua cũng có nhiều thay đổi, toàn huyện hiện có trên 3000 máy điện thoại cố định, bình quân 6,5máy/10 hộ dân, trên 6000 máy điện thoại di động, 5000 máy vi tính, máy ảnh, 50 máy chiếu…thông tin được cập nhật nhờ mạng lưới Bưu điện Văn hoá xã trong việc kết nối Internet nên mức độ hưởng thụ văn hoá của nhân dân ngày càng được nâng cao và nhân rộng trên địa bàn.
Trong những năm qua, các phong trào hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở luôn luôn phát triển ngày càng sâu rộng được các cấp uỷ Đảng quan tâm. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, lễ hội văn hoá, hoạt động thể dục thể thao được duy trì tổ chức thường xuyên tại các bản làng như: A Hưa (xã Nhâm), Quảng Mai (xã A Ngo), Cân Nông (xã Hồng Quảng). Nhiều địa phương còn phát huy tính chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn tổ chức xây dựng các hoạt động văn hoá đa dạng, phong phú, tổ chức mở rộng giao lưu văn hoá cộng đồng giữa các làng, xã trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Một nét đặc sắc ở huyện A Lưới là, tất cả các thôn, làng, xã, cơ quan trường học, đơn vị đều có các đội văn nghệ. Hằng năm các đội văn nghệ này đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào và chương trình nghĩa tình biên giới với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn.
Với thời gian mười năm, huyện A Lưới đã đăng cai tổ chức thành công 4 lần Ngày hội văn hoá thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, 3 lần tham gia Festival Huế, 2 lần giao lưu nghệ thuật dân gian với huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), 1 lần giao lưu nghệ thuật tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), 2 lần biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ và nhân dân huyện Tù Muồi (tỉnh Salavan – Lào). Đội Thông tin lưu động huyện đã có hơn 15 lần tham gia Hội thi tiếng hát dân ca các dân tộc Việt Nam, Hội thi liên hoan nghệ thuật đưa thông tin về cơ sở do Trung ương và tỉnh tổ chức đều đạt chất lượng kết quả tốt.
Đến nay toàn huyện có 26 thư viện trường học, 20 thư viện ở điểm Bưu điện văn hoá xã, 01 thư viện huyện đã có 4660 đầu sách, báo, tạp chí thiết thực đã phục vụ tốt nhu cầu văn hoá đọc của cán bộ và nhân dân. Thư viện huyện A Lưới những năm qua đã làm tốt công tác phục vụ bạn đọc trên địa bàn, đã có 27.850 thẻ phục vụ độc giả mượn và đọc sách tại chỗ, tổ chức 4 đợt hội thi kể chuyện sách cấp huyện cho các cháu học sinh từ cấp mẫu giáo đến lớp 9; 4 đợt tham gia Hội thi cấp Tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ đạt thành tích nhất và nhì toàn tỉnh, 1 đợt tham gia dự thi kể chuyện sách toàn quốc năm 2000 tại Hà Nội, đạt giải Nhất toàn quốc.
Thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết TW5, mười năm qua Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hoá văn minh, gia đình văn hoá, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan. Phong trào được nhân dân hưởng ứng tích cực, hiện toàn huyện đã có 6852/8755 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, trong đó có 1700 hộ được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hoá (3 cấp công nhận: xã, huyện, tỉnh). Có 68 làng, cụm, tổ dân cư đăng ký xây dựng làng, tổ, cụm dân cư văn hóa (trong đó có 39 làng, cụm, tổ dân cư được cấp tỉnh, huyện công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hoá). Có 46 cơ quan đơn vị và trường học đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá (trong đó đã được cấp tỉnh và huyện công nhân 33 cơ quan đơn vị và trường học). 228 gia đình đạt danh hiệu văn hoá tiêu biểu cấp xã; 52 gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc cấp huyện; 23 gia đình văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh và có 2 gia đình đạt tiêu biểu xuất sắc cấp trung ương.
Phong trào xây dựng gia đình theo 4 tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” được coi trọng, đẩy mạnh. Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ma và lễ hội được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm. Và xã A Ngo đã được huyện chọn làm điểm mô hình cưới hỏi theo nếp sống mới được nhân dân đồng tình ủng hộ. Xã Nhâm, xã Hương Phong được chọn xây dựng xã điểm văn hoá.
Điểm mấu chốt trong việc thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII mà huyện A Lưới đã làm được là bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn như sưu tầm và phục dựng các chương trình dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Tà ôi, Pacô, phục dựng lễ hội Ariêu Aza, văn hoá trang phục, trang sức, nghề dệt zèng, đan lát, rèn, điêu khắc gỗ được chú trọng truyền nghề. Điều đặc biệt là hệ thống ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc được trân trọng giữ gìn và phát huy tốt, đến nay đã mở được 9 lớp học tiếng Pacô, Tà ôi cho 300 học viên là cán bộ người Kinh làm công tác ở các cơ quan cấp huyện, giáo viên và công an, bộ đội biên phòng.
Thiết chế văn hoá ở cơ sở được huyện chú trọng đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, và kết quả đã có 132 ngôi nhà sàn sinh hoạt cộng đồng, 15 ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tà ôi, 2 ngôi nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơtu, 1 ngôi nhà Moòng làng truyền thống của dân tộc Pacô, 1 nhà sàn du lịch của huyện, nâng cấp khang trang nhà văn hoá trung tâm của huyện… Tất cả những thiết chế này đã tạo ra một sân chơi lý thú cho các buổi sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở cơ sở. Đây cũng chính là nơi truyền đạt những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Qua mười năm thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII của Đảng, cán bộ Đảng viên và nhân dân huyện A Lưới đã đồng lòng nhất trí cao về những chủ trương, chương trình hành động của Huyện uỷ. Kết quả có được ngày hôm nay là một phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sâu sát của Đảng bộ các cấp, một phần là do sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Điều này cho thấy, để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào được cuộc sống thì công tác vận động, tổ chức, thuyết phục mọi người dân tự biết vươn lên, tự biết vận dụng đúng đắn các nghị quyết của Đảng để xây dựng cuộc sống cho chính mình ngày càng văn minh, ấm no, hạnh phúc có vai trò đặc biệt quan trọng ./.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, BTGTW