Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 9/1/2015 23:27'(GMT+7)

Nghị quyết 01 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn.

Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2013, GDP Việt Nam đạt gần 175 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đã tăng hơn 20%, đạt khoảng 1.960 USD so với mức 1.600 USD năm 2012.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng như: Hồ tiêu, gạo, cà phê, chè, cao su, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ,… Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%, đời sống của đa số dân cư đã được cải thiện.

Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vẫn còn những khó khăn.

Đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn chậm được cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015 cho hay: Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68/148 nền kinh tế. Còn theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78/189 nước.

Sức cạnh tranh của thị trường ngày càng quyết liệt kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO (tháng 1/2007) đến nay. Bên cạnh đó, lực lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng về quy mô, về số lượng. Trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chưa theo kịp với những chuẩn mực quốc tế…

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp phát triển bền vững, bất chấp mọi rủi ro và những khó khăn chung.

Chẳng hạn các công ty: Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn -SSI; Sacombank... vẫn liên tục tăng vốn, từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, đến nay có công ty số vốn đã lên đến hàng tỷ USD.

Có rất nhiều bài học rút ra từ sự thành công của các công ty kể trên nhưng tựu trung có thể khái quát một số bài học thành công:

Thứ nhất, cần có một chiến lược kinh doanh đúng đắn từ đầu, đồng thời tập trung xây dựng ngành cốt lõi của công ty; thực hiện nghiêm ngặt việc công khai, minh bạch trong công bố thông tin, niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán, từ đó huy động vốn thành công trên thị trường chứng khoán; ít sử dụng vốn vay ngân hàng cho phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển bền vững thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) xuyên suốt trong toàn bộ chiến lược kinh doanh của mình.

Có thể thấy sức mạnh của các công ty này có được đều từ sự lao động sáng tạo miệt mài của cả tập thể để cùng vượt qua những ảnh hưởng của khó khăn trong những năm qua.

Để phát triển mạnh và bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam nên học tập từ sự thành công của các doanh nghiệp kể trên, từ việc xây dựng chiến lược kinh doanh đúng đắn, việc sử dụng vốn (không tập trung vốn vay ngân hàng mà nỗ lực đa dạng hóa mọi nguồn vốn); thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại (theo thông lệ quốc tế); công khai và minh bạch thông tin…; đặc biệt là hướng đến báo cáo phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, thuyết phục với nhà đầu tư khi hội nhập với thị trường quốc tế.

Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 5/12/2014 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết: “Năm 2015 sẽ là năm thực hiện cải cách mạnh thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ… Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn trong công cuộc phòng chống tham nhũng theo hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo Hiến pháp, công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng”.

Gần đây nhất, ngày 3/1/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP “ Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015”.

Nội dung của Nghị quyết 01 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong năm 2015 (ngay từ những ngày đầu của năm mới) trong việc cải cách mạnh mẽ giáo dục, khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Vấn đề thiết thực nữa được giới doanh nghiệp quan tâm nhiều, được nêu rõ trong Nghị quyết đó là việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh; nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Có thể nói, những đòi hỏi của hội nhập, mong đợi của người dân và doanh nghiệp khi bước vào năm 2015, năm của sự hội nhập, đã được Chính phủ trả lời thỏa đáng trong Nghị quyết 01.

Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, sự nỗ lực mệt mài lao động và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, sức mạnh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nhất định sẽ được nâng lên, kinh tế đất nước nhất định phát triển mạnh mẽ, bền vững./.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất