Bước vào năm 2015, mặc dù đang là những ngày nghỉ lễ dài, nhưng trên khắp cả nước, nhiều doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang... đã ra quân sản xuất kinh doanh và làm nhiệm vụ. Đó là những hành động cụ thể hóa quyết tâm thi đua yêu nước với chủ đề “đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, chủ trương đã được Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương xác định trong năm nay.
Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Năm nay còn có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo các biện pháp thực hiện phù hợp, thúc đẩy các phong trào thi đua, cụ thể hóa tiêu chí nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội, năm 2015 càng có ý nghĩa hơn bởi được tiếp thêm động lực từ Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nhân lên những mô hình tiêu biểu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng và đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những kết quả trong đợt thi đua cao điểm lập thành tích kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân đang được phát huy, phát triển hơn nữa trong toàn quân với tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, quyết thắng”.
Với khí thế năm mới, bằng sự nỗ lực, quyết tâm về đích sớm, trước hết các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng, làm cho mục đích, ý nghĩa của thi đua thấm nhuần đến từng tập thể, cá nhân, tạo nên động lực mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, “phát” đi đôi với “động”, tránh hình thức, phô trương; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu trong việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; động viên khen thưởng kịp thời những mô hình, điển hình tiên tiến, đồng thời kiên quyết phê bình, khắc phục những tồn tại, hạn chế, làm cản trở phong trào thi đua.
Để nâng cao chất lượng phong trào thi đua, hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra, cần sự vào cuộc sâu rộng của cả hệ thống chính trị. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành chặt chẽ của chính quyền, phát huy vai trò của tổ chức chính trị-xã hội, quần chúng trong vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào thi đua. Cán bộ, chiến sĩ quân đội gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia hiệu quả các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, nhất là thực hiện tốt phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tổ chức huấn luyện kết hợp với công tác dân vận, thực hiện “Quân với dân một ý chí”...
Để “về đích sớm”, phong trào thi đua phải tạo nên động lực mới, đạt được hiệu quả cao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Các ngành, các cấp, địa phương và đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, phổ biến kinh nghiệm, góp phần xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong tổ chức thực hiện, cần có sự đôn đốc, kiểm tra, báo cáo thường xuyên của lãnh đạo, chỉ huy và các cơ quan chức năng. Có như vậy, phong trào thi đua mới toàn diện, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Theo TTXVN