Trẻ em
thuộc nhóm người dễ bị tổn thương, có những nhu cầu đặc biệt cần được
đáp ứng và là đối tượng được xã hội quan tâm, ưu tiên bảo vệ. Việc bảo
đảm quyền trẻ em đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển
của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam bởi đây là lực lượng làm chủ xã
hội trong tương lai, góp công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng và
phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng bạo hành
trẻ em đang nguy cơ có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương, với hình
thức đa dạng, khó lường, phương thức và thủ đoạn tinh vi, phạm vi mở
rộng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đã có những
vụ việc dẫn tới tử vong, gây bất bình, phẫn nộ trong cộng đồng.
Năm
2022, chỉ tính riêng chín tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện
1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em. Tòa án nhân dân các cấp đã
thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi
theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Thực
tế cho thấy các vụ bạo hành trẻ em ngày càng thể hiện tính chất phức
tạp, gia tăng mức độ nghiêm trọng; nạn nhân bị xâm hại ngày càng trẻ
hóa, báo động sự xuống cấp về đạo đức của không ít cá nhân, gây bức xúc
xã hội. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ
em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra, hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ
10 - 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực; trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh
thần, 47% trẻ em bị xâm hại thể chất. Hậu quả mà các em phải gánh chịu
sẽ cần phải rất lâu mới có thể khắc phục được.
Nguyên nhân dẫn
tới tình trạng bạo hành trẻ em trước tiên xuất phát từ tư duy của nhiều
người, theo đó việc áp dụng kỷ luật bạo lực được coi là một "biện pháp
giáo dục", với quan niệm "yêu cho roi cho vọt", "đánh cho nên người",…
trong khi thực tế việc làm này khiến trẻ em dễ bị thương tổn cả về thể
xác lẫn tinh thần. Nhận thức pháp luật về quyền trẻ em của một bộ phận
người dân nói chung còn thấp.
Nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra
công khai, kéo dài nhưng chưa được người dân quan tâm, nhìn nhận đúng
nguy cơ để trình báo kịp thời tới các cơ quan chức năng, để đến khi phát
hiện ra thì hậu quả đã rất nghiêm trọng. Các chế tài xử phạt đối với
các hành vi và tội bạo hành trẻ em chưa phát huy tính răn đe, phòng ngừa
hiệu quả. Mặt khác, phải thừa nhận rằng, mặt trái của nền kinh tế thị
trường, sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận
người dân trong xã hội tác động không nhỏ, đã và đang là nguyên nhân của
những tệ nạn ngày một gia tăng, trong đó có nạn bạo hành trẻ em.
Bạo
hành trẻ em gây hậu quả nặng nề ở cả trước mắt và lâu dài. Về phía trẻ
em, khi bị ngược đãi, bạo hành sẽ để lại những tổn thương sâu sắc cả về
thể xác lẫn tinh thần. Trẻ bị bạo hành lớn lên thường có xu hướng sống
khép mình, tự ti, trầm cảm, mất khả năng tự chủ trong cuộc sống, thậm
chí nảy sinh ý muốn tự tử hoặc có thể lặp lại những hành vi bị bạo hành
với người khác, dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo.
Về phía
gia đình, việc trẻ trở thành nạn nhân của bạo hành sẽ khiến đời sống gia
đình xáo trộn, tốn kém thời gian và tiền bạc để chữa trị cũng như can
thiệp tâm lý, giúp đỡ trẻ hòa nhập cộng đồng. Ðối với xã hội, trong bối
cảnh nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh
nhất thế giới, nạn bạo hành trẻ em sẽ đặt ra những nguy cơ đối với chất
lượng, phẩm chất của nguồn nhân lực trong tương lai.
Nhận thức
rõ những nguy cơ trên, hiện nay nhiều quốc gia coi "bạo hành trẻ em" là
trọng tội, thậm chí người biết về tình trạng bạo hành trẻ em mà không
trình báo tới cơ quan chức năng cũng sẽ bị phạt. Trong số đó, Thụy Ðiển
được coi là quốc gia đi đầu thiết lập hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em.
Từ năm 1966, quốc gia này đã ban hành đạo luật cấm bạo hành trẻ em trong
gia đình (sớm nhất thế giới).
Còn tại Pháp, năm 2019, Quốc hội
thông qua một luật cấm triệt để mọi trận đòn hay những hình thức bạo lực
khác nhằm mục đích giáo dục trẻ em. Ở Mỹ, việc đánh đập trẻ em, dù chỉ
một cái tát cũng đều là phạm pháp. Tại Anh, đầu năm 2022, Chính phủ đã
thông báo tăng mức phạt với tội danh bạo hành trẻ em, bất cứ ai gây ra
hoặc góp phần gây ra cái chết của một đứa trẻ họ chăm sóc, sẽ phải đối
mặt với án tù chung thân-thay vì mức án phạt tối đa 14 năm như trước
đây.
Tại Việt Nam, Luật Trẻ em
2016 xác định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt
nhất các điều kiện sống và phát triển" và "Bảo vệ trẻ em là việc thực
hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành
mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ
giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt". Ðến nay cơ sở pháp lý về quyền trẻ
em trong hệ thống pháp luật nước ta đã được bảo đảm một cách khá toàn
diện. Tuy nhiên việc thực hiện các quy định đó trong đời sống chưa đạt
kết quả như mong muốn. Thời gian tới để góp phần ngăn chặn, giảm nạn bạo
hành trẻ em, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính
trị và sự đồng lòng của toàn dân với những nhóm giải pháp toàn diện,
thiết thực.
Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất là hoàn thiện các
quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Cần triển khai và
quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ trẻ em ở các cấp độ hỗ trợ,
phòng ngừa và can thiệp nhằm tạo ra một lộ trình chung, tổng quát để các
cấp chính quyền địa phương có thể triển khai thực hiện hiệu quả thay
thế cho một số chính sách không phù hợp.
Nhóm giải pháp thứ hai
là về cơ chế quản lý, tiếp nhận, phối hợp, giải quyết, xử lý. Cần ban
hành những hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan, tổ chức,
đơn vị, đoàn thể xã hội khi phát hiện các trường hợp trẻ em nghi ngờ bị
bạo hành để các cấp, ngành, địa phương tiếp nhận, triển khai các biện
pháp đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời.
Tăng cường cơ chế giám
sát việc thực thi pháp luật và bố trí nhân lực, ngân sách thực hiện pháp
luật bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp chính quyền, các tổ chức và cá nhân
liên quan. Quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan quản
lý và người đứng đầu cơ quan quản lý trong việc cấp phép, quản lý các cơ
sở giáo dục tư thục. Ðối với các trẻ đang có nguy cơ hoặc đã bị bạo
hành, các biện pháp trợ giúp cần được thực hiện một cách đa dạng, linh
hoạt, quan tâm chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, giám sát, bảo đảm sự an
toàn của trẻ em, bố trí người chăm sóc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để
trẻ em hòa nhập cộng đồng.
Nhóm giải pháp thứ ba là về tuyên
truyền, giáo dục: Xác định công tác phòng ngừa là giải pháp cơ bản nhất,
theo đó việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động toàn thể xã hội
thực thi quyền trẻ em cần duy trì thường xuyên liên tục với nhiều hình
thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận để phát
huy hiệu quả trên thực tế. Ðể làm tốt công tác này cần có sự chung tay,
phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể liên quan, đặc
biệt là trong nhà trường và gia đình, cần tạo một môi trường sinh sống
và học tập lành mạnh, chú trọng giáo dục giới tính, kỹ năng phòng ngừa
bạo hành. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên, người lao động trong công tác phòng, chống bạo hành
trẻ em ở cơ sở giáo dục. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin
đại chúng trong việc tuyên truyền, phát hiện, lên án các vụ việc xâm hại
quyền trẻ em.
Trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm
trọng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh - trong đó nhấn mạnh yếu tố tự thân trong
rèn luyện nhân cách, gắn với những hoạt động thực tiễn, thực hiện tốt
vai trò, bổn phận của mỗi cá nhân với gia đình, tập thể và xã hội.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Cái mầm có xanh thì cây mới
vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi
dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập. Ý thức được đầy
đủ lời dặn của Người, mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng cần không ngừng
nâng cao ý thức trách nhiệm, bổn phận chăm lo, bảo vệ trẻ em. Bất cứ một
hành vi nào gây thương tổn và xâm hại tới quyền trẻ em cần phải bị
nghiêm trị./.
TRƯỜNG HÙNG (nhandan.vn)