Chủ Nhật, 24/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 12/4/2023 11:12'(GMT+7)

Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Đồng chí Phạm Huy Cảm, bí thư chi bộ  thôn Láo Lý, xã Tả Phời tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đồng chí Phạm Huy Cảm, bí thư chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tuổi kết hôn theo quy định pháp luật: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Ngày 14/3/2023 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Công văn số 993/UBND-NLN về việc thực hiện tăng cường giảm thiểu tình trạng tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Theo đó, trong năm 2022, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú; thường xuyên nắm bắt tình hình trong nhân dân và ngăn chặn, xử lý kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn. Thực trạng hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 ở các địa phương không xảy ra kết hôn cận huyết thống, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra. Các địa phương đã tuyên truyền, vận động ngăn chặn được 197 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó  có 177 người trong năm 2022; 20 người trong 2 tháng đầu năm 2023. Nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên, góp phần cơ bản chấm dứt số lượng các vụ hôn nhân cận huyết thống so với thời gian chưa có Chỉ thị 33-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có một số tồn tại hạn chế như: Việc thực hiện giảm tỷ lệ tảo hôn, phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con dưới 18 tuổi chưa đạt mục tiêu. Theo báo cáo tổng hợp của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 197 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với người khác như vợ chồng. Trong đó, năm 2022 là 165 người, giảm 36 người so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là giảm 30% so với năm 2021 (năm 2021 số người tảo hôn là 201 người); 2 tháng đầu năm 2023 là 32 người. Về thực trạng phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 615 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Trong đó năm 2022 có 602 người, giảm 74 người so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt được chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là giảm 20% so với năm 2021 (năm 2021 tỉnh Lào Cai có 676 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu); 2 tháng đầu năm 2023 là 13 người. Trong đó phụ nữ dân tộc Mông là chủ yếu. Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 các cơ quan, đơn vị địa phương đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. UBND cấp xã đã kịp thời xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn với 40 vụ, kinh phí là 65 triệu đồng.

Để góp phần thực hiện tăng cường tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con, thiết nghĩ, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tảo hôn ở địa phương.

Hai là, tuyên truyền rộng rãi đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh uỷ Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Ba là, tiếp tục duy trì, xây dựng các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và giảm số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 07/4/2022 của UBND tỉnh Lào Cai; tăng cường đổi mới các hoạt động tại Mô hình để thu hút Nhân dân tham gia, nhất là phụ nữ, các thanh thiếu niên và cha mẹ có con là thanh thiếu niên... gắn việc triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với dân tộc có dân số ít người.

Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín và tổ tuyên vận; cộng tác viên dân số tham gia tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Dân số & Gia đình... Giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2023 và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh uỷ Lào Cai đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai không còn tảo hôn.

Việc tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Những chuyển biến tích cực từ cơ sở là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội, góp phần quan trọng xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển nơi địa đầu Tổ quốc./.

Đỗ Hiền

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất