Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5-3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã có thông tin chính thức về kết quả rà soát hồ sơ các ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017 với 1.131 người bảo đảm đủ tiêu chuẩn, không có đơn thư tố cáo… GS, TSKH Bùi Văn Ga Phó Chủ tịch HĐCDGSNN đã có những trao đổivề những vấn đề dư luận quan tâm.
Phóng viên (PV): Việc công nhận chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát việc công nhận đạt chuẩn. Xin Giáo sư cho biết quá trình rà soát và kết quả thực hiện như thế nào?
GS, TSKH Bùi Văn Ga: Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 9-2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), Chủ tịch HĐCDGSNN đã yêu cầu Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại một cách kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên, nếu phát hiện trường hợp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì kiên quyết không công nhận. Chủ tịch HĐCDGSNN cũng đã thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Ngày 27-2, HĐCDGSNN đã tổ chức họp, nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ ứng viên của 28 Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và kết quả rà soát lại hồ sơ của tổ công tác nêu trên.
Qua rà soát 1.226 hồ sơ ứng viên, các hội đồng ngành và tổ công tác đã xác định có 1.131 hồ sơ ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, có minh chứng rõ ràng, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, không có đơn thư tố cáo. Đối với số hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, HĐCDGSNN đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, minh chứng cụ thể. Hội đồng cũng đã giao một tổ công tác làm việc trực tiếp với cơ quan liên quan để xác minh thêm. Những ứng viên có đơn thư khiếu nại, tố cáo được xem xét theo quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
PV: Thưa Giáo sư, số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 nhiều hơn so với những năm trước đã gây những băn khoăn trong dư luận. Vậy, đâu là nguyên nhân và HĐCDGSNN lý giải việc này như thế nào?
GS, TSKH Bùi Văn Ga: Có một số nguyên nhân được xác định đó là: Bộ GD và ĐT đã cố gắng hoàn thành dự thảo quy định mới thay thế cho các quy định hiện hành để xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phù hợp hơn với tình hình thực tế, áp dụng cho năm 2017. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên dự thảo chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Vì thế thời điểm thông báo triển khai kế hoạch xét năm 2017 chậm hơn những năm trước và thời gian kết thúc nhận hồ sơ kéo dài gần sáu tháng so với năm 2016.
Một nguyên nhân nữa là những năm qua có nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài theo các đề án của Chính phủ đã tốt nghiệp trở về nước. Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tăng lên nhiều so với trước nhờ chính sách đầu tư thu hút giảng viên có trình độ cao của các trường đại học.
Thêm vào đó, quy định hiện hành về xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS đã lâu chưa được thay đổi. Tiêu chuẩn xét như hiện nay trước đây là phù hợp nhưng hiện nay, trình độ của giảng viên nước ta đã nâng cao đáng kể, ngày càng có nhiều ứng viên trẻ đáp ứng được các tiêu chuẩn yêu cầu. Vì vậy, số lượng ứng viên năm 2017 tăng nhiều hơn so với những năm trước.
PV: Ngoài việc số lượng nhiều thì còn có những ý kiến băn khoăn về chất lượng các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm nay. Vậy, Giáo sư đánh giá chất lượng các ứng viên ra sao?
GS, TSKH Bùi Văn Ga: Thực tế, chất lượng khoa học của các ứng viên năm nay so với năm 2016 và các năm trước đã tăng lên một bước rõ rệt và ngày càng tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế. Mặc dù việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí nước ngoài chưa bắt buộc theo quy định hiện hành nhưng nhiều ứng viên có công bố nghiên cứu của mình trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong danh mục ISI và Scopus) của các ứng viên trong những năm gần đây tăng nhanh (năm 2017 có 5.316 bài, trong khi năm 2016 chỉ có 2.510 bài); trong đó, tăng nhiều nhất thuộc các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ.
Một điểm đáng chú ý nữa là năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn so với những năm trước, đặc biệt là các ứng viên trẻ đã đi du học ở nước ngoài. Các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành đã yêu cầu cao khi thẩm định ngoại ngữ các ứng viên thông qua trình bày báo cáo và trả lời trực tiếp các câu hỏi của thành viên hội đồng. Nhiều ứng viên thành thạo hai ngoại ngữ thông dụng.
PV: Sau khi có kết quả rà soát bước đầu, HĐCDGSNN đã nhìn nhận quá trình rà soát ra sao và sẽ tiếp tục triển khai như thế nào trong thời gian tới?
GS, TSKH Bùi Văn Ga: Ngay sau khi có ý kiến của Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng GD và ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN đã họp Thường trực Hội đồng và nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc vì còn có hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu quy định, cần xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Thường trực Hội đồng cũng rút kinh nghiệm nghiêm túc trong quy trình tập huấn, hướng dẫn các Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở trong việc kiểm tra hồ sơ ứng viên trước khi chuyển lên HĐCDGSNN.
Chiều 5-3, Chủ tịch HĐCDGSNN đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 đối với 1.131 ứng viên bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, không có đơn thư tố cáo. Đồng thời Bộ trưởng GD và ĐT giao Thanh tra Bộ GD và ĐT chủ trì xác minh làm rõ thông tin các trường hợp mà hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ các minh chứng theo quy định, cần xác minh thêm những thông tin ứng viên khai chưa rõ ràng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo để báo cáo tại cuộc họp HĐCDGSNN lần thứ 9.
Bộ GD và ĐT đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thay thế quy định hiện hành về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nguyễn Đoàn/Nhân dân