GS.TS Huỳnh Văn Minh, Bệnh viện trường Đại học Y dược Huế và các đồng nghiệp đã thành công với cụm công trình "Nghiên cứu dự báo nguy cơ tim mạch toàn dân và triển khai kỹ thuật chẩn đoán – điều trị tim mạch tại Thừa Thiên - Huế".
Cụm công trình bao gồm: Nghiên cứu mô hình bệnh lý tim mạch và dự báo nguy cơ tim mạch trong quần thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế; nghiên cứu triển khai các phương pháp chẩn đoán tim mạch mới không xâm nhập tim tại tỉnh Thừa Thiên – Huế; nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật tạo nhịp tim trong điều trị cấp cứu bệnh lý tim mạch tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụm công trình đã đạt giải A - Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ (KHCN) lần 2 năm 2011.
Công trình được tiến hành từ tháng 1 năm 2007, trên từng nhóm đối tượng trên 20 tuổi phân bố ở các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Bằng phương pháp mô tả ngang và phân tích thông qua khám lâm sàng, xét nghiệm, đo chỉ số mỡ cơ thể, chỉ số mỡ tạng và phỏng vấn từng đối tượng kết hợp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng, các nhà nghiên cứu đã xác định được thực trạng và nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới ở Thừa Thiên – Huế, đồng thời triển khai các phương pháp chẩn đoán - điều trị cấp cứu bệnh tim mạch.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ dự báo mắc bệnh mạch vành, mạch não tại tỉnh Thừa Thiên – Huế khá cao. Tỉ lệ các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch đứng đầu là rối loạn lipid máu (33,51%), tiếp đến là hút thuốc lá (23,7%), béo phì (8,16%), đái tháo đường (4,35%), lối sống tĩnh tại (2,34%). Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã triển khai các phương pháp chẩn đoán rất hiệu quả như: Holter điện tâm đồ 24 giờ, huyết áp lưu động 24 giờ... Thành công của nghiên cứu còn được thể hiện ở việc áp dụng các kỹ thuật tạo nhịp tim trong điều trị bệnh nhân suy tim, đặt máy tạo nhịp tim 3 buồng, cải tiến máy tạo nhịp tim vĩnh viễn đã qua sử dụng thành máy tạo nhịp tim tạm thời trong cấp cứu tim mạch. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện thành công hàng trăm ca đặt máy tạo nhịp tim, giảm được chi phí điều trị tim mạch tại bệnh viện. Ngoài ra, nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, mở rộng ứng dụng ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên./.
Theo TTXVN