Thứ Hai, 23/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 1/10/2012 15:40'(GMT+7)

Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu thị trường

TS. Nguyễn Thanh Thịnh

TS. Nguyễn Thanh Thịnh

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng khoa học và kỹ thuật cũng như chuyển giao công nghệ cho sản xuất ?

Hàng năm, nhà nước dành khoảng 2% tổng chi ngân sách (khoảng 0,5% GDP) cho khoa học và công nghệ (KH&CN), đây là con số không hề nhỏ so với khu vực và thế giới, tuy nhiên nếu xét trên bình quân đầu người cho KH&CN thì ở nước ta mới đạt 8-10USD/người/năm. Đây là mức khiêm tốn, thậm chí khá thấp so với một số nước như Trung Quốc, Malaisia, Thái Lan là trên 50 USD, (một số nước như Mỹ, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… mức đầu tư lên tới 80-100 USD/người/năm).

Về đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng những đề tài, dự án trong các chương trình trọng điểm quốc gia về KH&CN, nhà nước đã tổ chức triển khai các chương trình ở một số lĩnh vực do các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các đề tài, dự án được đưa vào sản xuất và ứng dụng chỉ đạt khoảng 20 – 30%. Điều này xuất phát từ những cơ chế chính sách mang tính chất đặc thù của hoạt động KH&CN chưa phù hợp. Các ngành công nghiệp và dịch vụ chưa có định hướng đầu tư tập trung vào công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, tiên tiến và hiện đại. Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản cũng chưa được chú trọng đầu tư đúng mức để tạo ra nhiều giống lúa mới, cây con mới trên nền tảng ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao.

Có thể khẳng định, hoạt động chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tuy có nhiều thành tựu song về cơ bản vẫn chậm chạp, kéo dài từ khâu nghiên cứu, thực nghiệm đến ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống và chưa có sự đồng bộ, liên hoàn nên chưa mang lại hiệu quả cao.

PV: Trao quyền chủ động cho nhà khoa học quá trình nghiên cứu của mình thông qua việc đặt hàng các nhà khoa học có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng đây là một hướng đi mang tính chất đổi mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khi đặt hàng cho các nhà khoa học chúng ta có thể nhìn thấy và dự đoán được những kết quả của công trình, dự án nghiên cứu. Không những vậy, công trình nghiên cứu có định hướng với mục đích rõ ràng, được đánh giá, nghiệm thu.

Nhà khoa học sẽ nắm quyền chủ động trong mọi quá trình nghiên cứu của mình, có trách nhiệm với công việc, vị thế được nâng cao, tiến độ triển khai nghiên cứu cũng được đẩy nhanh, góp phần rút ngắn thời gian giữa nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn.

Để hoạt động KH&CN gắn với sản xuất, gắn với xã hội, nhà khoa học phải được chủ động về tài chính, nhân sự, về đầu tư cơ sở vật chất và về hướng phát triển. Cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, kết hợp với các đối tác để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nông nghiệp, y tế, công nghiệp và các ngành mũi nhọn khác, đặc biệt là sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý và hiệu quả, tránh được thảm họa phá vỡ các hệ sinh thái và môi trường.

PV: Thưa ông, để nâng cao giá trị hàng hoá Việt Nam, gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm quốc gia, chúng ta cần làm gì?

Tôi cho rằng không còn con đường nào khác ngoài những giải pháp về KH&CN. Hoạt động nghiên cứu phải xuất phát từ thực tế sản xuất-kinh doanh, từ nhu cầu của thị trường và gắn với doanh nghiệp và thị trường theo mô hình hệ thống đổi mới quốc gia (national innovation system), đổi mới theo ngành, hoặc vùng lãnh thổ (innovation cluster).

Tuy nhiên, thực tế tồn tại bấy lâu nay là các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học. Quy định trích 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KH&CN đã được Nhà nước ban hành, nhưng có rất ít doanh nghiệp thực hiện. Hơn nữa, 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho khoa học của các doanh nghiệp cũng không lớn lắm. Vì vậy, ngoài khoản chi phí doanh nghiệp tự bỏ ra cần có sự tài trợ của nhà nước để ứng dụng được các nghiên cứu để các sản phẩm được làm ra có hàm lượng chất xám “đọng” ở đấy khoảng 50-60%...

Hiện nay hàm lượng chất xám chỉ đạt khoảng 5 -10% tại các sản phẩm, còn phần lớn là dựa vào nguồn nhân công và nguồn nguyên liệu giá rẻ, do đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp. Mặt khác, do không áp dụng những giải pháp KH&CN hiện đại dẫn đến quá trình sản xuất của các doanh nghiệp còn tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, năng suất thấp, kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, chưa thực sự phát triển bền vững và luôn gây ra ô nhiễm môi trường.

PV: Việc ứng dụng KH&CN để tạo ra các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Nếu chúng ta chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp thì năng suất và chất lượng sẽ cao hơn rất nhiều. Một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… đã rất thành công trong việc áp dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà khoa học đang chú trọng vào nghiên cứu cơ bản mà bỏ ngỏ việc nghiên cứu các đề tài, dự án mang tính cấp bách và thiết thực với sản xuất. Tôi cho rằng, nên tập trung vào ứng dụng những công nghệ mới do các viện, trường ở Trung ương đã tiến hành nghiên cứu và chuyển giao cho các địa phương. Các tỉnh, huyện chỉ nên phối hợp, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học do các viện, các trường đại học đã tạo ra.

Điều cốt lõi phải thấy được nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, từ thực tiễn sản xuất mà không bị áp đặt từ trên xuống dưới theo một cơ chế khuôn mẫu. Điều này khiến cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn mang tính bị động, chủ quan, không có ý chí luận và không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đây là mâu thuẫn lớn mà chúng ta cần giải quyết. Để làm được điều này cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, bởi hiện nay các nhà khoa học vẫn làm như cán bộ hành chính, lương vẫn hành chính, chưa thỏa đáng với công sức và cống hiến của họ. Phần lớn các nhà khoa học được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống nhiều năm ở nước ngoài, nhưng khi về nước làm việc với chế độ tiền lương, điều kiện làm việc và những đãi ngộ đó thì khó có thể “giữ chân” được nhân tài trong lao động sáng tạo trong các viện, các trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngũ Hiệp (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất