Thứ Bảy, 21/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 10/6/2013 17:22'(GMT+7)

Nghiệp đoàn gắn kết ngư dân

Ngư dân miền Trung cùng nhau bám biển (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Ngư dân miền Trung cùng nhau bám biển (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Vì mục tiêu giúp ngư dân bám biển, NĐNC hướng hoạt động của mình vào việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và giải quyết những tranh chấp xảy ra trong quá trình khai thác hải sản trên biển, cung cấp các thông tin pháp luật quốc tế về biển, hỗ trợ vốn, dịch vụ hậu cần, giúp đỡ ngư dân khi gặp khó khăn... Từ NĐNC đầu tiên tổ chức cuối năm 2011, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đến nay trên phạm vi cả nước đã có hàng chục NĐNC được thành lập ở cấp xã, huyện và tương đương tại các tỉnh ven biển. Những mô hình, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, Quỹ hỗ trợ ngư dân, Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển… đã góp phần thúc đẩy NĐNC hình thành, phát triển. Việc xã hội hóa, huy động sự chung tay, góp sức của các tổ chức xã hội, từ thiện và các nhà hảo tâm thông qua NĐNC tại Quảng Ngãi thời gian qua đã đóng góp, hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho các chủ tàu và ngư dân gặp thiên tai, tai nạn trên biển, là một cách làm thiết thực, được nhiều địa phương vận dụng, triển khai.

Nước ta hiện có khoảng 130.000 tàu cá các loại, với gần 4 triệu lao động làm các nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, trong đó hơn 1,3 triệu lao động thu nhập chính từ khai thác hải sản. Đó là nguồn lực, cơ sở quan trọng để phát triển NĐNC. Khó khăn, thách thức đặt ra đối với các nghiệp đoàn còn non trẻ là nhận thức hạn chế của một bộ phận ngư dân, tư duy lao động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết; phương tiện, ngư cụ thiếu, lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn... Để phát triển NĐNC, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa và quyền lợi khi tham gia nghiệp đoàn. Tổ chức NĐNC cần tạo ra mô hình liên kết tập thể, sức mạnh cộng đồng để khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo vệ ngư dân trước thiên tai, hiểm họa và góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Qua thực tiễn hoạt động của các NĐNC ở các địa phương, cần nghiên cứu việc tổ chức NĐNC với quy mô, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động nào là phù hợp, mang lại hiệu quả. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chỉ đạo các địa phương sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng, triển khai những mô hình mới, cách làm hay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập nảy sinh; đề xuất với Nhà nước có các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và hỗ trợ hoạt động của nghiệp đoàn, như việc phát triển đội tàu công suất lớn, phát triển dịch vụ trên biển… Các NĐNC chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, cứu hộ, cứu nạn… để nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ khi hoạt động trên biển. Từ các NĐNC độc lập, nhỏ lẻ, cần nghiên cứu tập hợp, dần hình thành hệ thống tổ chức nghiệp đoàn trong từng tỉnh, thành phố và trên phạm vi toàn quốc.../.

Vũ Xuân Dân (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất