Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 11/1/2009 8:27'(GMT+7)

Ngoại thương Việt Nam 2008: Đạt cả 3 mục tiêu

Xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản

 Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, chúng ta đã thành công trên cả 3 phương diện: đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế tốc độ tăng nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu.

1. Về xuất khẩu

Suốt trong quý 1, nếu theo dõi diễn biến xuất khẩu nhiều người hẳn phải rất lo ngại. Bình quân kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng chỉ đạt 4,3 tỉ USD /tháng trong khi để đạt mục tiêu cả năm 2008 mỗi tháng phải đạt 5 tỉ USD. Trong tình thế ấy, hàng loạt biện pháp đã được áp dụng: mở rộng hình thức huy động vốn để tăng nguồn cho vay; đa dạng hoá hình thức tài trợ tín dụng đối với xuất khẩu; cho vay ưu đãi, theo hiệp định chính phủ; mở rộng bảo lãnh tín dụng xuất khẩu; cải tiến việc giải quyết miễn, giảm, hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, vật tư, sử dụng hiệu quả lao động, chớp thời cơ trong kinh doanh, mở thêm thị trường mới, thay thế những thị trường đang ách tắc, thực hiện ngay các hợp đồng cung cấp hàng hóa đạt tiêu chuẩn khi có cam kết mới mở thị trường. Chính vì vậy, bắt đầu từ quý II, 7 tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu vượt trên 5 tỉ USD, trong đó 3 tháng 6 - 7 - 8, đạt trên 6 tỉ USD. Sự vượt trội đó đã kéo con tàu xuất khẩu năm 2008 về đích ngoạn mục.

Ngoại thương năm 2008 thành công trên cả 3 phương diện: đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế tốc độ tăng nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Năm 2008 có 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, hơn được 2 nhóm mặt hàng so với năm 2007. Trong số 2 thành viên mới này có nhóm hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2007 nhóm hàng này chỉ đạt được kim ngạch 825 triệu USD, nhưng năm 2008, với sự tăng đột biến của sản phẩm đá quý và kim loại quý thêm gần 500 triệu USD, nên cả nhóm đạt trên 1,3 tỉ USD. Với ngưỡng đó, khả năng nhóm thủ công mỹ nghệ đạt mục tiêu 1,5 tỉ vào năm 2010 không còn là điều xa vời.

Năm 2000, cả ngành thuỷ sản mới đạt ngưỡng kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD, đến năm 2008 chỉ riêng xuất khẩu cá basa đã đạt mức1,4 tỉ USD, góp phần đưa toàn ngành lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 4 tỉ USD.

Với việc áp dụng rộng rãi sáng kiến trồng cà phê dưới tán cây lớn từ các trang trại của “thủ phủ” cà phê Ban Mê Thuột, cùng một lúc chúng ta đạt hai kết quả là hạt cà phê chất lượng hơn và tạo ra các yếu tố vi lượng lan toả góp phần làm sản xuất thân thiện với môi trường hơn. Năm 2008 giá xuất khẩu cà phê trên thị trường thế giới khá cao, nên cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt ngưỡng 2 tỉ USD, giữ vững vị thế của Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Còn xuất khẩu gạo, ở miền Bắc đầu năm lúa cấy xuống bị chết rụi, nông dân phải nhổ đi rồi cấy lại vì thời tiết bị rét đậm, rét hại, còn ở đồng bằng sông Cửu Long thì bệnh vàng lùn vàng xoắn lá có nguy cơ quay trở lại,… nên cũng ít ai nghĩ rằng năm nay sản xuất và kinh doanh lúa gạo lại có tới 3 cái “được”. Thứ nhất là cả hai miền đều được mùa, dẫn tới 2 cái “được” tiếp theo; thứ hai là đảm bảo được an ninh lương thực cho 85 triệu dân trong cả nước; và, thứ ba là đạt được sự nhảy vọt về kim ngạch xuất khẩu, do vừa tăng thêm số lượng 200.000 tấn, vừa bán được với giá tăng, đưa kim ngạch xuất khẩu gạo lên tới 2,9 tỉ USD, bằng 194% so với năm 2007 (dự kiến lúc đầu chỉ là 1,5 tỉ USD).

Một số mặt hàng chủ lực khác tuy khối lượng xuất khẩu giảm nhưng do giá tăng mạnh trên thị trường thế giới nên trị giá vẫn tăng như dầu thô tăng 23,1%, than đá tăng 44%, cao su tăng 14,6%. Các sản phẩm đóng tầu thuyền, sản phẩm từ gang thép, cao su đều có mức tăng trưởng cao so với năm 2007 và là những mặt hàng có triển vọng tăng nhanh trong thời gian tới.

Tựu chung, xuất khẩu cả năm đạt 62,9 tỉ USD, tăng 29,5 % so với năm 2007, trong khi chỉ tiêu chỉ có 22%. Với tổng kim ngạch trên, bình quân một tháng năm 2008, xuất khẩu đạt được kim ngạch 5,25 tỉ USD, tương đương kim ngạch xuất khẩu cả năm 1995 (5,4 tỉ USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu trên đã vượt xa mức dự định cho năm 2009, tiến gần mục tiêu vào năm 2010 trong “Đề án xuất khẩu giai đoạn 2006 – 2010”. Với tốc độ tăng nói trên, chỉ số tăng xuất khẩu năm nay gấp 4,7 lần so với tốc độ tăng GDP, trong khi năm 2007 chỉ có 2,6 lần.

Từ những thành công đó có thể thấy hoạt động xuất khẩu năm 2008 nổi bật trên bốn nét chính:

- Quy mô lớn nhất từ trước tới nay, tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì ở mức cao, cao nhất từ năm 1995 đến nay.

- Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, đã xuất hiện những mặt hàng tiềm năng có triển vọng tăng trưởng nhanh mà chưa gặp rào cản cũng như ngưỡng hạn chế nào.

- Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục được chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng xuất khẩu thô.

- Bên cạnh việc khai thác tối đa thị trường trọng điểm, chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống, đẩy mạnh việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giảm bớt thị trường trung gian, nhiêù chủng loại hàng hoá đã vào được các thị trường mới. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Phi tăng tới 95% so với năm 2007.

Chia tay năm 2008, ngoại thương Việt Nam còn ghi thêm một sự kiện mới. Đó là, ngày 25-12-2008, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA) được ký tại Nhật Bản. Với mức cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, Hiệp định này sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt là đối với hàng nông, thuỷ sản. Điều này sẽ làm vơi đi những băn khoăn về thị trường xuất khẩu trong bộn bề khó khăn đang chờ trực khi bước vào năm 2009.

Góp chung vào thành công nói trên, còn phải kể đến vai trò của công tác cải cách hành chính trong ngành. Năm 2008, 6 phòng quản lý xuất nhập khẩu đã được mở thêm tại Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Tiền Giang, Cần Thơ, nâng số phòng quản lý xuất nhập khẩu từ 9 lên 15.

Tuy vậy hoạt động xuất khẩu vẫn còn những hạn chế:

- Một số hàng chủ lực gặp khó khăn vì phải đối phó với rào cản thương mại mới ngày càng nhiều, với các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi của các nền kinh tế lớn.

- Việc tăng trị giá xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào những thị trường lớn, khi những địa bàn này biến động, xuất khẩu của Việt Nam lập tức bị xáo động theo.

- Cuộc khủng hoảng toàn cầu dẫn tới suy giảm nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường. Tình hình này đã có dấu hiệu từ quý 4-2008 song chắc chắn sang năm 2009 sẽ tác động rõ rệt đến xuất khẩu của Việt Nam, trong khi đó các chi phí trung gian, đầu vào không giảm, trái lại thậm chí còn tăng.

- Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng khoáng sản, nông, lâm, thuỷ sản, mà các mặt hàng này giá cả rất dễ biến động. Còn các mặt hàng chế biến đa phần lại là hàng gia công, nên phần lợi nhuận chủ yếu trong chuỗi lợi nhuận lại thuộc phía nước ngoài.

- Chưa tận dụng hết những lợi ích từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định song phương và khu vực đã ký kết để khai thác tiềm năng của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.

- Việc tiếp cận nguồn vay, các dự án đầu tư chiều sâu bằng tiền Việt Nam cho sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu vẫn còn bất cập, nhất là đối với nông sản, thuỷ sản và với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đang chiếm số đông tuyệt đối trong cộng đồng doanh nghiệp.

2. Về nhập khẩu

Do phải duy trì sản xuất và đời sống, cùng với nhiều thúc bách nên trong nhiều trường hợp không thể “đừng” việc nhập khẩu, song quản lý nhập khẩu thế nào để không làm trầm trọng sự thiên lệch cán cân thương mại lại là việc phải cân nhắc. Trong tình thế đó, nhiều giải pháp ra đời và được chỉ đạo thực thi sát sao: tiết kiệm chi phí công nhất là việc mua sắm những trang thiết bị ngoại nhập; giãn, hoãn tiến độ thi công các công trình không hiệu quả hoặc chưa cần thiết; tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xa xỉ; nộp thuế trước khi thông quan hàng hoá; quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động; kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng về, nhất là tránh việc lợi dụng cơ chế thông thoáng để nhập về rác phế thải; xác định danh mục hàng thật thiết yếu cần ưu tiên nhập khẩu; tăng cường sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu; chủ động điều hành tỷ giá ngoại hối…

Kết quả, nhập khẩu đã trong tầm kiểm soát. Kim ngạch nhập khẩu quý 1-2008 là 21,5 tỉ USD. Quý 2 tiếp tục nóng lên với 22,8 tỉ USD. Song từ tháng 7, nhập khẩu bắt đầu hạ nhiệt, quý 3 dưới 20 tỉ USD và quý 4 xuống chỉ còn 15,4 tỉ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm là 79,9 tỉ USD, tăng 27,5 % so với năm 2007, thấp hơn mức tăng 39.6% của năm 2007 so với năm 2006.

3. Về kiềm chế nhập siêu

Nếu như phải đến tháng 4, xuất khẩu mới tăng, thì ngay từ đầu năm, nhập khẩu đã “hăng xái bứt phá”, nên nhập siêu tại thời điểm đó đã lên trên 14, 3 tỉ USD - nhỉnh hơn mức nhập siêu cả năm 2007 (14,1 tỉ USD), khiến nhiều người lo ngại cho rằng nhập siêu cả năm sẽ tới 30 tỉ USD. Song do xuất khẩu được cải thiện dần, nhập khẩu ngày càng thu hẹp, khiến cơn sốt nhập siêu sớm cắt cơn. Quý 3- 2008 trị giá nhập siêu chỉ còn trên 1,2 tỉ USD, quý 4 xấp xỉ 1,3 tỉ USD, rốt cuộc cả năm là 17 tỉ USD, dù trị giá cao hơn năm ngoái, song tỷ lệ lại giảm, chỉ có 27% so với 29% của năm 2007.

Từ thành công của cả 3 lĩnh vực nói trên có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là:

- Cần luôn tuân theo đường lối chung và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế năm qua, bằng việc tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương đã đề ra những chính sách, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, từng thời gian, từng địa bàn để kịp thời tháo gỡ, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

- Trên tinh thần Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, các ngành, các cấp quản lý nhà nước phải thường xuyên phối hợp từ việc soạn thảo chính sách đến chỉ đạo điều hành để tăng cường hiệu lực của quản lý nhà nước.

- Cần quan tâm thu thập, cập nhật thông tin và nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo ngắn hạn, dài hạn để có biện pháp đối phó với tình hình trước mắt và hoạch định kế sách dài lâu.

- Đi đôi với việc thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách, quảng bá các hoạt động nhằm tạo ra sự đồng thuận trong dư luận, cũng như nhận được hiến kế của xã hội trong việc thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

- Sớm hoàn thiện quy hoạch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tiến cơ cấu cùng chất lượng nhập khẩu phù hợp với lộ trình chủ động hội nhập nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững nền ngoại thương Việt Nam.

Những kinh nghiệmtrong hành trang bước vào năm 2009, sẽ giúp Việt Nam tự tin đối mặt với nhiều thách thức hơn, phấn đấu đạt những kết quả như mong đợi, làm đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2006 - 2010./.

Nhân Nghĩa(TCCS)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất