Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/1/2009 15:47'(GMT+7)

“Nhà tôi dùng 100% sản phẩm Việt”

Ông Nguyễn Cẩm Tú

Ông Nguyễn Cẩm Tú

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, dù sản phẩm của Việt Nam còn nhiều điểm yếu so với hàng hóa của nước ngoài, song lúc này, người Việt nên đẩy mạnh sử dụng hàng Việt, để không chỉ thể hiện lòng yêu nước mà còn vì tương lai của nền kinh tế.

Trên người tôi không có thứ gì là đồ ngoại cả

Thưa ông, tại sao trong giai đoạn khó khăn hiện nay lại cần thiết hơn bao giờ hết kêu gọi người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam?

Dùng hàng Việt Nam trước hết thể hiện lòng yêu nước của mình. Lòng yêu nước đó không phải là gì chung chung mà bằng cách dùng hàng Việt Nam để giúp cho nền kinh tế nước nhà phát triển, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, và giúp cho doanh nghiệp có thể đứng vững được trong bối nhiều sóng gió này.

Vậy sản phẩm tiêu dùng cho gia đình nhà Thứ trưởng, xin hỏi bao nhiêu phần trăm là hàng Việt?

Nhà tôi dùng 100% sản phẩm của Việt Nam. Trên người tôi không có thứ gì là đồ ngoại cả.

Việc đẩy mạnh kêu gọi dùng hàng Việt bây giờ, theo Thứ trưởng, có là quá muộn?
 
Theo tôi không có cái gì là muộn. Chỉ có điều chúng ta phải bắt đầu làm sao cho phù hợp.

Nếu như cách đây vài năm, nền kinh tế và người tiêu dùng còn đang sung túc thì việc kêu gọi người Việt dùng hàng Việt không đơn giản, rồi tâm lý tiêu dùng luôn muốn dùng hàng cao cấp nhất, mẫu mã đa dạng nhất, chủng loại tốt nhất dù giá thành cao hơn.

Nên nếu đặt vào giai đoạn trước đây chưa chắc đã tìm được sự ủng hộ, còn hiện giờ thì thuận lợi hơn bởi bản thân người tiêu dùng phải nghĩ đến nhu cầu sử dụng hàng hóa của mình trong điều kiện khó khăn chung.

Cạnh tranh bằng văn hóa

Theo ông, khi chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền người Việt dùng hàng Việt thì khó khăn lớn nhất tại thị trường nội địa hiện nay là gì?

Khó khăn chung thì ai cũng biết rồi.

Chúng ta sản xuất qui mô nhỏ, chủng loại ít, mẫu mã ít, chất lượng còn thấp, hậu mãi kém, giá cả còn cao, đấy đều là những khó khăn về sản xuất. Và những nhà sản xuất phải khắc phục những khó khăn này, bằng cách đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành…

Thứ hai là hạ tầng sản xuất còn kém, trong đó nhất là hạ tầng thương mại, như các doanh nghệp phân phối Việt Nam chưa có cụ thể hệ thống tổ chức của mình, chưa có cơ sở vật chất đủ để giải quyết về vấn đề hạ tầng thương mại.

Vấn đề thứ ba là khắc phục tâm lý tiêu dùng, đừng coi tâm lý tiêu dùng dùng sản phẩm đơn giản chỉ là việc phục vụ nhu cầu của mình. Hãy nhìn nhận bên cạnh tiêu dùng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bản thân mình cũng là  đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho bản thân, đặc biệt là giới trẻ vì tương lai là của giới trẻ.

Theo ông, liệu có bí quyết gì để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, hiệu quả và tiến tới chiếm lĩnh thị trường ngay trên sân nhà không?

Những yếu tố chung như đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh… thì bất kỳ doanh nghiệp, đất nước nào cũng phải tính đến.

Nhưng có một lợi thế rất lớn, rất riêng của doanh nghiệp Việt Nam và phải đào sâu, mà các doanh nghiệp nước ngoài không làm được, là hãy tìm hiểu kỹ nhu cầu của người Việt Nam, tìm hiểu kỹ văn hóa của người Việt Nam, hãy đáp ứng yêu cầu đó thì chúng ta sẽ thắng được trên sân nhà.

Điều đó bởi văn hóa là điều không dễ học, là rào cản đối với bất cứ một người nước ngoài nào, kể cả những người đã sống lâu trên đất nước ta.

Về phía Nhà nước, cụ thể là Chính phủ và Bộ Công Thương, sẽ có những biện pháp hỗ trợ gì để giúp các doanh nghiệp để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa?

Trước hết, Chính phủ và các bộ ngành sẽ phải hoàn thành trách nhiệm của mình, tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp, tạo cơ chế chính sách phù hợp để có thể phát triển được hàng Việt Nam và phục vụ người Việt Nam.

Nhưng nếu chỉ sự cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành thôi chưa đủ.

Về phía các doanh nghiệp cũng phải làm sao phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bao gồm chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả… Muốn như vậy các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, phát triển cơ sở sản xuất, quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, mẫu mã, hàng hóa…

Nhưng cũng chỉ có Nhà nước và doanh nghiệp thôi thì cũng không làm nổi, mà người tiêu cũng phải đóng góp vào vấn đề này. Người tiêu dùng hãy luôn nhớ rằng việc người Việt dùng hàng Việt không những đáp ứng nhu cầu của mình mà còn góp phần vào thúc đẩy đất nước phát triển.

Theo Mạnh Chung (VnEconomy)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất