Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 20/9/2009 7:11'(GMT+7)

Ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)


Ngôn ngữ báo chí (NNBC) và ngôn ngữ văn học (NNVH) cùng dùng chung văn tự, từ ngữ làm phương tiện chuyển tải nội dung. Giữa hai loại này có những điểm giống và khác nhau. Người cầm bút rất cần nắm vững để không nhầm lẫn, mới mong đạt hiệu quả tối đa khi vận dụng.

Điểm giống nhau ở 2 loại ngôn ngữ - ngoài việc dùng văn tự như đã nói - đều có chung một yêu cầu: phát huy hiệu quả thông tin, biểu đạt tối đa. Cần làm sao để giảm thiểu chữ nghĩa mà lại đạt được sức gợi mở, miêu tả, biểu hiện lớn nhất. Để đạt được yêu cầu này, cả NNBC và NNVH đều cần tính hàm súc, cô đọng. Không thể mất quá nhiều chữ nghĩa để chuyển tải một dung lượng ít ỏi, nghèo nàn.

Sự giống nhau ở trên dễ được mọi người viết nhận biết. Nhưng sự khác nhau thì không phải ai cũng thấy rõ.

Điều khác biệt đầu tiên mang tính chất cơ bản nhất là: một đằng nhằm vào mục đích thông tin là chủ yếu (NNBC); và một đằng là biểu hiện, khắc hoạ hình tượng (NNVH) để người đọc cảm nhận đối tượng đề cập. NNBC chỉ nhằm vào nhiệm vụ thông tin với những yêu cầu: chuẩn xác, phong phú, mới mẻ và hấp dẫn. Một bài báo đem đến cho bạn đọc những thông tin đạt 4 yêu cầu trên đương nhiên sẽ là một bài báo có chất lượng, hay, được đọc giả tán thưởng. Tư duy của NNBC nghiêng nhiều về thứ tư duy logic, khoa học, luôn cần sự chuẩn xác, sắc nhọn, đầy ắp, dồn nén thông tin. Người ta luôn yêu cầu một bài báo càng ngắn càng tốt. Và người viết báo ngắn mới giỏi. Một câu chuyện có thật minh chứng điều này: Sau ngày cách mạng Nga thành công, một nhà báo đến đòi Lênin “trả nợ” một bài báo. Người nói với biên tập viên: “Mong đồng chí thông cảm, bài báo hơi bị dài. Tôi bận quá, không có thời gian để viết ngắn hơn”. Ngay cả kiểu bài bình luận cũng nhằm vào việc cày xới thông tin là chủ yếu. Phần bình luận - đưa ra những chính kiến của người viết - là những nhìn nhận xung quanh các thông tin. Yêu cầu của bình luận là sắc cạnh, chí lí không thể chung chung mờ nhạt.

NNBC gần như chỉ tập trung vào hai kiểu: kể (thuật) và bình. Tất nhiên có kiểu thứ ba là vừa kể vừa bình. Mọi bài vở kiểu đưa tin là thuật, hoặc thuật kèm theo bình. Còn kiểu những suy ngẫm về một vấn đề nào đó là thuộc dạng bình. Tất cả đều sử dụng lối tư duy lôgíc, biện chứng của khoa học, xa với tư duy hình tượng văn học. Bởi vậy mà giờ đây đã trở nên lạc hậu lỗi thời kiểu viết lách con cà con kê, vòng vo tam quốc mãi vẫn chưa vào được vấn đề chính. Ví dụ: trước đây một phóng viên về cơ sở (một vùng trọng điểm lúa chẳng hạn) để viết bài phản ánh không khí mới nơi đây thường hay mở đầu như sau: “Tôi đặt chân đến...giữa một ngày nắng đẹp. Đi trên con đường làng mới lát xi măng, lòng tôi phơi phới, miên man nghĩ đến những năm tháng xa xưa đã chìm sâu vào dĩ vãng, khi mà nơi đây còn ngập chìm trong cảnh đói nghèo. Người tiếp tôi đầu tiên là vị chủ tịch xã còn khá trẻ. Bằng một nụ cười tươi, anh niềm nở bắt đầu câu chuyện...”. Lối viết như trên đã khá phổ biến trên các trang báo những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Đó không phải là NNBC mà có phần lẫn lộn sang NNVH, nhưng nếu xét trên phương diện ngôn ngữ văn chương thì cũng nhạt nhẽo. Cả một đoạn ngôn ngữ dài dòng đó chẳng đem lại được thông tin gì đáng kể cho người đọc ngoài 2 chi tiết: đường làng mới đổ ximăng và vị chủ tịch xã còn trẻ. Nếu là NNBC hiện đại, phải đi thẳng ngay vào vấn đề: ông chủ tịch xã trẻ tuổi nói gì với nhà báo (kể thành tích địa phương? Chưa thông một số chủ trương nào đó của nhà nước ở nông thôn? Hay là ông ta sáng tạo được một mô hình làm ăn nào mới?...). Nhưng thông tin cũng cần sắc nhọn, nghĩa là cũng cần có chọn lọc, đưa đến người đọc những điều mới mẻ, những thứ người ta chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ, chuẩn xác. Về điều này, chúng ta có thể học được nhiều ở chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một nhà báo vĩ đại , với bút danh T.L, người đã viết những bài báo ngắn gọn thường không quá 500 âm tiết với ngôn ngữ bình dị dễ hiểu nhưng đầy ắp thông tin và có tính chiến đấu rất cao.

Cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ dân tộc nhưng NNVH lại hướng đến việc biểu hiện những điều cần nói hơn là kể sự việc và bình luận. Tính biểu hiện đòi hỏi người viết phải biết tư duy hình tượng chứ không chỉ tư duy lôgíc. Nếu ở NNBC, yêu cầu sự chuẩn xác và sắc nhọn luôn được đặt lên hàng đầu thì ở NNVH, nhiều khi mới đọc, mới nghe, người ta thấy như là không đúng thậm chí là ... phản khoa học. Ví dụ: Ngày 12/4/1961, Liên Xô lần đầu tiên phóng thành công con tàu vũ trụ Phương Đông I với sự điều khiển của phi công vũ trụ Ga-Ga-Rin. Sự kiện này làm nức lòng toàn nhân loại. Tế Hanh đã làm bài thơ ca ngợi thành tựu này, trong đó có câu: “Trái đất xanh như trái tim anh”. Xét về phương diện khoa học thì trái tim phải luôn đỏ, chứ “xanh” thì là của người đã ... chết. Nhưng lại rất hay với ngôn ngữ của thơ, vì “trái đất xanh” là một trái đất đang tràn đầy sức sống, đang phát triển đầy hứa hẹn. Và trái tim người phi công vũ trụ khi ấy cũng cùng một nhịp đập như vậy. Ga-Ga-Rin bay vào vũ trụ đã nhìn trái đất với đôi mắt, trái tim lãng mạn như thế.

Do đặc thù riêng mà NNVH luôn yêu cầu phải đa dạng với nhiều phong cách, bút pháp khác nhau. Về điểm này thì ở báo chí cũng có, nhưng dẫu sao cũng không thể nhiều bằng văn học. Dẫu có cố gắng tạo ra một phong cách ngôn ngữ riêng, nhưng người viết báo không thể đi chệch khỏi quỹ đạo đã nói (thông tin nhanh, sắc). Nhưng với NNVH thì mỗi tác giả là một phong cách riêng nếu có tài năng , bản sắc. Điều này giải thích ở địa hạt văn chương, chúng ta có những phong cách vô cùng độc đáo là Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài..., trong khi ở lĩnh vực báo chí, ta không kể ra được những tên tuổi độc đáo riêng về ngôn ngữ, tuy cũng có những nhà báo tài năng như Thép Mới, Hoàng Tùng, Hữu Thọ... Ở thể loại văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết), ngôn ngữ lại cần cá tính hoá các nhân vật. Ở đây, phong cách ngôn ngữ lại càng bộc lộ sự đa dạng, thể hiện tài năng nhà văn.

Cùng chất liệu là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân nhưng NNBC và NNVH đã có những đặc điểm khác nhau xuất phát từ những yêu cầu khách quan của hai lĩnh vực. Người cầm bút khi vận dụng ngôn ngữ không thể không nắm vững, nhất là những người hoạt động ở cả hai lĩnh vực./.

Lê Trí - Nguyễn Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất