Thứ Tư, 25/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 19/9/2009 23:12'(GMT+7)

Kinh nghiệm từ thực tiễn đối thoại

Thông thường các hội nghị báo cáo viên thường dành thời gian nhất định để đối thoại, giải đáp thắc mắc của các đại biểu. Ảnh minh họa

Thông thường các hội nghị báo cáo viên thường dành thời gian nhất định để đối thoại, giải đáp thắc mắc của các đại biểu. Ảnh minh họa

Trong thời gian công tác tại Ban Tuyên giáo ở một tỉnh miền núi, có một vấn đề chúng tôi luôn luôn trăn trở, đó là làm thế nào nâng cao được tính hiệu quả của công tác Tuyên giáo, nghĩa là đạt được kết quả cụ thể trong công tác từng thời gian nhất định, sao cho công tác Tuyên giáo phải góp phần tích cực hơn nữa vào sự chuyển biến chung của kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tất nhiên tính hiệu quả còn được thể hiện ở nhiều nội dung khác nữa như giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm quần chúng; hoặc phê phán một cách sắc bén những quan điểm sai trái v.v ...

Rõ ràng nâng cao tính hiệu quả của công tác Tuyên giáo như nêu trên thật không đơn giản. Nó luôn luôn là mục tiêu phấn đấu của toàn ngành và của các thế hệ cán bộ trong ngành. Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, trong quá trình đổi mới, ngành Tuyên giáo cũng đã đạt được những thành tựu to lớn, đáp ứng ngày một tốt hơn niềm tin và sự mong đợi của Đảng và nhân dân đối với ngành ta.

Để làm tốt nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, chúng ta có những chỉ dẫn trong các Nghị quyết của Trung ương, có các nguyên lý lý luận, các nguyên tắc chung và nhũng kinh nghiệm phong phú được đúc kết từ các giai đoạn cách mạng đã qua và của các thế hệ cán bộ trong ngành.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, sau những năm tương đối dài công tác trong ngành ở cấp tỉnh (1981-2002), tôi xin nêu một số thực tiễn về nghiệp vụ thực hành của một cán bộ tuyên giáo lâu năm công tác trong ngành để bạn đọc tham khảo.

Làm cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ tuyên giáo cần thực hiện tốt: đi, nghe, đọc, nghĩ, viết, nói.

Trước hết, phải đi nhiều, thường xuyên đi sâu vào đời sống xã hội, nhất là đời sống ở cơ sở (thôn, bản, phường xã, đơn vị sản xuất, cơ quan, trường học...) để nắm bắt được những nhiệm vụ cụ thể của cán bộ, đảng viên; những công việc của nhân dân, những thuận lợi, khó khăn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng. Từ đó triển khai nội dung công tác cho sát với thực tế. Tất nhiên mỗi chuyến đi như thế đều có chủ đích rõ ràng.

Hai là, phải biết nghe, phải lắng nghe cán bộ, đảng viên và nhân dân qua các buổi sinh hoạt tập thể, hội họp (nhất là tại các cuộc họp chi bộ, đảng bộ); qua những buổi gặp gỡ chung và riêng; lắng nghe cả những dư luận xã hội. Từ đó tổng hợp, phân tích chọn lọc những nội dung ý kiến đúng đắn, kể cả mặt phải, mặt trái. Muốn được cán bộ, đảng viên và nhân dân nói cho mình nghe, điều rất cần là phải thể hiện sự chân thành, gần gũi, sự tôn trọng đúng mức và cũng phải biết cách gợi mơ vấn đề để họ có thể tâm sự, bày tỏ với mình những vấn đề tưởng như nhỏ nhưng đầy tính tư tưởng.

Ba là, phải đọc, đọc thực chất là ý thức tự học tập thường xuyên để nâng cao trình độ qua việc nghiên cứu sách báo, tài liệu, trước hết là các văn kiện của Đảng, sách lý luận và các loại báo chí, nhưng trước hết là nghiên cứu những nội dung liên quan đến nhiệm vụ tuyên giáo. Dành thời gian theo dõi những chương trình phát thanh- truyền hình trung ương và địa phương. Ngày nay còn phải biết sử dụng internet, đó là nguồn thông tin đa dạng, vô cùng phong phú. Từ đó thu nhận, xử lý, chọn lọc thông tin phục vụ cho công tác tuyên giáo.

Một lĩnh vực hết sức quan trọng mà cán bộ tuyên giáo cần quan tâm là văn học nghệ thuật, vì nó chiếm một vị trí quan trọng trong mặt trận tư tưởng-văn hoá. Sách báo về lĩnh vực này bây giờ rất nhiều và hấp dẫn, cũng không ít vấn đề đáng được cán bộ tuyên giáo phải suy nghĩ. Điều nhấn mạnh nữa trong việc đọc của chúng ta là nghiền ngẫm những sách báo viết về nghiệp vụ, vì chúng ta đang phấn đấu nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác.

Bốn là, nghĩ, đã nắm bắt được thực tế (một phần) qua việc đi, có được những thông tin từ nhiều nguồn, đó là cơ sở cho tư duy của cán bộ tuyên giáo nhằm không ngừng nâng cao năng lực tư duy của bản thân đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Năm là, viết, thực tế công tác đòi hỏi chúng ta phải viết rất nhiều loại văn bản phục vụ công tác. Thường xuyên nhất là viết báo cáo: báo cáo tuần, tháng, quý, năm; báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên đề... Tiếp đến là viết đề cương nội dung tuyên truyền, đề cương bài giảng, dự thảo các công văn chỉ đạo, chương trình công tác, viết các thông báo, xây dựng bản tin v.v... Cán bộ tuyên giáo cần phải nắm được cách viết các thể loại văn bản trên để viết một cách có chất lượng. Và cần phải tiến lên một bước nữa là viết những bài báo có nội dung chân thực và phong phú phản ánh một cách kịp thời những vấn đề của đời sống mà ngành ta nắm bắt được (thực tế trong ngành ta đã có không ít nhà báo, nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng).

Thứ sáu, nói, bằng tất cả sức mạnh của tư duy, với nguồn thông tin phong phú có chọn lọc và một sự chuẩn bị chu đáo về phương pháp, cán bộ tuyên giáo phải là những diễn giả, những báo cáo viên đầy tâm huyết và hấp dẫn người nghe. Để được như thế, người nói phải nói trúng những vấn đề người nghe mong muốn mà vẫn không đi chệch yêu cầu nội dung của một buổi tuyên truyền miệng. Ở đây cũng cần được rèn luyện kỹ năng chuyên môn: nghệ thuật diễn giảng, sự chính xác và phong phú về ngôn từ, hình ảnh, sự kiện...

Thứ bảy, đối thoại, đối thoại không phải là cách làm hoàn toàn mới của công tác tuyên giáo. Chúng ta đã từng có mục “hỏi-đáp”, có phần “giải đáp thắc mắc” trong các hội nghị, các lớp học. Ngày nay, trước tình hình mới, chúng ta đã khắc phục tình trạng thông tin một chiều từ trên xuống. Chúng ta khuyến khích thông tin nhiều chiều, thông tin từ dưới lên, thông tin đa dạng, tất nhiên giữ vững định hướng. Ngày nay, dân trí được nâng cao, dân chủ được mở rộng, mọi người được bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề xã hội quan tâm, kể cả những ý kiến phê phán những tiêu cực, sai trái. Chúng ta hoan nghênh những ý kiến phê phán xây dựng. Trước thực tế đó, cán bộ tuyên giáo sẵn sàng trực tiếp lắng nghe, trực tiếp giải thích, trực tiếp đối thoại, trực tiếp tranh luận nếu cần thiết để làm sáng tỏ đúng sai, nhằm nâng cao nhận thức quan điểm đúng đắn. Chính vì vậy việc rèn luyện nâng cao khả năng đối thoại trực tiếp là điều rất quan trọng của cán bộ tuyên giáo hiện nay. Đây cũng là một khía cạnh góp phần nâng cao tính hiệu quả của công tác và thể hiện tính chuyên nghiệp hóa cán bộ tuyên giáo của Đảng./.

Đỗ Thế Mậu

Nguyên Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất