Xuất bản lần đầu vào năm 1937 dưới tựa đề “Mọi Kon Tum”, tác phẩm khá nổi tiếng của hai anh em Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi lại chỉ được “nghe nói” nhiều hơn là tận mắt nhìn thấy, kể cả đối với nhiều người trong giới nghiên cứu.
Cuốn sách vừa được NXB Tri Thức ấn hành theo đặt hàng của Nhà nước, ra mắt độc giả với tên mới “Người Ba Na ở Kon Tum”. Đây là công trình nghiên cứu dân tộc học đầu tiên được viết bằng tiếng Việt.
“Khi ở Viện nghiên cứu dân gian (sau này là Viện nghiên cứu Văn hóa), GS. Nguyễn Đổng Chi là người hiền lành ít nói. Biết cụ có viết cuốn “Mọi Kon Tum” nhiều năm trước, nhưng hỏi cụ cũng chỉ tủm tỉm cười. Cuốn sách đến bây giờ chúng tôi mới được đọc, chứ thời của cụ chưa hề được tiếp xúc.” - PGS, TS. Lê Hồng Lý, Viện Phó Viện nghiên cứu Văn hóa cho biết.
GS. Nguyễn Huệ Chi, con trai của GS. Nguyễn Đổng Chi và cháu của GS. Nguyễn Kinh Chi kể, phải đến năm 1952, các thành viên trong gia đình mới biết hai anh em nhà họ có viết một cuốn sách về người dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Đó là những năm cả đại gia đình họ về quê sinh sống, lao động cày cấy với người dân quê, sau mỗi giờ rảnh rỗi, một người chú của GS. Nguyễn Huệ Chi ngồi kể cho các cháu những câu chuyện về “người mọi”, mà sau này GS mới biết là từ cuốn sách “Mọi Kon Tum”.
Cũng chính bởi cái từ “mọi” đó, mà cuốn sách ít nhiều khó có sự xuất hiện rộng rãi. Chính các tác giả của cuốn sách cũng ít nói về nó. Tuy nhiên, theo lý giải của một số nhà nghiên cứu, thì từ “mọi” xuất phát từ “tơmoi” trong tiếng Ba Na có nghĩa là người khách. Sau này khi người Kinh lại dùng chính từ “tơmoi” đó để gọi người Ba Na, và dần dần biến thể thành “mọi” và được hiểu theo nghĩa tiêu cực về người thiểu số.
Tuy vậy, qua cuốn sách của hai ông, người Ba Na ở Kon Tum đầu thế kỷ 20 “hiện lên với tất cả những nét đẹp đẽ và hồn nhiên”. Họ được các tác giả tôn trọng và thể hiện trong cuốn sách với một tình cảm yêu mến.
Cho đến bây giờ, đọc trong cuốn sách này, nhiều người cho rằng, chúng ta có nhiều điều cần phải “học” từ người dân tộc thiểu số. Những người trong giới nghiên cứu dân tộc học thậm chí “kinh ngạc” bởi phương pháp làm việc mà cho hiện nay đang được cổ vũ mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng thời đó đã thể hiện rất rõ trong tác phẩm của hai ông: đó chính là phương pháp quan sát tham dự. Họ đã không nghiên cứu theo góc nhìn từ ngoài vào hoặc từ trên xuống, mà chính là từ trong ra, sống cùng và ăn ở cùng, yêu mến đối tượng nghiên cứu của mình. Toàn bộ đời sống văn hóa của một cộng đồng người mà thời đó còn nhiều định kiến, coi là man di, mọi rợ, đã được trình bày một cách khoa học và thấm đẫm tinh thần nhân văn. Hoá thân thành dân bản địa để sống với họ trong khi khảo sát, nghiên cứu về họ, đó là một phương pháp nghiên cứu dân tộc học mà sau này, chính nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi (con trai Nguyễn Kinh Chi) đã áp dụng.
|
Một ngôi làng của người Ba Na trong bản in cuốn "Mọi Kon Tum" năm 1937. |
Khi viết cuốn sách này, hai tác giả chỉ mới là những thanh niên vừa mới trưởng thành (Nguyễn Kinh Chi sinh năm 1899, mất năm 1986 và Nguyễn Đổng Chi sinh năm 1915 mất năm 1984). Nhà nghiên cứu Nguyễn Kinh Chi vốn là một bác sĩ, nhưng ông không chỉ chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Ông không ở bệnh viện mà thường xuyên đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh, không chỉ hỏi về các triệu chứng mà còn muốn biết về cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Cưỡi ngựa rong ruổi và nhiều khi quên mang cả ống nghe, chẩn bệnh rất tài tình bằng đũa, Nguyễn Kinh Chi mang đến những ảnh hưởng xã hội nhất định thời đó. Vì vậy, chính quyền thực dân Pháp thời đó coi ông như một “phần tử” nguy hiểm, và đẩy ông đi mỗi năm một tỉnh. Sau khi chuyển từ Buôn Mê Thuột về Huế, năm 1933, ông bị “đẩy” lên Kon Tum. Thời đó, đi lên vùng “rừng thiêng nước độc” này đồng nghĩa với hình thức “đi đày”.
Ý tưởng cho cuốn sách này là của GS. Nguyễn Kinh Chi, nhưng vai trò của người em ông, GS. Nguyễn Đổng Chi rất quan trọng. Chính Nguyễn Đổng Chi đã theo anh lên vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh này, sống cùng với người địa phương và ghi chép, thu thập dữ liệu.
Qua câu chuyện của những thành viên trong gia đình kể lại, mỗi khi GS. Nguyễn Đổng Chi đến làng của người Ba Na, việc đầu tiên là tìm một bộ khố áo của họ, mặc vào, và đi khắp nơi trong làng. Ông bị cháy nắng đen thui, giống “mọi” y hệt, và thường bị phụ nữ Ba Na cấu véo để bày tỏ tình cảm, đến nỗi khi trở về nhà, người ông đầy vết thâm tím.
Cùng ăn, ở với người Ba Na, tìm hiểu và ghi chép. Đến nay người nhà ông vẫn giữ những bó tài liệu ghi chép ở thời kỳ này của ông trên gác xép.
Những ghi chép cẩn trọng, có kiểm chứng, sự cần mẫn, tỉ mỉ và rất khoa học đã làm nên một công trình nghiên cứu hết sức giá trị, được coi là kho tri thức về lịch sử Kon Tum và văn hóa của người Ba Na. Đây cũng là công trình đầu tiên của ngành dân tộc học được viết bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, bản in Mọi Kon Tum năm 1937 của NXB Mộng Thương Thư Trai hiện cực kỳ hiếm, khó mà tìm được ngay cả trong các thư viện lớn của Việt Nam.
Cuốn sách tái bản lần này được in bằng hai ngôn ngữ Việt - Pháp, có bổ sung ba phần tư liệu ảnh, trong đó có nhiều ảnh chụp chân dung người Ba Na, về phong tục, tập quán, sinh hoạt của họ và hình ảnh Kon Tum đầu thế kỷ 20. Sách cũng in nhiều tranh vẽ mô tả cuộc sống sinh hoạt của người Ba Na ở làng Mahar vào khoảng giữa những năm 1950.
“Người Ba Na ở Kon Tum” là kết quả hợp tác giữa Trung tâm Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội và Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), với sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp và Quỹ Ford. Không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học, người đọc có thể tìm đọc cuốn sách như một tác phẩm văn học với những ghi chép và phân tích hết sức thú vị./.
(Theo: Hồng Minh/ND)