Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 19/5/2014 16:0'(GMT+7)

Người bác sỹ hết lòng vì nhân dân

Bác sỹ Quân y Đặng Cát  (Ảnh: TH)

Bác sỹ Quân y Đặng Cát (Ảnh: TH)

Chúng tôi gặp ông tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2014). Đã gần 80 năm tuổi đời, hơn 50 tuổi Đảng, hàng ngày bác sỹ Đặng Cát vẫn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở phường Nhật Tân – Tây  Hồ - Hà Nội, nơi ông đang sinh sống và người dân trong cả nước tìm đến. Ông coi đó là những công việc hết sức bình thường mà ông có thể làm được giúp cho mọi người.

Bác sỹ Đặng Cát nhập ngũ từ năm 1952. Ông được cử đi học và trở thành bác sỹ Quân y thuộc Bộ đội Biên phòng. Năm 1969, ông trở thành Chủ nhiệm quân y của Công an tỉnh Sơn La. Sau đó, trở về Học viện Biên phòng cũng với cương vị Chủ nhiệm Quân. Từ năm 1989, ông nghỉ hưu, sống cùng gia đình tại phường Nhật Tân – Tây Hồ - Hà Nội.

Ban đầu, chỉ là bà con trong khu xóm biết ông là bác sỹ, đến nhờ ông khám, tiêm thuốc cho tại nhà. Dần dà, người nọ rỉ tai người kia, người trong khu xóm, trong quận, rồi bệnh nhân trên cả nước đến nhờ ông khám bệnh; bởi như bà con trong khu xóm vẫn nói: “Bác sỹ Đặng Cát chẩn bệnh rất đúng, luôn tận tình khám và chỉ dẫn cho bệnh nhân, mà lại chẳng lấy tiền công”.

Chỉ với chiếc xe đạp “cổ lỗ sỹ” từ thời bao cấp, hễ có bệnh nhân nhờ vả, dù ở xa hay ở gần, không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo, không ngại khó vất vả, không nề hà đêm ngày, ông đều đạp xe đến tận nhà, khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Ông còn tư vấn cho bệnh nhân những phương thuốc dân gian để bệnh nhân có thể chữa trị bệnh không phải tốn kém mà vẫn hiệu quả.

Ông tâm sự: “Người bác sỹ, điều quan trọng nhất là coi đau đớn của bệnh nhân chính là đau đớn của mình, bệnh của bệnh nhân chính là bệnh của mình. Người ta khổ như thế nào thì mình phải thương người ta, mang tình thương của mình ra giúp đỡ người ta. Đó là điều mà không tiền bạc nào có thể mua được. Bác sỹ phải làm thế nào để chữa được bệnh cho bệnh nhân rẻ tiền nhất, đỡ tốn kém nhất đồng thời hiệu quả nhất”.

Làm nghề y 61 năm, ông chia sẻ, món quà quý giá nhất mà ông nhận được chính là sức khỏe của bệnh nhân được hồi phục và nhận được tình cảm yêu mến của họ dành cho ông. Ông kể: “Cháu Nguyễn Thành Đồng ở Sơn La, lúc mới sinh được 4 ngày đã bị tắc hoàn toàn đại tiểu tiện. Đến ngày thứ 9, cháu bị bệnh viện trả về, tôi đã chữa được cho cháu. Hiện nay, cháu đã trở thành cán bộ của ngành lâm nghiệp Sơn La, vẫn thăm hỏi tôi thường xuyên. Tình cảm đó quý giá lắm.”

Điều mà ông luôn nhắn nhủ với tất cả các bệnh nhân của mình là cần phải giữ gìn sức khỏe để cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để có được sức khỏe tốt, hãy hạn chế đến mức tối thiểu, đừng uống bia rượu; ăn thức ăn phải có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng; không hút thuốc lá. Bởi vì, bản thân mỗi con người mới có thể là bác sỹ tốt nhất của mình, tự mình cứu mình, không ai quý mình bằng chính mình quý mình, không ai hiểu mình bằng chính mình hiểu mình, không ai biết mình bằng chính mình biết mình.

Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân mà bác sỹ Quân y Đặng Cát còn làm tốt các chức trách được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giao như: Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học phường Nhật Tân và Bí thư Chi bộ 3 (nay là Chi bộ 5) phường Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội), được tặng nhiều Huy chương, bằng khen và giấy khen của Trung ương, Thành phố và quận. Đặc biệt, năm 2009, ông đã được Quận ủy Tây Hồ (Hà Nội) tôn vinh, khen thưởng vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2013, ông tiếp tục được khen thưởng “người tốt việc tốt” cấp thành phố.

Bác sỹ Quân y Đặng Cát luôn tâm niệm, học và làm theo tấm gương Bác Hồ kính yêu chính là tận tâm với đồng đội, với nhân dân, lấy chữ “tâm”, chữ “đức” để cống hiến cho xã hội; “được người là được mình”, “tôi giúp mọi người, mọi người được sức khỏe, còn tôi thì được niềm vui vì cảm thấy mình hữu ích cho đời”. Ông là một trong số 124 tấm gương điển hình tiêu tiểu trong triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ hai, là một trong những bông hoa trong rừng hoa việc tốt kính dâng lên Bác Hồ, là một tấm gương sáng để thế hệ trẻ ngày nay noi theo và học tập.

Bảo Châu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất