Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 3/2/2014 12:21'(GMT+7)

Người dân ở nhiều địa phương sớm bắt tay vào sản xuất

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

* Hưng Yên: Trong không khí nhộn nhịp đón Tết Giáp Ngọ, trên đồng ruộng Hưng Yên, các trạm bơm vẫn hoạt động suốt ngày đêm, không quên nhiệm vụ cấp bách là tập trung đầy đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân, đảm bảo đủ nước đổ ải ngay sau Tết.

Đến ngày 2/2 (tức 3/1 âm lịch), tỉnh Hưng Yên đã có hơn 20.000 ha được đổ ải, đạt hơn 60% diện tích, trong đó huyện Văn Giang đổ ải được hơn 80% diện tích và huyện Yên Mỹ gần 70%.

Ngay từ đầu vụ, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hưng Yên đã chủ động các phương án chống hạn, lên kế hoạch đổ ải. Những ngày qua, tranh thủ các đợt xả lũ, các trạm bơm sẵn sàng làm việc 24/24 giờ, nhất là những ngày áp Tết, tích cực bơm trữ nước vào các sông trục như Từ Hồ Sài Thị, Đồng Quê, sông Mười, Thái Nội, Ngưu Giang qua các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ; Cống Bún (Ân Thi); Lương Tài, Bà Sinh (Văn Lâm), đồng thời đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ, thay thế các trạm bơm trục đứng khi nguồn nước xuống quá thấp.

Tại các huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, do ở cuối nguồn nên tiến độ đổ ải chậm, mực nước trên các sông Hoà Bình, sông Bác Hồ đều cạn. Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi các huyện đã có kế hoạch lấy nước ngược từ hệ thống sông Bắc Hưng Hải và sông Luộc qua cống Võng Phan để bơm. Việc lấy nước đổ ải được thực hiện theo phương châm khoanh vùng ưu tiên vùng cao, vùng xa trước, vùng gân vùng trũng bơm sau để tránh thất thoát nước. Các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ vận động nông dân không gieo cấy lúa trà sớm chuyển hẳn sang trà muộn để tránh tình trạng thiếu nước.

Tại các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Ân Thi, Kim Động nông dân đã áp dụng gieo mạ sân, gieo thẳng không gieo mạ dược để tiết kiệm nước.

Tinh Hưng Yên chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với đơn vị thuỷ nông tập trung bơm lấy nước khi đổ ải, khi các hồ chứa xả nước phục vụ sản xuất phải có kế hoạch trữ nước vào sông trục nội đồng, hoành triệt các cống tiêu không để thất thoát nước, khoanh vùng bơm gạn tại các khu ruộng trũng do mạ ngắn hoặc gieo thẳng để cấy, phấn đấu đến ngày 6/2 sẽ hoàn thành lấy nước đổ ải, để ngay sau đợt nghỉ Tết bà con nông dân tranh thủ thời tiết ấm tập trung làm đất gieo cấy trong khung thời vụ, theo phương châm "đổ ải đến đâu làm đất đến đó", đảm bảo không có diện tích phải chuyển sang trồng cây khác do thiếu nước.

* Long An: Vui xuân, bà con nông dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An không quên chăm sóc mùa vụ Đông Xuân. Sáng 2/2 (tức mùng 3 Tết), hàng ngàn lao động trong tỉnh đã ra đồng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho gần 12.000 ha lúa Đông Xuân đang bị sâu bệnh phá hại, trong đó có hơn 4.800 ha đang trổ bông bị rầy nâu phá hại nặng, tập trung ở các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Tân Thạnh.

Mặc dù, trước Tết bà con nông dân ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa đồng loạt ra quân xịt thuốc cứu hơn 8.600 ha lúa bị sâu bệnh phá hại và phun thuốc phòng trừ cho hơn 35.000 ha đề phòng dịch bệnh lây lan trong những ngày Tết nhưng do thời tiết lạnh kéo dài nên dịch bệnh xuất hiện lây lan nhanh ra diện rộng và hiện có hơn 12.000 ha bị sâu phá hại. Tại huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, ngay từ sáng 1/2/2014 (tức mùng 2 Tết), đã có gần 1.000 lao động ra đồng phun thuốc cứu cho gần 7.500 ha lúa bị rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn.

Ngoài ra, bà con nông dân huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, Mộc Hóa còn liên kết sử dụng hàng chục ngàn mét nilon chằng xung quanh bờ bao, bơm nước vào ruộng không để ruộng khô, chuột vào trú ẩn làm tổ, cắn phá lúa đang ngậm sữa và chuẩn bị thu hoạch. Trong những ngày Tết, nông dân còn làm bẫy bắt gần 1.000 con chuột để bảo vệ mùa vụ.

* Nghệ An: Ngày 2/2, tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều tàu thuyền có công suất nhỏ của ngư dân cập cảng mang về các loại thủy sản đánh bắt được trong ngày. Phần lớn tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân ra khơi là tàu công suất nhỏ, đi về trong ngày hoặc đi trước đó một ngày nên chi phí đi biển không lớn.

Tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, một ngư dân cho biết các tàu đánh bắt được nhiều nhất là cá ve, mực. Cho dù giá trị kinh tế không cao hơn so với các loại thủy sản khác nhưng mỗi tàu đi về trong ngày cũng cho thu nhập từ một đến 2 triệu đồng. Thậm chí, có tàu thu nhập được đến 5 triệu đồng. Khi tàu cập cảng, các loại thủy sản này đều được các cơ sở đông lạnh trên địa bàn thu mua. Đối với cá ve, các cơ sở thu mua rồi đem bán cá tươi cho các cơ sở chế biến nước mắm hoặc đem về hấp lên rồi sấy khô để sau này bán ra thị trường.

Tại vùng biển Nghệ An nguồn cá ve rất dồi dào và thường xuất hiện nhiều vào dịp đầu năm. Ngư dân cho biết mùa vụ cá ve còn kéo dài trong những tháng tiếp theo. Đây là nguồn lợi không phải vùng biển địa phương nào cũng có nên tranh thủ mùa vụ và thời tiết đang thuận lợi, ngư dân tổ chức ra khơi đánh bắt.

Tại các vùng biển trong tỉnh Nghệ An, những ngày đầu năm mới một số ngư dân ra khơi chủ yếu để lấy ngày chứ không coi trọng nhiều về thu nhập. Với thành công ngay từ những ngày đầu năm, ngư dân hy vọng mùa đánh bắt năm 2014 hứa hẹn nhiều thắng lợi./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất