Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 5/5/2010 9:36'(GMT+7)

Trường Sa hôm nay

Đảo Đá Tây. Ảnh T.Dũng

Đảo Đá Tây. Ảnh T.Dũng

Khởi hành tại Quân cảng Cam Ranh, sau hai đêm một ngày lênh đênh trên biển, tàu Hải quân HQ 996 đã đưa chúng tôi tơí đảo Song Tử Tây - một đảo cực Bắc của quần đảo Trường Sa.

Từ mờ sáng, khi có thông báo tàu đang tới gần đảo, mọi người trong đoàn đã háo hức lên boong để mong được nhìn thấy sớm nhất một vùng đất thuộc chủ quyền quốc gia giữa mênh mông biển cả. Các loại máy ảnh, máy quay đều trong tư thế sẵn sàng hoạt động. Các góp chụp, góc quay đẹp được khai thác triệt để. Tất cả đoàn lúc ấy đều tác nghiệp như các nhà báo thực thụ.

Nhà khách Thủ đô trên đảo Trường Sa  


Trời trên biển sáng rất mau, ngọn hải đăng, màu cờ Tổ quốc và màu xanh của cây trên đảo hiện rõ dần. Cảm giác thân thương, tự hào, khâm phục tầm nhìn, sự kiên cường của lớp lớp tổ tiên xưa đã dám vươn xa khỏi đất liền để khai phá, khẳng định chủ quyền đất nước mình tại vùng biên đảo xa xôi, tạo thế phát triển cho con cháu muôn đời sau, như cùng lúc ùa đến với tất cả thành viên trong đoàn. Xen lẫn cảm giác thiêng liêng, tự hào, mọi người đều lặng đi trước vẻ đẹp bất ngờ, đầy hấp dẫn của hòn đảo tiền tiêu trong ánh nắng ban mai. Cả đảo là một dải màu xanh đầy sống động với những hàng cột điện trắng dùng năng lượng mặt trời, xen kẽ với các trụ cánh quạt của máy phát điện chạy bằng sức gió. Được ngắm đảo vào buổi sớm, ai cũng cảm ơn và khen “nhà tàu” rất khéo chọn giờ xuất phát cũng như duy trì tốc độ chạy hợp lý khi đi trên biển.

Một chiếc tàu nhỏ hơn đưa các thành viên của đoàn cặp mạn âu tàu (một công trình mới xây dựng) để lên đảo. Bao mệt mỏi sau gần 2 ngày đi biển dường như tan biến hết khi mọi người đặt chân lên đảo, trước sự đón tiếp hồ hởi, nồng ấm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Thật khác xa suy nghĩ, cảm giác của nhiều người về hình ảnh hoang sơ, vắng vẻ của đảo những năm trước đây, đảo Song Tử Tây sau hơn 24 năm đổi mới đã có một diện mạo hoàn toàn khác. Khang trang, đẹp đẽ, thân thiện với môi trường và vững vàng hơn rất nhiều.

Thượng tướng Bùi Văn Huấn chụp ảnh kỷ niệm với nhân dân
 xã Song Tử Tây

Theo báo cáo của Đảo trưởng Ngô Duy Đỗ, trong những năm gần đây, đảo đã được đầu tư sửa sang nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng, đường xá, sân chơi bóng, khu thể thao, nơi sinh hoạt tâm linh, khu dân cư, khu chăn nuôi, trồng trọt, các trận địa chiến đấu. Trước kia, đảo chỉ có cây Phong Ba, thì nay trên đảo đã rợp bóng cây xanh các loại như cây mu, keo lá tràm, nhàu, bàng vuông, tra biển. Là đảo nổi duy nhất có cỏ nên ở Song Tử Tây, ngoài các vật nuôi thông thường như chó, lợn, gà, vịt, đảo còn phát triển cả đàn bò sinh sản.

Vào những năm đất nước còn nghèo khó, cả đảo chỉ có một trạm thu phát với 1 ti vi 14 inh, giờ đây, tại các cụm chiến đấu, khu dân cư, nơi nào cũng có chảo thu , ti vi màn hình lớn và nhiều loại phương tiện nghe nhìn hiện đại. Từ tháng 5/2007, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đảo Song Tử Tây đã trở thành xã Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa. Đây là một cột mốc quan trọng tạo đà phát triển vững mạnh cả về kinh tế và quốc phòng cho đảo.

Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Song Tử Tây

Đàn bò trên đảo Song Tử Tây


Việc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Quân đội Viettel vươn xa, phủ sóng điện thoại di động ở đảo Song Tử Tây và toàn bộ hệ thống đảo nổi, đảo chìm của nước ta trên quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1 đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong đời sống tinh thần, tình cảm của cán bộ, chiến sỹ nhân dân huyện đảo. Khoảng cách giữa đất liền và hải đảo dường như không còn. Vợ mới sửa được thêm gian nhà, con đi học hôm nay được điểm 10, em rất nhớ anh, anh vẫn mạnh khoẻ, hôn em và con…những thông tin ấy giờ đây ngay lập tức có thể truyền tới mọi chiến sỹ nơi đảo xa, cũng như các gia đình ở đất liền. Và cũng chính những thông tin giản dị, đời thường ấy đã góp phần rất quan trọng tạo ra sự vững vàng trong tâm thế người chiến sỹ nơi đảo xa, đang ngày đêm phải đối mặt và vượt lên bao thách thức, hiểm nguy để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.

Tới các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Đá Nam, Sinh Tồn, Lenđao, Đá Tây, Đá Thị, Trường Sa lớn, Đá Lát, tuy cảnh quan mỗi đảo có một vẻ khác nhau nhưng những thay đổi ở đảo theo phong trào thi đua xây dựng đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan”, bảo vệ môi sinh, môi trường, xây dựng mỗi đảo và cả quần đảo trở thành điểm sáng văn hoá đều được thể hiện rất rõ.

Đèn sử dụng năng lượng mặt trời trên đảo Sơn Ca


Hầu hết các đảo đều sử dụng năng lượng sạch như, pin mặt trời, máy phát điện gió phục vụ chiếu sáng và sinh hoạt. Về ban đêm, các đảo rực sáng ánh đèn như đô thị. Đảo Trường Sa lớn chuẩn bị khánh thành nhà khách Thủ Đô và đang xây dựng nhà tưởng niệm Bác Hồ. Đời sống cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng trên đảo đã được cải thiện nhiều. Các đảo, kể cả nhà dàn DK1 đều tự túc được rau xanh. Các phương tiện kỹ thuật trang bị trên đảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chiến đấu ngày càng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến, chiến đấu bảo vệ biển, đảo.

Không chỉ có sự thay đổi về mặt cảnh quan, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân về tình hình, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo trong tình hình hiện nay cũng được tiến hành thường xuyên với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực. Các đảo cũng đã tổ chức tốt các đợt học tập và quán triệt nghị quyết của các cấp, của Quân chủng Hải quân, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tuyên truyền các kiến thức cơ bản về phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, về tình hình Biển Đông và những vấn đề liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền về biển, đảo nước ta. Ngoài ra, chế độ thông báo thời sự tuần, tháng; chế độ đọc báo, xem ti vi hàng ngày, nhất là theo dõi bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình Chúng tôi là chiến sỹ... các hoạt động văn hoá, văn nghệ nhân các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của Quân đội, Quân chủng; cuộc thi tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo; cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo và 2 Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng được duy trì tốt.

Mặc dù ở nơi đảo xa nhưng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vẫn được triển khai đồng bộ, đã trở thành phong trào, ngày càng đi vào chiều sâu, có sức sống thật sự trong cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng trên Quần đảo. Hiện nay các đảo đang triển khai chủ đề Cuộc vận động năm 2010 theo hướng dẫn và quy định của các cấp. Việc làm theo rất cụ thể, đa dạng và nhẹ nhàng. Mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều đăng ký với tập thể, với cấp trên trực tiếp về công việc mà mình làm theo như: tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, chăm sóc cây trên đảo, giữ gìn vệ sinh khu vực, học tập văn hoá, bỏ thuốc lá... Hàng tuần, tháng, quý đều báo cáo kết quả, trên cơ sở đó tập thể góp ý và xây dựng phương hướng phấn đấu trong thời gian tới.

Mít tinh kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa
trên đảo Nam Yết

Phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa do Huyện uỷ, Hội đồng Nhân Dân UBND huyện đảo Trường Sa tổ chức tại đảo Nam Yết, Thượng tướng Bùi Văn Huấn nhiệt liệt biểu dương cán bộ, chiến sỹ các lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên đảo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp công sức, trí tuệ, thậm chí cả xương máu của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cảm ơn cán bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố, cơ quan, ban, ngành, các tập đoàn doanh nghiệp đã thường xuyên quan tâm giúp đỡ bộ đội Trường Sa.

Trong chuyến công tác lần này, đoàn đã tới thăm cán bộ, chiến sỹ ở 3 nhà giàn trên bãi Phúc Tần nằm trong Cụm kinh tế khoa học dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc (gọi tắt là DK1). Đứng trên thềm lục địa phía Nam với vùng biển rộng hơn 200 ngàn km2, thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (DK1) có nhiệm vụ: Đặt đèn biển làm tiêu cho tàu thuyền đi lại; Nghiên cứu khí tượng thủy văn và khoa học biển, tiềm năng hải sản và các mỏ đá san hô; Tổ chức các cơ sở dịch vụ hậu cần đảm bảo nghề cá; Quản lý, bảo vệ vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đây là đơn vị đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” thời kỳ đổi mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.

Nhà giàn DK1 trên bãi Phúc Tần

Mặt dù còn nhiều khó khăn hơn so với các đảo nổi, đảo chìm nhưng cán bộ, chiến sỹ ở các nhà giàn, từ cựu binh tới các tân binh vẫn luôn lạc quan, vui trẻ. “Nhà trưởng”, thiếu tá Trang Hải Âu, người đã có thâm niên 15 năm công tác ngoài đảo, khi trao đổi với Đoàn vẫn bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng phục vụ thêm ở nơi đầu sóng, ngọn gió này nhiều năm nữa. Có thể nói, sự vững vàng về ý chí, tinh thông về nghiệp vụ, rất mực đoàn kết thương yêu nhau, tỉnh táo, nhạy bén trước mọi diễn biến, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, đó chính là phẩm chất nổi bật của những người lính nơi này...

Tàu rời xa đảo, xa DK1 hướng về đất liền nhưng hình ảnh về một miền đảo xa của Tổ quốc với những người lính đảo trẻ trung, thông minh, kiên cường vẫn đọng sâu trong tâm trí của mỗi thành viên. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" qua chuyến đi đã được cảm nhận sâu sắc hơn từ nhiều góc độ, trong đó có cả những mất mát hy sinh của nhiều chiến sỹ vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Để thực hiện mục tiêu: "Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh" chúng ta còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều.

Âu tàu - một công trình kinh tế mới được xây dựng trên
đảo Song Tử Tây

Đồng thời với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với các chiến sĩ biên cương hải đảo; động viên cổ vũ kịp thời các lực lượng làm công tác giữ gìn trật tự an ninh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Cần đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình dân sự hoá các hoạt động trên đảo; ưu tiên, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đảo và nhà dàn DK1; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở Dịch vụ nghề cá, đóng tàu chế biến cá hiện đại phục vụ việc đánh bắt xa bờ, khai thác thuỷ sản của bà con ngư dân; vận động các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có các hình thức, hoạt động kết nghĩa, giúp đỡ vật chất thiết thực; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tin học, trang bị máy vi tính, nâng cao trình độ sử dụng tin học cho cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng trên đảo... Những chủ trương trên là rất cần thiết và nếu như nó được thực hiện bằng sự chỉ dẫn: Trường sa là máu thịt của chúng ta thì tính hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều./.

 TS. Nguyễn Tiến Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất