Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 5/5/2010 8:18'(GMT+7)

Hải quân Việt Nam trên đường hội nhập

Chiến sỹ Trường Sa sẵn sàng bám trụ lâu dài,  bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh T.Dũng

Chiến sỹ Trường Sa sẵn sàng bám trụ lâu dài, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh T.Dũng

Việt Nam là một quốc gia biển. Bờ biển nước ta dài 3.260 km. Biển nước ta có diện tích trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền với trên 3000 đảo lớn nhỏ.  Biển đảo nước ta có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước phồn thịnh. Biển nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và cũng là nơi có đường hàng hải quốc tế quan trọng đi qua, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, vì vậy vấn đề an ninh khu vực, an toàn hàng hải và khai thác nguồn lợi từ biển được nhiều nước quan tâm, nhất là các nước trong khu vực. Vấn đề đó cũng đặt ra cho Quân chủng Hải quân – lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đó cũng là vinh dự và trách nhiệm của Quân chủng Hải quân vì Biển Đông là hướng mà Hải quân Việt Nam cùng cả đất nước vươn ra đại dương, hòa nhập với thế giới.

Trong những năm qua và hiện nay, hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế lớn, xu hướng đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế được các nước chú trọng phát triển. Tuy nhiên trên thế giới và trong khu vực vẫn tồn tại những nhân tố bất ổn và những yếu tố bất trắc khó lường, đặc biệt vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo nói chung và ở Biển Đông nói riêng vẫn diễn biến phức tạp và có những lúc căng thẳng. Đấu tranh và hợp tác, phát triển và hòa nhập được đan xen trong các quan hệ quốc tế đồng thời cũng là hoạt động mà đối ngoại quân sự đã và đang triển khai một cách có hiệu quả.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta với chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, Quân chủng Hải quân đã phát triển và mở rộng quan hệ với Hải quân các nước theo xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngăn ngừa nguy cơ xung đột trên biển.

Cùng với những thành tựu quan trọng, nổi bật đã đưa Việt Nam vươn lên tầm cao mới trên con đường hội nhập mà đối ngoại Việt Nam đã giành được trong những năm qua, hoạt động đối ngoại quân sự của Hải quân Việt Nam – một bộ phận của hoạt động đối ngoại quân sự của Bộ Quốc phòng và của Nhà nước đã được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực trên nhiều hướng, nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới, song phương và đa phương với nội dung phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực: trao đổi đoàn, hội thảo, diễn đàn, hợp tác quốc phòng, an ninh, khoa học kỹ thuật quân sự, đào tạo, huấn luyện, tuần tra chung, giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin về an toàn hàng hải, phòng chống thảm họa thiên tai, bảo vệ môi trường biển, chống cướp có vũ trang trên biển, chống khủng bố, cứu hộ cứu nạn, chống buôn lậu...và đã thu được kết quả quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Hải quân và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, từng bước đưa Hải quân Việt Nam hòa nhập cùng Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, góp phần cùng Quân dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển của đất nước.

Với chủ trương hội nhập để phát triển, trong những năm qua Quân chủng Hải quân hàng năm đã đón tiếp hàng chục đoàn khách cấp Bộ Quốc phòng, cấp Bộ Tư lệnh Hải quân, cấp cơ sở và các ngành chuyên môn kỹ thuật và hàng chục đoàn tàu quân sự với hàng ngàn thủy thủ của các nước đã tới thăm, giao lưu với cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, hàng loạt các dự án với Hải quân các nước được triển khai. Hải quân nhân dân Việt Nam cũng đón tiếp hàng chục đoàn doanh nghiệp quốc phòng với hàng trăm lượt người của các nước tới thăm và làm việc. Cùng với việc tổ chức đón tiếp chu đáo các Đoàn khách tới thăm, Quân chủng Hải quân cũng đã tổ chức cho hàng chục đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh và các cơ quan đơn vị trong Quân chủng với hàng trăm lượt người đi thăm, làm việc, dự hội thảo, nghiên cứu, học tập và công tác tại nước ngoài thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Thông qua các hoạt động đối ngoại trên chúng ta đã mang thông điệp hoà bình, hợp tác, phát triển và hội nhập đến với Hải quân các nước, làm cho hải quân các nước ngày càng hiểu và tin cậy chúng ta hơn. Đồng thời chúng ta cũng đã mang về kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, những kinh nghiệm tốt của Hải quân khu vực và thế giới, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển của Quân chủng Hải quân.

Hiện nay, Hải quân Việt Nam đã có mối quan hệ trao đổi đoàn và thăm viếng lẫn nhau cấp Bộ Tư lệnh với Bộ Tư lệnh Hải quân hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Ấn Độ, Nga, Ôt-xtrây-li-a, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... và tham dự Hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương (với tư cách thành viên chính thức từ năm 1994), Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước trong khu vực... Đây là những hoạt động có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hợp tác đồng thời đưa ra phương hướng phối hợp hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị và giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trên biển, duy trì và giữ vững an ninh trật tự trên biển, góp phần duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đối với Hải quân các nước bạn bè truyền thống như Nga, Ấn Độ... Quân chủng đã duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị truyền thống nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân, triển khai các dự án về trang bị quốc phòng, nghiên cứu đào tạo, công tác quản lý, sử dụng trang bị Hải quân, xây dựng cơ sở hạ tầng của Hải quân và các hoạt động khác có liên quan nhằm nâng cao trình độ quản lý sử dụng vũ khí trang bị, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân. Với Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân hai nước đã gặp gỡ trao đổi những vấn đề cùng quan tâm và đều nhất trí thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Hải quân hai nước lên tầm cao mới, tăng cường giao lưu ở nhiều cấp độ nhằm xây dựng niềm tin về chính trị, duy trì ổn định tình tình trật tự trị an trên các vùng biển. Với Hải quân các nước Ốt-xtrây-li-a, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hải quân Việt Nam đã cử cán bộ sang học tập, nghiên cứu về các lĩnh vực trang bị kỹ thuật, công tác chỉ huy tham mưu nhằm từng bước tiếp cận với các loại trang bị, kiến thức mới về phục vụ cho quân chủng. Với Hải quân các nước ASEAN, chúng ta đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị thân thiện và cơ chế trao đổi đoàn hàng năm ở cấp Bộ Tư lệnh và các cấp các ngành, tham gia các hội nghị, diễn đàn thường niên trong khu vực đó là điều kiện để thúc đẩy, phát triển mối quan hệ giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân các nước trong khu vực và cũng là nơi để Hải quân Việt Nam thể hiện quan điểm, chính kiến của mình trước các vấn đề mà các bên cùng quan tâm. Cũng từ những diễn đàn, hội thảo và các cuộc trao đổi tiếp xúc song phương, đa phương này của khu vực, uy tín của chúng ta được nâng cao, cơ hội hội nhập với Hải quân thế giới từng bước được mở rộng.

Phối hợp các hoạt động chung trên biển là một trong những hình thức hoạt động đối ngoại đặc thù của Hải quân nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biển, duy trì trật tự, an ninh trên các vùng biển, cùng nhau ứng phó với các thảm hoạ do thiên tai gây ra. Muốn hội nhập tốt trước hết cần phải phối hợp hoạt động với nhau thật tốt. Đây là một việc làm mà Hải quân Việt Nam đang tiến hành tốt và ngày càng có hiệu quả. Hải quân Việt Nam đã ký thoả thuận tuần tra chung và lập kênh thông tin liên lạc với Hải quân các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia, thiết lập đường dây nóng với Bộ Tư lệnh Hải quân Philipin, Malaysia và tới đây là Indonesia, Singapore và các nước khác trong khu vực nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác, trao đổi những thông tin liên quan về biển và các vấn đề cùng quan tâm. Đối với Trung Quốc, Hải quân hai nước đã ký Thỏa thuận về tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ vào năm 2005. Hàng năm, Hải quân hai nước tiến hành 2 chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và luân phiên tổ chức phiên họp thường niên rút kinh nghiệm về tuần tra liên hợp. Đối với Thái Lan, Hải quân Việt Nam ký Thỏa thuận về tuần tra chung vào năm 1999, hàng năm Hải quân hai nước tiến hành 02 chuyến tuần tra chung trên vùng biển giáp ranh và một phiên họp thường niên về tuần tra chung. Hải quân Việt Nam ký thỏa thuận về tuần tra chung với Hải quân Campuchia từ năm 2002, theo đó hàng năm Hải quân hai nước tiến hành 04 chuyến tuần tra chung trên vùng nước lịch sử và tổ chức một phiên họp thường niên về tuần tra chung, ngoài ra cấp Vùng của Hải quân ta và Căn cứ của Hải quân Bạn hàng năm luân phiên tổ chức 02 phiên họp giao ban về tuần tra chung. Việc tiến hành tuần tra chung trên các vùng biển giáp ranh và tổ chức các phiên họp về tuần tra chung đã tạo điều kiện thuận lợi để Hải quân Việt Nam và Hải quân các nước hiểu biết, gắn bó với nhau hơn, tạo dựng niềm tin, phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biển, góp phần thực thi Luật biển quốc tế và các Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam ký với các nước, bảo vệ cuộc sống lao động hoà bình của nhân dân trên biển, bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên, môi trường biển, duy trì an ninh trật tự, xây dựng môi trường hoà bình ổn định trên hướng biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Các chuyến thăm của tàu quân sự từ nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam và Hải quân ta tại thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh là điều kiện tốt để học hỏi giao lưu với nhau. Qua các hoạt động: tiếp kiến, thăm và nghe giới thiệu về tàu, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... trong chuyến thăm, cán bộ, chiến sĩ, học viên Hải quân Việt Nam và Hải quân các nước có dịp tiếp xúc và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tìm hiểu thêm về con người, về văn hóa cũng như vũ khí trang bị của hải quân các nước trên thế giới, nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cho bản thân, phục vụ nhiệm vụ chung và đáp ứng yêu cầu của hội nhập.

Nhằm không ngừng tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác, phối hợp hoạt động và giao lưu học hỏi với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới, Quân chủng Hải quân chủ trương đưa tàu đi thăm Hải quân các nước trong khu vực trước hết là với các nước đã ký thoả thuận về tuần tra chung. Đây là hướng mới của đối ngoại quân sự Hải quân và là bước đi sâu hơn trong tiến trình hội nhập. Việc đưa tàu đi thăm không chỉ đòi hỏi phải có những con tàu tốt, hiện đại, đảm bảo được các yêu cầu về lễ tân đối ngoại mà đội ngũ cán bộ chiến sĩ đi trên tàu phải có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ nhận thức chính trị cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, có kiến thức về truyền thống, văn hóa, lịch sử của đất nước, am hiểu văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của nước đến thăm, đồng thời phải có trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp. Có như vậy chuyến thăm mới đảm bảo thành công và tạo nên ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế. Hải quân Việt Nam đã tổ chức thành công chuyến thăm của tàu Hải quân tới Thái Lan vào năm 2008, Trung Quốc năm 2009 trong khuôn khổ tuần tra chung và thăm hữu nghị Malaysia năm 2009. Các chuyến thăm làm cho lực lượng Hải quân hiểu nhau hơn, tăng thêm khả năng phối hợp hoạt động trên biển với hải quân các nước, là điều kiện để cán bộ chiến sĩ Hải quân ta nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và khả năng ứng xử trong giao tiếp, là cơ hội để cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam thể hiện bản lĩnh và trình độ chuyên môn trước các đồng nghiệp nước ngoài, tăng thêm khả năng hội nhập với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, các nước đều chủ trương hướng mạnh ra biển lớn, Hải quân Việt Nam sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Đảng ủy quân sự Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhằm triển khai tốt các hoạt động đối ngoại quân sự trên hướng biển, góp phần đưa đất nước vươn ra với đại dương, nối rộng vòng tay hữu nghị với bạn bè quốc tế, tăng cường hội nhập vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp thiết thực vào ổn định tình hình kinh tế xã hội trong nước, xây dựng và củng cố môi trường biển hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới của đất nước. Ngoại giao thể hiện sức mạnh, thế và lực, hội nhập thể hiện tiềm lực nội tại, Bác Hồ đã nói: Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn. Hải quân Việt Nam đã và đang chuẩn bị tốt cho mình những cái “chiêng” để tạo nên tiếng vang trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần tạo dựng môi trường “ngoại tĩnh”. Đó là xây dựng Hải quân Việt Nam “ Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại” để làm nền tảng cho hoạt động đối ngoại, tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác và hội nhập với Hải quân các nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Minh
Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Hải quân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất