Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 1/5/2010 10:49'(GMT+7)

Hồ Chí Minh - con người vì nghĩa lớn dân tộc

Bác Hồ, một con người trọn vẹn, cả cuộc đời trọn vẹn, trong sáng tuyệt vời vì đất nước, vì dân tộc. Ảnh tư liệu

Bác Hồ, một con người trọn vẹn, cả cuộc đời trọn vẹn, trong sáng tuyệt vời vì đất nước, vì dân tộc. Ảnh tư liệu

Các thế hệ Việt Nam nối tiếp nhau sẽ mãi mãi truyền cho lớp con cháu mình muôn vàn tình thương yêu đối với Bác, hiện thân của độc lập, tự do, hạnh phúc, những nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam ta. Bác là người sáng lập Đảng ta để cùng với Đảng động viên nhân dân ta đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta phát huy sức mạnh của mình tự mình làm nên mọi thắng lợi. Tất cả những gì tốt đẹp của dân tộc trong bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều sống dậy tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong thời đại Hồ Chí Minh. Mọi thắng lợi của dân tộc trong thế kỷ qua cũng như mỗi đổi thay trong từng người Việt Nam từ độc lập tự do và vị trí quốc tế ngày nay của Tổ quốc đến bát cơm, manh áo, quyền sống, quyền làm chủ của mỗi người đều gắn liền với Bác Hổ và cũng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Bác. Và cuộc đời, sự nghiệp, tên tuổi của Người gắn liền với lịch sử dân tộc, làm rạng rỡ thêm trang sử vàng son của dân tộc.

Từ một nước bị ngoại bang xâm lược, từ một dân tộc mất quyền sống, quyền làm người, lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang, đã cải tổ hoàn sinh 65 năm nay. Sáu mươi nhăm năm chiến đấu và trường thành, dân tộc Việt Nam càng thấm thía công lao của một Con Người vĩ đại đã cả một đời vì nghĩa lớn đồng bào, vì nghĩa lớn dân tộc - Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh, Con Người thật đặc biệt luôn mang trong mình dòng máu của dân tộc. Có thể nói, từ lúc thiếu thời cho đến khi về cõi vĩnh hằng, Người luôn coi Tổ quốc, đồng bào là trên hết, là lẽ sống của đời mình, mục đích của Người là "độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn".

Bởi thế, vì nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, đói rét mà Bác Hồ đã ra đi học tập kinh nghiệm cách mạng về giúp dân tộc, giúp đồng bào. Trong suốt thời kỳ đi tìm phương cứu nguy cho dân tộc, đến cả thời kỳ đứng đầu dân tộc, và cho đến lúc ra đi "gặp cụ Các Mác, cụ Lênin", cũng như những con người thật sự vĩ đại khác, Hồ Chí Minh không bao giờ nghĩ mình là bậc vĩ nhân, không đặt cái tôi cao hơn dân tộc và sự nghiệp của dân tộc, cho dù đó là Con Người tiêu biểu nhất của dân tộc. Người chỉ ôm ấp một mộng tưởng, một ước nguyện, một đạo lý làm người: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận.

Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Riêng về phần tôi, thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau... không dính líu gì với vòng danh lợi".

Mác Ta Rô Hát - Chủ nhiệm báo Grama - Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Cu Ba đã nói "Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người có một tâm hồn vĩ đại, một con người nặng lòng yêu nước thương nòi và sự tận tuy hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc".

Ham muốn của Người đã thành hiện thực: 2-9-1945, dân tộc độc lập; 30-4-1975, sự nghiệp giải phóng đất nước hoàn toàn trọn vẹn, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, nhân dân Việt Nam thật sự sống trong hoà bình, tự do. Với hiện thực này, như Sai To Gnen - Nhà sử học Nhật Bản đã viết: "Vấn đề dân tộc không còn là một khái niệm suông của phong trào cách mạng nữa mà đã mang lại một sức sống mới, một sức mạnh đấu tranh của bản thân mình như Lênin đã dự đoán về khả năng thắng lợi của các dân tộc yếu, bị áp bức đối với một kẻ địch mạnh và những kỳ tích của họ. Hồ Chí Minh cuối cùng đã thực hiện được những khả năng và kỳ tích ấy và đã đặt việc giải phóng dân tộc vào quỹ đạo lịch sử chứ không phải chuyện thần thoại. Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã mang tới hệ tư tưởng và hành động của giải phóng dân tộc" .

Ước nguyện của Người, Người làm đúng như điều Người nói là làm một cái nhà sàn nho nhỏ, có vườn cây, có ao cá. Nhà Sàn Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch đi vào huyền thoại, bởi vì nơi đó thể hiện đúng nguyện vọng của Người, mà nguyện vọng đó đã làm Cụ Hồ gắn bó sâu xa với cuộc đời toàn tâm, toàn ý vì nước, vì dân, vì nhân loại khổ đau, mà không có cái gì riêng của mình. Đứng trước ngôi nhà sàn đó tự nhiên mỗi người chúng ta đều thấy rất rõ kế sách từ ngàn xưa mà nay Bác Hồ đã làm được là: "Lập kế lâu dài, trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người". Cho nên, nhà báo Bớt Sét nhận xét rằng: "Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng trong nhân dân thì không có ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Một con người mà toàn bộ tâm huyết và cuộc đời gắn bó với vận mệnh dân tộc, với thân phận mỗi con người, bởi thế con người ấy: Từ tên gọi cũng mang hình ảnh dân tộc: Nguyễn Ái Quốc, "Ái Quốc là yêu nước. Mà nước là gì? Nước là dân. Vậy Ái Quốc có nghĩa là dân"; Cho đến ngày sinh của Người cũng gắn liền với lịch sử dân tộc: Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Đó là Mặt trận:

“Quyết làm cho nước non này,

Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền.

Rồi ra sự nghiệp hoàn thành,

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng".

Trong cuộc sống hàng ngày, Người cũng luôn nghĩ về đồng bào mình, dân tộc mình. Vì vậy, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền thời đó, sau đó làm nhà sàn nho nhỏ và phòng nghỉ, phòng làm việc, mỗi phòng vuông vắn hơn 10 thước. Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ, mọi người phải ăn độn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, như nhân dân. Sinh thời, khi tiếp khách, khi đi thăm các nước, Bác Hồ thường mặc bộ quần áo ka ki, khi bộ quần áo đã cũ đề nghị thay bộ khác, Bác nói: "Nhiều đồng bào ta nếu được bộ quần áo như thế này cũng là tốt lắm, thế thì việc gì tôi phải thay". Có nhiều lần, Người đi thăm nước bạn, Người cũng đưa về loại cây bốn mùa ít rụng lá trồng ở bên cạnh nhà mình, để với ý định cho ngành Lâm nghiệp nhân ra trồng ở các đô thị để ớt đi nỗi nặng nhọc cho người công nhân quét đường; đưa về những cây cọ dầu trồng ở khu vườn Phủ Chủ tịch với ý định cho ngành Nông nghiệp nhân rộng ra lấy quả ép dầu tăng thêm chất béo cho bữa ăn của mọi người, mọi nhà... Có lần, lớp cao su ở vòng tay lái của chiếc ô tô vẫn phục vụ Bác bị lão hoá toả mùi khó chịu, nhưng chưa kịp sửa, đồng chí bảo vệ lấy nước hoa vẩy vào trong xe để át mùi lão hoá của cao su, thấy vậy Bác Hồ đã bảo rằng: "Không phải Bác không thích nước hoa nhưng nhân dân mình còn nghèo khổ, vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành". Vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành là một định nghĩa trọn vẹn một con người của dân tộc.

Chính vì những lẽ đó, mà nhà báo Mỹ Đa Vít Han Bớt A Ten đã khẳng định: "Đó là sức mạnh của ông Hồ, vì ông là người Việt Nam của quần chúng... Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam".

Lịch sử không phải là sự ngẫu nhiên, nhưng kỳ lạ thay, ngày 2-9-1945, đó là ngày sang trang lịch sử của dân tộc, ngày mà: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập", thì vào ngày 2-9 của 24 năm sau, Người đi vào cõi trường sinh. Người để lại cho hạnh phúc vĩ đại của gần trăm triệu người Việt Nam là đã có một lãnh tụ tài năng, lỗi lạc, phẩm chất tuyệt vời, nguyện làm đầy tớ trung thành của nhân dân, tất cả cho dân tộc mà không có cái gì riêng cho mình. Và sự kiện lịch sử đặc biệt này tạo nên sự kỳ vĩ: hàng trăm triệu nhân dân yêu quý Người là hàng trăm triệu trái tim tự do và khối óc được giải phóng, là hàng trăm triệu người trưởng thành, đứng vững trên hai chân và ngửng cao đầu để kính yêu lãnh tụ và tiến lên tiếp tục sự nghiệp của Người.

Một Con Người viết hoa. Một dân tộc, vì Người là hiện thân cho Tổ quốc mình. Một thời đại, vì Người là biểu tượng của thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa. Và một sự nghiệp, sự nghiệp cao cả nhất đưa đến tự do và hạnh phúc con người, mà vì nó Người luôn luôn đấu tranh để biến cuộc sống thành sức mạnh, nhân dân Việt Nam và bè bạn thế giới thường gọi rất thân thiết, rất trìu mến, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ.

Bác Hồ đã để lại cho dân tộc những giá trị vĩnh hằng để học tập: Học tập tinh thần phấn đấu không ngừng của Người cho sự nghiệp chính nghĩa. Suốt đời Người đấu tranh chống lại sự xâm lược của nước ngoài, giải phóng dân tộc. Vì mục tiêu này, Người đi khắp bốn phương để tìm chân lý, tìm con đường cứu nước, cứu dân. Vì mục tiêu này, Người không quản ngại bất kỳ khó khăn trở ngại nào, dũng cảm tiến lên, biểu hiện khí tiết anh hùng cách mạng cao độ.

Học tập phẩm chất cao quý yêu mến nhân dân của Người. Người có tình cảm vô cùng nồng hậu đối với nhân dân Việt Nam đã nuôi dưỡng Người, đối với nhân dân lao động toàn thế giới, Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không hề quan tâm tới bản thân. Người cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật, không xa cách với quần chúng. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân.

Học tập tinh thần "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của Người. Suốt đời Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp "cần kiệm liêm chính" và "chí công vô tư”, dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân.

Trong suốt cuộc đời mình, Người làm việc cần cù, học tập không mệt mỏi, chiếc máy chữ nhỏ chính là trợ thủ trung thực của Người. Những việc có thể làm được, Người không để người khác giúp, vì thế số nhân viên công tác ở bên Người có thể đếm trên đầu ngón tay. Điều đặc biệt cảm động là khi Người từ trần, trên người vẫn mặc bộ quần áo ka ki bạc màu và đi một đôi giày vải. Trên ngực Người, không một tấm huân chương!

Đạo lý làm người của Người chẳng những là chuẩn mực của người Việt Nam mà còn là chuẩn mực của con người và phẩm chất đó là tinh hoa của dân tộc Việt Nam và của thời đại. Con người gắn liền với thời đại và góp phần vào sự nghiệp sáng tạo thời đại. Đó thật sự là con người của lý tưởng và lý tưởng thể hiện trong một con người, con người không mảy may vương vấn tham vọng cá nhân, khinh ghét những thói nhỏ nhen, bất bình trước những lời tâng bốc, con người mà đức độ toả sáng khắp nơi bởi vì con người ấy nêu cao đạo đức, lấy đức làm trọng, lấy đức và sự khoan dung để đoàn kết, cảm hoá, không lấy uy để áp chế và khuyên răn mọi người, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, làm đạo lý của truyền thống của dân tộc. Lịch sử của dân tộc trong thế kỷ qua ít có người nào lại được nhân dân yêu mến như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thật sự là thần tượng của nhân dân, Người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một dân tộc. Người luôn xuất phát từ tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, vừa bằng kiến thức uyên bác, kinh nghiệm và tài nghệ của mình, vừa bằng sự tận tâm và liêm khiết để giành sự kính trọng và biết ơn của nhân dân. Thực tế của thế kỷ qua có thể khẳng định rằng: Khó có thể có được một người khác như Người ở thời đại của chúng ta cũng như trong các thế hệ mai sau. Người thật sự là con người của mọi thời đại với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó.

Trong suốt hơn sáu mươi năm của một cuộc đời đầy sóng gió, Bác Hồ giành được sự kính trọng và yêu mến rộng rãi, bởi chính Người là hiện thân của những phẩm chất, đạo đức cao đẹp. Khi đã làm chủ cuộc đời mình, đã có lý tưởng sống, hiểu mình, hiểu đời, Người chủ động, thảnh thơi không bao giờ bối rối trước những tình huống phức tạp và những hoàn cảnh éo le.

Bác Hồ, một con người, một lẽ sống, một tấm gương của cả một dân tộc là như thế.

Bác Hồ, một sự nghiệp vĩ đại, một đạo đức cao cả, một tác phong khiêm tốn, giản dị tiêu biểu cho cả một dân tộc là như thế.

Bác Hồ, một con người trọn vẹn, cả cuộc đời trọn vẹn, trong sáng tuyệt vời vì đất nước, vì dân tộc là như thế.

Thời đại cần những con người như thế, thế kỷ, dân tộc cũng sản sinh những con người như thế, con người của hôm nay và của cả ngày mai. Chúng ta, thế hệ con cháu Bác Hồ đã được Người dẫn dắt đi trong thế kỷ qua để thực hiện nghĩa lớn của truyền thống dân tộc "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Hành trang của dân tộc ta sang thế kỷ XXI là niềm hạnh phúc, tự hào: "Trên thế giới hiện nay không có lãnh tụ nào đối với nhân dân của mình vừa là người phát minh, vừa là người bảo vệ, vừa là nguồn gốc, vừa là phương hướng, vừa là tư tưởng, vừa là thực hành, vừa là dân tộc, vừa là cách mạng; vừa là người "Bác" nhân hậu, vừa là vị tướng cầm quân"./.

Trần vVết Hoàn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất