Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 28/4/2010 20:26'(GMT+7)

Khánh Hoà – Sau 35 năm giải phóng

Một góc thành phố biển Khánh Hòa

Một góc thành phố biển Khánh Hòa

Phát huy truyền thống anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1975 đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hoà đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, xây dựng và phát triển quê hương và đã gặt hái được những thành tựu quan trọng rất đáng tự hào. Đặc biệt là những thắng lợi trong thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, làm cho kinh tế-xã hội của tỉnh chuyển biến tốt đẹp.

Thành tựu nổi bật nhất của tỉnh là nền kinh tế từ kế hoạch hóa, tập trung đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao. Từ năm 1989 đến năm 2008, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn tỉnh tăng bình quân hàng năm gần 11%, năm 2009 tuy chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới cũng như những khó khăn chung trong nước nhưng vẫn tăng 10,2%. GDP bình quân đầu người năm 1990 đạt trên 700 ngàn đồng, đến năm 2009 đạt trên 28 triệu đồng, tăng 40 lần so với năm 1990. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ và du lịch (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tháng 4/1996), chuyển sang công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tháng 01/2001) và đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tháng 12/2005 có cơ cấu là dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2009, tỷ trọng GDP theo cơ cấu kinh tế, dịch vụ - du lịch chiếm 43,32%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,71% và nông nghiệp chiếm 14,97%. Về tổng thu ngân sách nhà nước, nếu năm 1990 chỉ thu được gần 48 tỷ đồng thì đến năm 2009 đã đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 125 lần. Từ năm 2003, Khánh Hòa tự hào đứng vào hàng ngũ một trong 15 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho Trung ương. Từ năm 2005 đến nay, Khánh Hòa là một trong 8 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách lớn nhất của cả nước.

Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng hoạt động của các thành phần kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đã chú trọng triển khai quán triệt, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế; quan tâm tạo điều kiện, khơi dậy các nguồn lực, tạo sự năng động, sáng tạo cho các thành phần kinh tế phát triển. Doanh nghiệp nhà nước của tỉnh là lực lượng nòng cốt trong tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh. Công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp quốc doanh. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tiêu biểu là Tổng Công ty Khánh Việt và một số doanh nghiệp đang vươn lên như Công ty Yến sào, Công ty cổ phần Điện lực... Các hợp tác xã được đổi mới, đảm nhiệm được các khâu dịch vụ, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, thực hiện tín chấp vay ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đã có vai trò tích cực trong việc giải quyết vốn vay của các thành viên để sản xuất. Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã có những đóng góp xứng đáng trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết thêm nhiều việc làmkể vào thu ngân sách của tỉnh. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh đã không ngừng phát triển và mở ra tương lai phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã đầu tư đúng hướng, chủ động xây dựng cơ chế, huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hàng trăm công trình trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được triển khai xây dựng, như: Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng, Nhà máy thủy điện EaKrong Rou, hệ thống công viên bờ biển và nhiều khu du lịch, khách sạn đã được xây dựng như Vinpearl, Ana Mandara, Sông Lô, Hòn Tằm, Trung tâm du lịch Suối khoáng nóng Tháp Bà - Nha Trang, Sunrise, Sài Gòn - Yasaka, Novotel, Sheraton... và gần đây một số dự án mới được khởi công như: Cảng trung chuyển Container quốc tế Vân Phong, đường Cầu Lùng - Khánh Lê, đường vào thành phố Nha Trang tuyến tránh đèo Rù Rì, Nhà máy xử lý hạt nix thải, Khu du lịch bãi Rồng, Nhà máy cấp nước Bắc bán đảo Cam Ranh, cảng Cam Ranh trở thành cảng hàng không quốc tế... đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, các nhà đầu tư, góp phần nâng cao vị thế, quảng bá sâu rộng hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của Khánh Hòa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chất lượng giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô giáo dục và đào tạo phát triển nhanh và tương đối đồng đều. Các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được nâng cấp, xây dựng và tích cực triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; đến nay, 100% xã, phường có trạm y tế; các bệnh viện tuyến huyện được nâng cấp; bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng mới với trang thiết bị y tế hiện đại. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt nhiều kết quả khả quan; tỷ suất sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm giảm dần. Đời sống văn hóa, văn nghệ có nhiều hoạt động sôi nổi; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai có hiệu quả; nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình có bước phát triển về số lượng và chất lượng. Phong trào thể dục thể thao và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này có nhiều tiến bộ; thể thao thành tích cao được duy trì, luôn đứng vào tốp dẫn đầu của cả nước trong nhiều giải thi đấu. Công tác xóa đói giảm nghèo có chuyển biến rõ rệt, đến nay toàn tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn 1,9% theo chuẩn quốc gia, 14,24% theo chuẩn mới của tỉnh. Hàng năm, tạo việc làm mới cho hơn 22.000 lao động, số lao động qua đào tạo nghề tăng trên 26%. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc người có công, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng yếu thế trong xã hội... Đặc biệt, đối với khu vực miền núi, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển, trọng tâm là các lĩnh vực giáo dục, xóa đói giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng... Bình quân, mỗi năm ngân sách nhà nước đầu tư gần 60 tỷ đồng cho khu vực miền núi, góp phần làm cho diện mạo nông thôn và miền núi của tỉnh ngày càng đổi mới, khang trang.

Công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn thường xuyên được củng cố và tăng cường, gắn kết chặt chẽ giữa thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Các hoạt động giáo dục quốc phòng toàn dân được duy trì đều đặn, góp phần nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng, từ khâu giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ đến khâu tổ chức, sắp xếp bố trí cán bộ. Các cấp ủy thường xuyên quan tâm thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến nay, Đảng bộ đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng phấn khởi; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, phát triển đảng viên có nhiều tiến bộ; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đều tăng. Công tác kiểm tra Đảng được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; cấp ủy các cấp đã kịp thời phát hiện, uốn nắn và chấn chỉnh những sai phạm của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có kết luận cụ thể các vụ việc nổi cộm ở địa phương; thực hiện tốt quy chế dân chủ, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công khai thu chi tài chính để củng cố lòng tin của quần chúng, ngăn ngừa không để xảy ra “điểm nóng”… Qua điều tra, xác minh tố giác của nhân dân đã tiến hành xử lý nghiêm một số cán bộ, đảng viên có liên quan đến các vụ việc tiêu cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Cùng với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hoạt động hệ thống chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố và kiện toàn. Vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác điều hành, quản lý nhà nước ngày càng có nhiều tiến bộ rõ nét. Phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được đổi mới và ngày càng có chất lượng; quy chế dân chủ được triển khai tích cực ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả...

Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 và cũng là năm cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hoà chào đón những sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh; năm đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Bên cạnh những thuận lợi, cũng phải đương đầu với khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và toàn xã hội để vượt qua nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010.

Phấn khởi tự hào kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Khánh Hòa và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân Khánh Hoà nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới tương lai với tinh thần phấn khởi và tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của quê hương, đất nước, với ý chí, quyết tâm tiếp tục sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo./.

Hồng Thu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất