Liên tiếp những sự cố liên quan đến công tác an ninh xảy ra gần đây làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá nước nhà. Đồng thời, nó tạo ra tiền lệ không tốt trong đời sống bóng đá, xâm hại đến luật chơi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Hường (Trưởng ban Kỷ luật VFF).
PV: Thưa ông, sự cố sân Cao Lãnh đã tạo ra hình ảnh không đẹp về bóng đá. Quan điểm của ông về vụ việc này thế nào?
Ông Nguyễn Hải Hường: Ngay sau khi nhận được tin về sự cố, thông qua những kênh khác nhau, tôi đã nắm được tình hình. Nhưng hồ sơ mà tôi có, băng hình mà tôi xem khác xa với thông tin ban đầu. Rất nhiều thông tin đã khẳng định trọng tài Nguyễn Trọng Thư mắc lỗi nghiêm trọng và là khởi nguồn cho cơn bức xúc của khán giả Đồng Tháp. Một số người còn khẳng định, trọng tài Nguyễn Trọng Thư quá non kinh nghiệm. Nhưng khi tôi xem lại băng hình, tất cả những tình huống mà dư luận cho là trọng tài sai đều không phải. Hóa ra, chính những phản ứng với trọng tài mới là sai và không công bằng. Đó là tôi chưa nói đến chuyện trọng tài cũng là con người nên anh ta cũng có thể mắc sai lầm. Cách phản ứng của đội CS.ĐT là không đúng.
Việc người hâm mộ nổi cơn thịnh nộ, tấn công trọng tài là không đúng đắn. Tôi hiểu cảm giác của cổ động viên (CĐV) Đồng Tháp, nhưng trong mọi trường hợp, cần phải giữ cái đầu lạnh và tuân thủ nghiêm ngặt luật chơi.
Có ý kiến cho rằng, việc phản ứng với các quyết định của trọng tài đã trở thành “bệnh” của nền bóng đá quốc nội. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tôi cho rằng, phản ứng với quyết định của trọng tài, đưa trận đấu đến bờ vực đổ vỡ là hành động thiếu chuyên nghiệp. Tôi trách CĐV thiếu kiềm chế một thì phê phán sự nghiệp dư của cầu thủ và HLV mười. Chúng ta biết về tâm lý đám đông của khán giả, chỉ cần một người kích động, cả ngàn người sẽ hưởng ứng. Thật đáng trách khi người châm lửa cho thùng dầu cháy lại là HLV, cầu thủ. Tôi tin rằng, nhiều người biết mình phản ứng sai, nhưng họ cố tình làm như vậy để gây sức ép với trọng tài. Một số trọng tài vì sức ép từ đội bóng mà nương tay và trận đấu bị đẩy sang ngả rẽ khác.
Những người làm bóng đá phải hành động vì bóng đá. Họ phải tuyệt đối tuân thủ luật chơi. Nếu không, chính những người làm bóng đá sẽ trở thành tấm gương xấu cho NHM. Thực tế, ở trận đấu trên sân Cao Lãnh, nếu CS.ĐT biết kiềm chế thì sự cố đáng tiếc đã không xảy ra. Ngoài ra, đội bóng cần có trách nhiệm định hướng cho CĐV của mình. Không thể vì bức xúc mà trở thành những kẻ quá khích.
Một pha xử lý của trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong trận CS.ĐT gặp XM.HP
Dường như BĐVN đã xuất hiện những nguy cơ thực sự từ khán đài?
Ở mọi nền bóng đá, vai trò của khán giả với sự thành bại của cuộc chơi rất lớn. Đặc biệt, sự nghiệp dư của khán giả có thể kìm hãm con đường lên chuyên nghiệp của nền bóng đá. Các CĐV cũng cần phải chuyên nghiệp và đồng hành cùng đội bóng. Không thể cứ bức xúc là quậy phá, bởi nếu mọi việc đi vượt giới hạn cho phép, chính đội bóng là người chịu thiệt.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Sự cố sân Cao Lãnh: Phạt BTC sân 25 triệu đồng
Ban Kỷ luật đã họp để xem xét sự cố sân Cao Lãnh ở vòng đấu 19 vừa qua. Sau khi xem lại băng ghi hình và báo cáo từ BTC giải, Ban Kỷ luật kết luận: Trọng tài đã xử lý đúng trong các tình huống gây tranh cãi.
Việc để xảy ra sự cố CĐV tấn công trọng tài, bao vây SVĐ thuộc về trách nhiệm BTC sân. Sự cố vừa qua là nghiêm trọng và cần có hình thức xử lý nghiêm khắc. Có thành viên trong Ban Kỷ luật đã đề nghị treo sân Cao Lãnh. Tuy nhiên, Ban Kỷ luật cũng ghi nhận cố gắng của BTC sân trong việc bảo vệ an ninh cho trọng tài, đội khách. Quyết định cuối cùng được đưa ra là phạt BTC sân Cao Lãnh 25 triệu đồng.
Riêng cầu thủ Aniekan do có hành vi xô đẩy trọng tài Nguyễn Trọng Thư đã bị phạt 5 triệu đồng./.
(Theo Báo Bóng Đá)