Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 29/8/2009 10:56'(GMT+7)

"Người lớn hãy là tấm gương nhân cách cho con trẻ"

Các trường học hãy tạo những sân chơi tập thể để học sinh tự tham gia nhằm rèn luyện kỹ năng mềm ứng dụng vào cuộc sống

Các trường học hãy tạo những sân chơi tập thể để học sinh tự tham gia nhằm rèn luyện kỹ năng mềm ứng dụng vào cuộc sống

Gần đân, trước thực trạng môi trường học đường đang bị xâm phạm bởi nạn bạo lực giữa học sinh với học sinh, những vụ việc hành hung thầy, cô giáo lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường sư phạm. Điều mà các nhà quản lý giáo dục quan tâm và đang cố gắng đưa vào chương trình học thông qua các sân chơi, các mô hình giáo dục mới là việc dạy cho các em ý thức xây dựng môi trường sống, học tập văn minh, thân thiện. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải bắt đầu từ những bậc học đầu tiên để giúp các em trở thành những con người hoàn thiện về nhân cách, trở thành những người có văn hóa.

Ông Phạm Ngọc Định, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) truy tìm căn nguyên vì sao việc giáo dục trẻ em ý thức xây dựng cộng đồng thân thiện và văn minh chưa được thấm nhuần dù đã được đưa vào các chương trình học của các bậc học từ mầm non trở đi. Ông Đính cho rằng, một thực tế hiện nay là nhà trường, gia đình và đoàn thể chưa thực sự tạo ra nhiều cơ hội để trẻ thực nghiệm và trực tiếp tham gia vào các hoạt động giáo dục thể chất, vui chơi hàng ngày. Trong chương trình ký kết giữa Bộ GD&ĐT và quỹ Unilever Việt Nam về tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động vui chơi ngoại khóa cho trẻ em, việc giáo dục cho trẻ giá trị cuộc sống, kỹ năng sống, trong đó ý thức xây dựng cộng đồng văn minh cũng được lồng ghép. Chỉ riêng trong năm 2008 – 2009, chương trình đã xây dựng được ba sân chơi ngoài trời cho trẻ em ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, song song với đó là các hoạt động vui chơi bổ ích khác được thực hiện ở 14 tỉnh thành với hơn 78.000 lượt trẻ em tham gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tham gia chương trình này thì khả năng mở rộng của hoạt động này sẽ cao nếu có sự vào cuộc và chung tay của các gia đình và xã hội.

Để trẻ em thực sự hiểu và tự ý thức tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng văn minh không thể tách rời gia đình, nhà trường và đoàn thể. Theo TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục TP.HCM) quan trọng nhất là tập cho các em thói quen “Nói không với những hành vi thiếu văn minh”. Để giúp các em làm được điều này, chính các thành viên trong gia đình cũng cần phải tự mình nâng cao hơn nữa ý thức bản thân khi sống trong cộng đồng. Từ đó góp phần hình thành nên một thế hệ trẻ biết sống có văn hóa, khoan dung, lương thiện, tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh. Bắt đầu từ đây, chính các em sẽ là những người đi tiên phong để đánh thức ý thức xây dựng cộng đồng văn minh, thân thiện.

Nói về phương pháp giáo dục trẻ sống văn minh, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, muốn giúp trẻ xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, trước tiên người lớn cần xây dựng cộng đồng ấy cho chính mình. Theo ông, hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng rút ra được rất nhiều điều về xây dựng cộng đồng văn minh.

Còn đứng ở góc nhìn của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, nhìn vào nền giáo dục của các cụ thời xưa, có rất nhiều điều chúng ta cần học bởi ý thức giáo dục cộng đồng trong đó được đặt rất cao. Giáo dục bắt đầu từ trong cộng đồng bé nhất của xã hội là gia đình, các cụ thường răn dạy con cái: Tu thân, tề gia, giữ quốc, bình thiên hạ. Ông cũng đưa ra một minh chứng là hình ảnh mẹ của trí sĩ Lương Văn Can – hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (bà có bốn người con đều hy sinh vì nước) đã ý thức giáo dục con mình từ khi còn là bào thai. Bên cạnh đó, ông Dương Trung Quốc cũng ra một thách đố mà giáo dục của chúng ta đang vấp phải là nhiều giá trị truyền thống đã bị phá vỡ trong quá trình phát triển. Bởi vậy, việc gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp trong quá khứ là điều chúng ta nên đưa vào các hoạt động của nhà trường song song với việc dạy tri thức.


Ảnh minh họa

Một trong 8 thiết bị trò chơi được lắp đặt tại Công viên Thống Nhất Hà Nội trong dự án của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)

TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục TP.HCM) cho biết, không ít người lớn lại là những tấm gương xấu cho trẻ về chuyện kém văn minh. Từ ví dụ ông Duy được chứng kiến tại một trường mầm non ở TP.HCM, một em bé khi uống xong hộp sữa vẫn cầm vỏ hộp trên tay đi tìm thùng rác thì mẹ bé lại tiện tay ném luôn vào gốc cây trong trường... Nhiều ý kiến cho rằng, các em biết làm vậy vì đã được thầy cô dạy ở trường và nếu bố mẹ để tâm khuyến khích, hành vi ấy sẽ trở thành thói quen tốt.

PGS,TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc quan tâm đến thế hệ trẻ không nên chỉ hô hào theo kiểu chiến dịch mà cần lồng ghép việc cung cấp kiến thức về pháp luật, đạo đức, văn hóa ứng xử phù hợp với từng độ tuổi, giới tính, vùng, miền. Theo ông Thịnh, điều quan trọng hơn, người lớn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống phải là tấm gương sáng cho các em noi theo.

Trên cương vị một nhà hoạch định chính sách, ông Phạm Ngọc Định cho biết, hiện nay, nhiều trường học đã tổ chức thường xuyên những sân chơi tập thể để học sinh tự tham gia nhằm rèn luyện kỹ năng mềm để ứng dụng vào cuộc sống. Từ phong trào này, các trường học đã hướng đến một tham vọng lớn hơn: giúp học sinh biết bảo vệ danh dự của nhà trường, của tập thể lớp và của chính bản thân mình, biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai... Vấn đề giáo dục kỹ năng sống được đề cao cũng hình thành nên những học sinh ứng xử có văn hóa ở gia đình và cộng đồng...

Theo VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất