Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/11/2016 20:31'(GMT+7)

Người thầy “gọi hồn” cho tiếng Mường

Thầy Hà Quang Phùng tại Lễ Khai giảng lớp tiếng Mường khoá XI (tháng 4/2016).

Thầy Hà Quang Phùng tại Lễ Khai giảng lớp tiếng Mường khoá XI (tháng 4/2016).

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục hơn 30 năm qua, thầy giáo Hà Quang Phùng (sinh năm 1948) tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) được biết đến là người “gọi hồn” tiếng Mường. Là người con dân tộc Mường, thầy Phùng vốn có nhiều kiến thức sâu sắc về văn hóa đồng bào Mường và đã truyền dạy ngôn ngữ Mường cho rất nhiều thế hệ cán bộ, con em các dân tộc trên địa bàn.

Sinh ra và lớn lên ở đất Mường cổ Thạch Khoán, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, sau đó được cử đi đào tạo tại Trung tâm giáo dục không chính quy Viện ngôn ngữ về tiếng Mường, năm 1982, thầy Phùng về công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Sơn. Luôn đau đáu gìn giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thầy Phùng hiểu rằng đây là cách để trở về với nguồn cội. Chính vì vậy, những năm tháng gắn bó với sự nghiệp giáo dục đã thôi thúc thầy cống hiến, tìm tòi, nghiên cứu truyền dạy tiếng Mường cho các thế hệ con em, nhất là khi ngôn ngữ Mường đang có nguy cơ mai một. Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò của một giáo viên dạy Văn, thầy tự mình đi đến khắp các thôn bản nơi có đồng bào Mường sinh sống để sưu tầm và tìm lại những trang sách cổ, trên cơ sở lấy tiếng Mường Bi- Hòa Bình làm gốc, về địa phương thầy dày công biên soạn lại ngôn ngữ Mường.

Năm 2004 khi Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Sơn (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX) triển khai chương trình dạy tiếng dân tộc Mường, khi ấy thầy là người đầu tiên và duy nhất giảng dạy ngôn ngữ Mường cho các thế hệ người Mường cũng như cán bộ đang công tác ở huyện Thanh Sơn. Từ đó đến nay, thầy Phùng đã giảng dạy hàng chục lớp tiếng Mường đạt kết quả chất lượng cao. Những lớp tiếng Mường thực sự có ý nghĩa không chỉ với bản thân con em đồng bào Mường mà còn đặc biệt quan trọng với các cán bộ đang công tác. Nó chính là chiếc cầu nối đưa cán bộ đến gần dân hơn, giúp cho việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân tộc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thầy Phùng truyền dạy tiếng Mường cũng chính là cách giúp cán bộ hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác dân vận ở cơ sở.

Thầy chia sẻ: Người Mường phát âm khác nhau về ngữ điệu, do đó để dạy cho học viên hiểu ý nghĩa của từng từ, từng chữ, từng câu thì cần phải biên soạn thành một phương ngữ chung nhất để khi truyền đạt học viên sẽ nghe, hiểu và nói được tất cả âm điệu trong ngôn ngữ của người Mường trên khắp các vùng miền.

Là người nặng lòng và tâm huyết với ngôn ngữ dân tộc, thầy Hà Quang Phùng luôn dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Với thầy những cuốn sách tìm được về ngôn ngữ Mường là những tài sản vô giá, được thầy gìn giữ như một cuốn cẩm nang quan trọng giúp thầy truyền dạy cho các thế hệ người Mường.

Thầy Phùng cho biết thêm: Để có giáo án dạy cho học viên, tôi luôn phải đổi mới và tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Tôi tập trung soạn ra những bài giảng gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày giúp học viên dễ dàng tiếp cận, dễ hiểu, dễ tiếp thu và nhanh chóng giao tiếp được. Trong đó tôi kết hợp sử dụng những từ Mường cổ và những từ gần với tiếng Việt nhất. Có như vậy mới làm ngôn ngữ Mường giữ được tính nguyên bản của nó.

Với tấm lòng luôn trân trọng ngôn ngữ của ông cha và niềm đam mê mang ngôn ngữ Mường đến với nhân dân, thầy giáo Hà Quang Phùng đã góp phần làm cho tiếng Mường sống lại trong đồng bào, đồng thời qua đó cũng là để tìm lại những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Mường.

Cả cuộc đời luôn khát khao đem tri thức cho đồng bào vùng cao, không chỉ truyền dạy ngôn ngữ và văn hoá Mường cho cán bộ và con em đồng bào trong huyện, hiện nay Thầy Phùng đã mở rộng việc giảng dạy ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Là một người con dân tộc Mường, đau đáu những trăn trở về việc giữ gìn nguồn cội văn hóa của cha ông mình, thầy Phùng vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến sức lực của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển ngôn ngữ Mường.

 Tình yêu với ngôn ngữ dân tộc đã trở tiếp thêm sức mạnh để Thầy sáng tạo, đổi mới không ngừng. Thầy luôn được các thế hệ học trò kính trọng, đồng nghiệp tin yêu. Những gì Thầy Phùng đã làm hôm nay đã góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Đặc biệt, đời sống hiện đại luôn đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn văn hóa, việc dạy tiếng Mường của thầy Phùng sẽ là động lực để đồng bào tiếp tục lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc trên quê hương Thanh Sơn - Phú Thọ./.

Bài, ảnh: Phùng Huyền Trang
UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất