Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 3/9/2009 20:46'(GMT+7)

Tiến quân ca: Tiếng vọng hồn thiêng sông núi


 Từ bưng biền kháng chiến Nam Bộ, trong lao tù Côn Đảo, Phú Quốc, đến núi rừng Việt Bắc… lời ca hào tráng cất lên: “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, đứng đều lên gông xích ta đập tan”, như tiếng vọng hồn thiêng sông núi, như lời thúc giục cổ vũ những người con đất Việt bền gan vững chí bảo vệ Tổ Quốc mình.

Trong một hồi ký ngắn, nhạc sĩ Văn Cao đã nhớ lại những khoảnh khắc đầu tiên cho sự ra đời của “Tiến quân ca”:

“… Tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì đó để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên… Tôi đang chờ được nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh, chứ không chuẩn bị để quay lại làm bài hát, thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang lên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì, trong một cái ống sữa bò. Ngọn lửa tím sầm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngờ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là đứa trẻ bị lạc, cũng không phải là cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt, và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca…”.

Nhạc sĩ Văn Cao

Trên căn gác cũ kỹ 45 Nguyễn Thượng Hiền, người nhạc sĩ 21 tuổi đã nghe thấy những tiếng xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên, tiếng đánh chửi nhau của một gia đình nghèo khó thiếu ăn, đêm đêm gió lùa tung khe cửa, có những tiếng gõ cửa, tiếng gọi không được đáp lại… Những âm thanh thê lương của thành phố đang loạn lạc, ly tán đã dội vào tim nhạc sĩ. Như chính tiếng kêu cứu của mẹ, của các em, của những đứa cháu đang bị đói, đang chờ đợi một cái chết thật chậm, như ngọn nến leo lét tự ăn vào sự sống của mình. Từ căn gác hẹp, những giai điệu ngắn dài của Tiến quân ca đã hoàn thành, theo nhịp dập dồn của cả một dân tộc đang trong cơn chuyển mình.

Tiến quân ca được viết xong vào ngày 30/10/1944. Ngay sau đó, được nhạc sĩ Văn Cao tự tay viết lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ Độc lập. Từ đó, bài hát được lan truyền trên những đường phố Hà Nội, trong bưng biền kháng chiến Nam Bộ, có mặt nơi rừng xanh núi đỏ của chiến khu Việt Bắc, âm thầm len lỏi qua những vách tù Côn Đảo – Phú Quốc, như bạn đồng hành cùng các đoàn quân ra trận. Dù ở đâu, khi trên môi cất lên những lời ca đầu tiên “Đoàn quân Việt Nam đi…”, ai cũng như được thắp một ngọn lửa niềm tin trong tim mình về một ngày độc lập không xa của Tổ Quốc.

Ngày 17/8/1945, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bài Tiến quân ca đã tạo rung chuyển như một cơn địa chấn qua giọng hát của hàng ngàn người, qua cả vạt rừng cờ đỏ sao vàng cuồn cuộn sóng trước quảng trường Lớn. Cũng kể từ hôm đó, Tiến quân ca đã là bản tráng ca kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam độc lập./.

Theo VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất