Thứ Tư, 20/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 25/8/2015 20:18'(GMT+7)

Nhà sàn dài truyền thống của cộng đồng người Êđê - biểu tượng độc đáo cần lưu giữ

Sự biến đổi trong sử dụng vật liệu dễ nhận thấy ở ngôi nhà sàn của dân tộc Êđê tại buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Sự biến đổi trong sử dụng vật liệu dễ nhận thấy ở ngôi nhà sàn của dân tộc Êđê tại buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk


Nhà sàn dài truyền thống - giá trị văn hóa độc đáo


Bước chân đến đại ngàn Tây Nguyên, chúng tôi bắt gặp ngay hình ảnh của ngôi nhà sàn dài truyền thống giống như con thuyền lướt sóng; lúc đến gần, chiếc cầu thang trước cửa để đi lên ngôi nhà làm cho chúng tôi cảm thấy hiện diện của sự phồn thịnh bởi hình vành trăng khuyết cách điệu, cùng với đôi bầu sữa căng tràn tạo thành một biểu trưng hết sức độc đáo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhà sàn dài của người Êđê biểu hiện sự tôn vinh cho chế độ mẫu hệ của họ, nó không chỉ là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình, mà còn thể hiện nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Để xây dựng ngôi nhà này, việc làm hết sức quan trọng từ khi bắt đầu khi bà chủ nhà mời thầy cúng thần để chọn đất dựng nhà đến thực hiện những chi tiết trên từng cột nhà (nhất là cột khách, cột chiêng, cầu thang) và khi làm lễ thì bà chủ nhà là người chặt nhát dao đầu tiên cũng như cuối cùng lên vật dựng làm nhà.

Bởi vậy, anh Y Phích Niê, cán bộ Trung tâm quản lý Di tích tỉnh Đắk Lắk cho biết cho biết: Từ bao đời nay, ngôi nhà sàn dài của đồng bào Êđê đã in đậm vào truyền thuyết, sử thi, truyện cổ, lời nói vần, nơi ở, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá cộng đồng (như kể Khan, hát ru, hát Aray, tiếp khách, xử luật tục, đánh chiêng, uống rượu cần, tổ chức các nghi lễ vòng đời người, vòng cây lúa) theo phong tục. Ngoài ra, nhà sàn dài còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên, vì ngôi nhà được xây dựng bằng nguyên liệu sẵn có của núi rừng. Đặc biệt, “theo quan niệm của người Êđê, ngôi nhà sàn dài còn là sự thể hiện phong cách, nếp sống, sự giàu sang, đẳng cấp của gia đình đó trong cộng đồng”.

Sự biến đổi và tình trạng mai một

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều buôn làng của huyện Ea Kar, Cư Kuin, Krông Búk, Krông Pắk thì giờ đây những ngôi nhà truyền thống của người Êđê không còn nữa. Số liệu thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 2.000 ngôi nhà dài truyền thống, chiếm khoảng gần 30% trong tổng số nhà của đồng bào Êđê, giảm trên 600 nhà so với năm 2012. Đáng chú ý hơn là, những căn nhà sàn dài còn lại thì kiểu kiến trúc đã thay đổi nhiều; không còn các ngôi nhà có chiều dài cả trăm mét, mà chỉ khoảng từ 25 đến 45 mét, mái lợp bằng tôn hoặc ngói; hầu hết cầu thang lên xuống không còn hình dáng mẫu hệ như xưa, thay vào đó là cầu thang với những mảnh ván ghép lại hoặc được làm bằng bê tông giống như cầu thang của đồng bào Kinh, cách bài trí trong các gian nhà đã khác đi nhiều, không còn giữ được những nét truyền thống.

Là một người dân sống lâu năm tại buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Mê Thuột, ông Ama Tít cho biết: “nhiều năm trở lại đây, với sự biến đổi của ngôi nhà sàn dài đã làm cho chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc, nhiều ngôi nhà được làm bằng bê tông, hình thức trang trí trong nhà hoàn toàn thay đổi mọc lên… Tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ quan trọng là mình vẫn giữ được những tập tục, tiếng nói, nét sinh hoạt của thân tộc, của cộng đồng”. Ông nhớ lại, năm 1972 sau khi thành lập thì buôn làng có những ngôi nhà sàn dài rất đẹp, đúng nguyên bản, nhưng không biết vì lý do gì mà bị cháy, nhất là sau khi đất nước thống nhất kinh tế của người dân bắt đầu khấm khá thì ngôi nhà đã chuyển hướng sang lợp mái tôn, ngói, rồi dần dần xi măng hóa thay cho vách tre, nứa. “Điều đáng nói nữa là người dân thấy lợp nhà bằng mái tôn, ngói và xây nhà bằng xi măng ít xảy ra cháy nổ, thời gian sử dụng lâu hơn, đó là chưa kể đến vật liệu làm nhà, nhất là gỗ ngày càng khan hiếm”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi hỏi, nếu có điều kiện về nguyên vật liệu và kinh phí để xây dựng đúng nguyên bản ngôi nhà sàn dài truyền thống thì liệu người đồng bào Êđê nơi đây có sẵn sàng làm hay không? Ông Y Thông Ê Nuôl, cư trú tại Buôn Lun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk bộc bạch: “Hiện nay, thế hệ trẻ tiếp nhận rất nhanh văn hóa bên ngoài, nhất là những cái mới, phù hợp với hiện tại, nên tôi nghĩ khó mà làm được điều đó. Nếu có, thì chỉ làm mô phỏng để lưu giữ những bản sắc của dân tộc mình thôi, chứ để sinh hoạt hàng ngày thì khó khăn lắm, vì nhiều nguyên nhân, nhất là bây giờ nhà nào cũng có xe gắn máy để đi lại, nên mỗi lúc dắt xe vào nhà vô cùng khó khăn”.

Anh Y Chen Niê, cán bộ của Sở Văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm 1990 trở lại đây, do ảnh hưởng của văn hoá đương đại, đô thị hoá nông thôn được đẩy mạnh, nguồn vật liệu, chủ yếu là gỗ ngày càng khan hiếm, đắt đỏ nên đồng bào đã chuyển hướng sang xây dựng nhà theo kiến trúc của người Kinh. Ngay cả nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào Êđê cũng chỉ mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà sàn dài truyền thống và được đúc bằng bê tông, tường xây bằng gạch, cầu thang, cột nhà đều đổ bê tông; mặc dù vẫn đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt văn hóa nhưng lối kiến trúc, sắc thái, không gian văn hóa vốn có đã biến mất trong cách nhìn, cách nghĩ,… nên những ngôi nhà kiểu mới này không có hồn cốt của ngôi nhà sàn dài truyền thống bằng gỗ của đồng bào..

Với sự thay đổi về nhận thức xã hội, nên cấu trúc đại gia đình nhiều thế hệ sinh sống dưới cùng một mái nhà bị phá vỡ, thay vào đó là những gia đình nhỏ chỉ còn từ 2 đến 3 thế hệ sinh sống, bởi thế những ngôi nhà dài của người Êđê không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt hiện nay, nên ngôi nhà đơn giản, dễ xây dựng và thuận tiện trong sử dụng được phổ biến hơn. Trong khi phần lớn giới trẻ của đồng bào dân tộc Êđê bây giờ hướng đến những chiếc ti vi màn hình phẳng, đầu đĩa từ, dàn karaoke, bộ bàn ghế salon, giường, tủ hiện đại... do vậy chiếc ghế Kpan hầu như nằm lặng lẽ và phủ đầy bụi, nhiều đồ vật có giá trị văn hóa nằm lăn lóc trên sàn nhà lát gạch hoa - anh Y Phích Niê cho biết thêm.

Bên cạnh đó, còn có những vấn đề nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra lo lắng nữa đó là, nếu nhà sàn dài truyền thống sẽ mất đi thì các phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào Êđê như vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp, văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần, kể Khan, hát Aray và nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác nữa của cộng đồng cũng sẽ dần mất đi.

Cần lưu giữ và phát huy giá trị

Từ thực trạng cho thấy, để những giá trị về văn hóa nhà sàn dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê trong sự phát triển của xã hội hiện đại là việc làm cấp thiết. Do vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đề ra những giải pháp đồng bộ thiết thực và khả thi. Trong đó, cần chú trọng đến việc xây dựng các việc làm ngắn, dài hạn về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung. 

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các cơ quan hữu quan cần khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư phục dựng nguyên bản nhà sàn dài truyền thống để phục vụ du khách; đưa văn hóa dân tộc Êđê trở lại phục vụ cộng đồng để nâng cao ý thức tự giác của đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa.

Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về công tác bảo tồn, bảo tàng; nâng cao chính sách đãi ngộ đối với những người quản lý, khai thác di sản và đối với các nghệ nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ người bản địa có ý thức, tự hào, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình./.

Đức Thuận



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất