Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 23/8/2015 14:14'(GMT+7)

Nghiên cứu hướng tới xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam

Ngày 23/8, Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 2 “Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Australia…

Đây là dịp để các học giả trong và ngoài nước thảo luận những vấn đề cơ bản và thời sự của ngôn ngữ học Việt Nam trong 30 năm qua cũng như xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới với 277 bài tham luận, trong đó có 39 bài của các học giả nước ngoài, các học giả tập trung thảo luận về ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp; phương ngữ học, lịch sử tiếng Việt, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học ứng dụng.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, là công cụ tư duy của loài người. 

Ở các quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, việc thống nhất ngôn ngữ, đảm bảo cho các ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát triển cùng với tiếng Việt là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực tiễn cuộc sống đang đặt ra cho giới ngôn ngữ học nhiều vấn đề cần giải quyết. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngôn ngữ học Việt Nam là phải giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời phải quan tâm một cách thích đáng đến sự đa dạng của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, quyền của người dân tộc thiểu số được sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nhấn mạnh, trong 30 năm qua, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng có được sự hòa nhập với các trào lưu, các lý thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng được ghi nhận, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Các nhà ngôn ngữ học đã áp dụng cách tiếp cận mới, có thêm những góc nhìn mới để nghiên cứu những vấn đề rất thú vị của tiếng Việt, một ngôn ngữ được xem là điển hình cho loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái. 

Việc tiếp thu ngữ pháp chức năng hệ thống ở Việt Nam gắn với bản dịch công trình nổi tiếng của Halliday đã mở đường cho một loạt nghiên cứu về 3 siêu chức năng của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ học ứng dụng đã mở rộng mối quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục ngôn ngữ, ngôn ngữ học máy tính, dịch thuật, nghiên cứu về bệnh học ngôn ngữ và phục hồi chức năng ngôn ngữ. 

Việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và các tiếng nước ngoài cũng được hưởng lợi từ những cách tiếp cận mới này.

Hầu hết những nghiên cứu của ​ngôn ngữ học Việt Nam đều có những ứng dụng thiết thực trong đời sống xã hội và trong công tác đào tạo ngôn ngữ học. 

Trong 5 năm gần đây, Khoa Ngôn ngữ học của Học viện Khoa học xã hội đã trở thành trung tâm đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học hàng đầu trong nước, với hơn 100 nghiên cứu sinh ngôn ngữ học đang theo học ở nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau.

Viện ​Ngôn ngữ học đã có một chương trình nghiên cứu về thuật ngữ, giáo dục tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ trên báo viết, báo điện tử, phát thanh và truyền hình, ngôn ngữ ​ký hiệu… cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn hướng tới xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam./

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất