Thứ Hai, 23/9/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 25/2/2019 8:49'(GMT+7)

Viết tiếp hành trình Di sản Quan họ Bắc Ninh

Liền chị quan họ.

Liền chị quan họ.

Xứng danh di sản

Theo kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc, 369 làng Quan họ thực hành, 381 Câu lạc bộ Dân ca Quan họ, với trên 10.000 người ở các độ tuổi tham gia, trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy. Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài, hàng trăm câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, với lợi thế việc trên địa bàn toàn tỉnh có 547 lễ hội và được diễn ra trong cả năm, tập trung vào mùa xuân, hầu hết các lễ hội đều có các hoạt động mang đậm sinh hoạt văn hóa Quan họ…

Có thể thấy, sau 10 năm được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Quan họ Bắc Ninh thực sự lan tỏa, phát triển rộng khắp làng, xã, từng thôn xóm, góc phố, trở thành nét văn hóa đặc trưng bao trùm lên các lễ hội và sinh hoạt thường nhật của người dân. Cùng với đó, Quan họ cũng đã lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế. 

Để có được những thành công này, cũng phải ghi nhận sự quyết tâm từ các cấp trong việc thực hiện hai dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 1” (2010 – 2011) cùng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013 – 2020”. Trong đó, có hơn 102 tỷ đồng để tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân, đầu tư thiết chế văn hoá, truyền dạy cũng như quảng bá Quan họ. Đến nay, Quan họ đã phong tặng 71 nghệ nhân và 5 nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra là chính sách hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho các nghệ nhân, các làng và câu lạc bộ Quan họ. 

Bên cạnh đó, nhà chứa Quan họ vốn là thiết chế văn hoá đặc thù của người quan họ cũng đã được đầu tư với mức kinh phí từ 7 đến 8 tỷ đồng. Đây có thế nói là sự đầu tư chưa từng có, là niềm mơ ước của người quan họ xưa nay. Bốn công trình nhà chứa quan họ ở thị trấn Lim, Tiên Du, khu Đương Xá, Viêm Xá, Thị Cầu được bàn giao cho các làng Quan họ cổ. Chưa kể, Bắc Ninh hoàn thiện hai chòi Dân ca quan họ trong khuôn viên di tích đồi Lim phục vụ hoạt động giao lưu tại hội Lim hàng năm…

Thách thức thương mại hóa

Có thể thấy sức sống của di sản Quan họ sau từng năm đã có những sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên chính sự phát triển này cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho Quan họ trong thời kinh tế thị trường. Văn hóa công nghiệp với nhịp sống, lối sống nhanh, gấp và hội nhập quốc tế với các làn sóng ngoại lai đa chiều đã ảnh hưởng lớn đến sức sống của nền văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Quan họ nói riêng.

Theo PGS, TS. Nguyễn Thị Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa bày tỏ “Vấn đề thương mại hóa quan họ được bàn luận nhiều hơn cả xung quanh lễ hội Quan họ nổi tiếng nhất là hội Lim. Hát Quan họ trong hội Lim hiện nay đã không còn hình ảnh lãng mạn của các liền anh liền chị mong đợi đến ngày hội để được hát với nhau nữa mà được sắp xếp trên sân khấu lớn trên đồi gắn với lễ khai hội, mãn hội, sau đó từng câu lạc bộ quan họ được bố trí ngồi hát trong các lán hát trên thuyền tại các làng xung quanh đồi Lim và hát trong các nhà chứa trong làng…”. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng dẫn chứng việc hát Quan họ ở đâu cũng gắn với các loa phóng thanh, với các nhạc cụ hiện đại, gắn với thù lao, tiền thưởng, tiền ủng hộ… Các liền chị mời khách hát xong, khách thưởng tiền hoặc khách cũng trả tiền khi lấy những miếng trầu cánh. 

Ngoài ra, các sân khấu Quan họ, các lán, chòi hát quan họ trong hội Lim được đặt giữa không gian bị bao vây bởi rất nhiều hàng quán ăn uống tấp nập, nhiều hàng trò chơi có thưởng… tạo nên sự xô bồ, nhốn nháo, tính chất thị trường làm mất đi không gian trữ tình cần thiết của dân ca Quan họ trong lễ hội Lim truyền thống. 

Cùng với đó, nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng giống như nhiều di sản văn hóa khác Quan họ Bắc Ninh cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác truyền dạy. Việc truyền dạy Quan họ ở cộng đồng dù dược đẩy mạnh song chủ yếu là tự phát theo những tiêu chí, mục đích khác nhau, sự lỏng lẻo và thiếu bền vững hiện rõ trong môi trường truyền dạy này. Hơn nữa việc truyền dạy tại cộng đồng thường được thực hiện bởi các cụ nghệ nhân truyền dạy quan họ theo lối cổ nên thế hệ trẻ cũng khó học, khó hát và cần thời gian tập luyện lâu mà những điều đó đều khó với nhịp sống hiện đại của giới trẻ hiện nay khi sinh kế và công việc của họ đều thay đổi. 

Có thể thấy, trong bức tranh văn hóa của Bắc Ninh, Quan họ luôn có vị trí đặc biệt tạo nên bản sắc văn hóa, tạo nên thương hiệu cho cả vùng đất và con người nơi đây. Vinh danh dân ca Quan họ Bắc Ninh, UNESCO vinh danh một lối chơi, một tổng thể văn hóa, một sinh hoạt trữ tình đậm tính nhân văn và vì thế cần có những chiến lược và phương cách phù hợp, để khắc phục những bất cập dẫn tới nguy cơ làm biến dạng di sản dân ca Quan họ, làm cho Quan họ thiếu sức sống, thiếu sự bền vững; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản dân ca quan họ một cách hiệu quả, khoa học và bền vững.  

*  Tối 23/2, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Chương trình kỷ niệm 10 năm dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (2009 - 2019), với chủ đề “Rạng rỡ miền Quan họ”. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sau phần lễ trang trọng là chương trình nghệ thuật với chủ đề Rạng rỡ miền Quan họ với 3 chương: Chương 1: Dòng sông Quan họ; Chương 2: Làng Quan họ quê tôi;  Chương 3: Rạng rỡ miền Quan họ./.

Theo daidoanket.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất