Sự kiện có một không hai này cũng góp phần mở ra cánh cửa mới cho du lịch Việt Nam đón các dòng khách quốc tế từ nhiều thị trường tiềm năng.
CƠ HỘI QUẢNG BÁ HIỆU QUẢ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu khẳng định: Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 sắp diễn ra tại Hà Nội là sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tổng cục Du lịch xác định đây là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và điểm đến hấp dẫn thông qua báo chí quốc tế.
Sự kiện lần này sẽ giúp Việt Nam được biết đến với một vị thế mới, không chỉ là một điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, mà còn là một điểm đến vì hòa bình, đóng góp vào nền hòa bình thế giới. Hình ảnh, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút khách quốc tế đến nước ta sau này.
Đây thực sự là cơ hội quảng bá tại chỗ hiệu quả bởi sự kiện thu hút hàng ngàn phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí nổi tiếng thế giới tham dự. Do đó, ngành du lịch mong muốn những hình ảnh về điểm đến, thông tin, chia sẻ về dịch vụ, sản phẩm du lịch của Việt Nam sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới, vào các trang mạng xã hội, trang tin điện tử thu hút hàng tỷ lượt người theo dõi và truyền miệng tới đông đảo bạn bè, người thân của họ.
Trong những hội nghị quốc tế quan trọng trước đây mà Việt Nam đăng cai tổ chức, nhiều hình ảnh như: Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ buổi sáng bình dị quanh hồ Hoàn Kiếm dịp Hội nghị cấp cao APEC 14; Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả ở một quán bình dân trên phố Lê Văn Hưu, trò chuyện cởi mở với người bán nước chè tại chợ Mễ Trì... đã tạo được sức hút đặc biệt đối với du khách quốc tế. Đó là những câu chuyện sinh động về một Việt Nam an toàn và hiếu khách.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cũng khẳng định: Trong suốt thời gian trước, sau và cao điểm nhất là 2 ngày diễn ra Hội nghị, chắc chắn tên Việt Nam và hình ảnh Việt Nam sẽ được nhắc nhiều, liên tục trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Thậm chí sẽ có những hình ảnh được truyền hình trực tiếp từ Việt Nam đi toàn thế giới. Đây rõ ràng là cơ hội quý báu để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Đặc biệt, ngành du lịch nhân sự kiện này có thể tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Bình thường, các nước phải bỏ ra chi phí lớn để mời các đoàn phóng viên quốc tế, đặc biệt là các hãng truyền thông lớn, tên tuổi trên thế giới tham gia các chuyến khảo sát để viết tin, bài về du lịch.
Nhưng với Hội nghị lần này tổ chức ở nước ta, đã có hàng ngàn phóng viên quốc tế chủ động xin vào Việt Nam. Cộng với hàng tỉ người theo dõi sự kiện qua các phương tiện truyền thông, chắc chắn hiệu ứng quảng bá sẽ nhanh, mạnh, hiệu quả và không thể bỏ qua.
XÂY DỰNG HÌNH ẢNH ĐIỂM ĐẾN HÒA BÌNH, MẾN KHÁCH
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam chia sẻ: Đội ngũ báo chí theo dõi, đưa tin sự kiện sẽ là đối tượng tiếp cận của ngành du lịch, nhưng việc này phải phù hợp với công việc của họ.
Ví dụ như ngành du lịch có thể tổ chức các tour miễn phí, gợi ý về các điểm tham quan mà các nguyên thủ quốc gia thường đến thăm như Văn Miếu, chùa Trấn Quốc, Hồ Tây, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay những nơi các nguyên thủ từng đến và có trải nghiệm thú vị như các nhà hàng... Việc này giúp họ chủ động thu thập tư liệu về các điểm đến này để nếu cần sẽ có thông tin và hình ảnh đẹp cho bài viết…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nêu rõ: Để tận dụng tốt cơ hội lịch sử này, Tổng cục Du lịch đã làm việc với Bộ Ngoại giao, chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu (dữ liệu số, hình ảnh) để giới thiệu về du lịch Việt Nam; kết nối trang web quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam với trang đăng ký báo chí quốc tế của Bộ Ngoại giao.
Tổng cục Du lịch đã chuẩn bị nhiều đoạn clip quảng bá về du lịch Việt Nam như: “Việt Nam vẻ đẹp bất tận” dài 30 giây và 5 phút cùng 3 clip mới xây dựng về ẩm thực, di sản và biển để gửi tới các phóng viên báo chí quốc tế.
Ngoài ra, một không gian Việt Nam cũng được xây dựng trong khu vực báo chí tác nghiệp với những hình ảnh nhận diện về đất nước, con người Việt Nam, thông tin du lịch, điểm đến được yêu thích, hình ảnh đặc sắc của các vùng miền…
Tổng cục Du lịch xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, có thể ở ngay tại Hà Nội hoặc kết nối tới Ninh Bình, Hạ Long, Sa Pa để đáp ứng nhu cầu của các phóng viên báo chí quốc tế… qua đó quảng bá hiệu quả điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam.
Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với Hà Nội tăng cường thanh kiểm tra, chỉnh trang bộ mặt đô thị. Nhiều cơ sở tuyến phố được chỉnh trang tạo diện mạo mới, nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn cũng chuẩn bị sẵn sàng cung cấp dịch vụ mới…
Theo ông Hà Văn Siêu: Hình ảnh vận động viên Việt Nam giành Huy chương Vàng tại Olympic thế giới, cờ Việt Nam được kéo lên cùng với quốc ca vang lên trên đấu trường thể thao quốc tế có tầm ảnh hưởng, giá trị quảng bá rất lớn.
Với Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch kỳ vọng khách quốc tế sau khi đến Việt Nam đều có ấn tượng sâu đậm về một đất nước an toàn, mến khách, người dân nồng hậu, sẵn sàng đón tiếp du khách quốc tế đến trải nghiệm…
MỞ CÁNH CỬA CHO TƯƠNG LAI
Bà Phi Thị Thu Khuyên, Phó Trưởng phòng Tiếp thị - Truyền thông Công ty du lịch Vietrantour cho rằng: Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sự kiện này là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như một điểm đến phản ánh triển vọng hòa bình, an toàn và thịnh vượng.
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy truyền thông để lan tỏa, giới thiệu hình ảnh du lịch, ẩm thực, con người, di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội đến với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, các đơn vị chức năng cần hỗ trợ đơn vị lữ hành triển khai các sản phẩm tour tham quan Hà Nội kết hợp đến thăm các điểm mốc gắn với cuộc gặp gỡ lịch sử sau khi sự kiện kết thúc để khai thác lâu dài…
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam tin tưởng rằng, sau Hội nghị lần này ít nhất sẽ có có luồng khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam. Việc này cũng tương tự như hiệu ứng sau khi các bộ phim “Người tình”, “Đông Dương” ra mắt đã tạo hiệu ứng, thu hút khách du lịch Pháp.
Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường khách trọng điểm của du lịch tất cả các nước trên thế giới, với chi trả cao, lưu trú dài ngày. Các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia… đều có chính sách đặc biệt thu hút khách Hoa Kỳ như mở đường bay thẳng, miễn thị thực…
Ngoài khách du lịch từ Hoa Kỳ, sau Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai có thể còn thu hút thêm nhiều du khách từ Hàn Quốc.
Đón trước cơ hội này, ngoài việc chuẩn bị các sản phẩm du lịch có liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, kết nối với các điểm tham quan, điểm đến trong nước, Việt Nam cần có những chính sách ưu tiên khác.
Đầu tiên là mở đường bay thẳng với Hoa Kỳ, việc này không chỉ thu hút khách từ thị trường Hoa Kỳ, mà còn là thị trường Canada, Bắc Mỹ - thị trường khổng lồ, có du khách quanh năm. Hội đồng tư vấn du lịch đã gửi thư cho Thủ tướng, đề xuất việc mở rộng các sân bay quốc tế đang đạt ngưỡng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất…
Hiện tại Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng khá tốt, đã có nhiều tập đoàn quản lý khách sạn của Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam và thiết lập được những tiêu chuẩn dịch vụ cho thị trường này. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành du lịch là phải nâng cấp chất lượng ở các điểm đến; tiếp tục duy trì và áp dụng nhiều chính sách tốt, trong đó có visa…
Với Hà Nội và Đà Nẵng là những địa điểm đã tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế, hội tụ được nhiều nhà lãnh đạo, nguyên thủ thế giới, nên khai thác khả năng phát triển du lịch MICE. Loại hình này không chỉ thu hút khách đến dự hội nghị, du lịch truyền thống, mà còn thu hút doanh nhân - mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư kinh tế, đem lại nguồn lợi lâu dài.
Thanh Giang/TTXVN