Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 26/11/2009 21:43'(GMT+7)

Nhà văn Bá Dũng với tiểu thuyết "Muôn nẻo đường đời"

Ấn tượng qua những trang văn của Bá Dũng vẫn là hình ảnh, con người vùng quê xứ Nghệ chân thật, lầm lũi đi qua chiến tranh. Nghèo khó nhưng tốt bụng, giàu ý chí cách mạng. Một giọng văn kể chuyện rủ rỉ, không chau chuốt kỹ lưỡng. Lần tôi gặp ông năm ấy, trong bữa cơm chiều của nhà khách, ông tặng tôi cuốn sách “Một đời khát vọng”, ông viết từ những năm 1979 - 1980. Sách ông vẫn ra đều, mặc dù công việc của một anh cán bộ đảng bận rộn, vất vả với những cuộc họp triền miên đêm ngày. Nhưng phải hơn chục năm sau, tôi mới có dịp đọc trọn vẹn “Muôn nẻo đường đời” (tiểu thuyết) do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tôi hơi bất ngờ khi chủ đề văn xuôi của Bá Dũng “nay đã khác xưa”. Ông hăm hở đi vào đề tài chống tiêu cực. Không biết có phải nhờ những năm tháng làm cán bộ lãnh đạo, quản lý đã giúp cho nhà văn nhận diện ra những nhân vật tiểu thuyết có một màu sắc mới. Đã qua lâu rồi văn xuôi Việt nam các hình tượng văn học luôn gắn liền với thành phần giai cấp công - nông - binh giữ vai trò then chốt trong tác phẩm. Cũng đã qua lâu rồi những tính cách nhân vật chỉ được một số nhà văn khuôn tròn trong những phạm trù tư tưởng, đạo đức bị bó hẹp giữa hai làn ranh tốt - xấu, công – tư cá nhân - tập thể, tích cực - tiêu cực, văn hóa - phản văn hóa. Cuộc sống thời bình cùng với những tác động của nền kinh tế thị trường, giúp cho nhà văn có một cái nhìn thoáng đạt, dò vào được đáy sâu trong tâm hồn con người mà trong cuộc sống ngày thường, có khi được giấu kín; hoặc không có điều kiện bộc lộ khi quyền lực và đồng tiền chưa có điều kiện thao túng.

Với 270 trang sách, có hàng chục nhân vật, nhưng cuốn tiểu thuyết của Bá Dũng dã tạo dựng ra được một số nhân vật đáng nhớ. Nhân vật Cao Hà - Chủ tịch tỉnh được Bá dũng dày công nghiên cứu, xây dựng. Gọi đây là loại nhân vật, tiêu biểu cho một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, có học thức, có quá trình, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhưng bị đồng tiền, lợi ích cá nhân cám dỗ cũng được, Nhưng để làm hỏng phẩm chất cán bộ, đảng viên lại được cả một đảng bộ và nhân dân tin cậy không phải là dễ dàng mà phải có những chất xúc tác. Đúng như quy luật của xã hội: có người bị lợi dụng chức quyền mua chuộc, ắt phải có kẻ đi mua chuộc. Phan Thế - một giám đốc doanh nghiệp chính là chất xúc tác, là kẻ mua chuộc bằng những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cùng những khó khăn của đất nước thời kỳ đầu của đổi mới để làm giàu bất chính. Với chiêu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá “có có không không”, “hàng đổi hàng” cùng với những kẻ “làm việc nhà nước, tiếp tay cho gian thương” mà Phan Thế kiềm lời. Những mảnh vụn của đời sống đút lót tiền (hàng ngàn, hàng vạn đô la) cho vào chai rượu bức xúc chỉ là những trò vặt vãnh của những kẻ xấu lợi dụng những người có chức quyền để trục lợi. Còn đó là Ngọc Châu, Mỹ Liên - những kẻ đi khai thác đá đỏ… Cả quá trình hình thành và phát triển tính cách nhân vật Cao Hà và những nhân vật tiêu biểu cho cái xấu xa, đê tiện là sự phản ánh một khía cạnh của đời sống hiện nay đang bị xã hội và những người có lương tâm lên án. Cùng với Cao Hà còn có Thuỷ, vợ ông ta. Chỉ là một cô giáo bình thường nhưng cũng biết dựa vào thế lực của chồng đi trục lợi.

Sự phản ứng đầu tiên trước những việc làm sai trái của Cao Hà lại chính là người em ruột của ông, Cao Thứ - một nhà khoa học, “tự khẳng định chỗ đứng của mình bằng tài năng và uy tín của mình”. Sự phản ứng này đến mức Cao Thứ định đi khỏi nhà và mang theo những đứa cháu sợ chúng bị “lây nhiễm” căn bệnh của cha.

Tuyến nhân vật thứ 2 trong “Muôn nẻo đường đời” đươc nhà văn Bá Dũng công phu xây dựng. Người thứ nhất là Trần Tư, một nhà khoa học, giám đốc của Sở Công nghiệp. Ông là một người cán bộ thẳng thắn, liêm khiết, hết lòng vì sự phát triển của quê hương. Thực hiện mục tiên “Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá” của Đảng trên địa bàn tỉnh, ông và những cộng sự có cả một đề án để phát triển kinh tế. Những đề án của Trần Tư đã bị vị Chủ tịch tỉnh phủ quyết. Bài học về “duy ý chí”, độc đoán, chuyên quyền - của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà nhiều nhận định, đánh giá của Đảng về công tác quản lý hiện nay, đã được Bá Dũng hình tượng hoá bằng những nhân vật cụ thể, có da có thịt, có đời sống tâm lý nội tại, có hoàn cảnh cụ thể chi phối. Kết cục là Trần Tư phải nghỉ việc, đi vào rừng trồng cây, sống một cuộc đời thanh sạch.

Một nhân vật nữa cũng được Bá Dũng yêu quý là ông Tơợng - một người coi rừng. Từ một người nông dân nghèo khổ, vào bộ đội, giỏi võ… Đã có lúc làm tới cán bộ huyện. Nhưng cuộc đời Tơợng là một chuỗi dài bi kịch. Tơợng đã là anh lính vệ quốc đoàn tham gia đánh Pháp. Chỉ vì người vợ ở nhà nhẹ dạ cả tin đã bị một anh cán bộ địa phương gạ gẫm, gạt tình, Tơợng đã không kìm giữ được nện cho anh cán bộ kia một trận. Trận đòn thù thứ hai là Tơợng nện một anh cán bộ huyện về chỉ đạo sản xuất tại làng, hám gái. Và cũng 2 lần Tơợng chống lệnh cấp trên. Lần thứ nhất là làm cho một anh cán bộ tỉnh về làng chỉ đạo phấn đấu “đạt triệu hai tấn lương thực” ở một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Bằng lối chơi chữ điệu nghệ của người miền Trung “triệu hai là trại hươu”, kết cục Tơợng bị kiểm điểm, đình chỉ công tác. Và lần thứ hai, Tơợng đã dám chống lại cả một nghị quyết, trở thành ý chí cho cả một vùng quê “Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn” (!).

Nhưng cũng chính “anh lính vệ quốc đoàn - anh lính cụ Hồ” năm xưa trong Tơợng đã đứng vững giữa hai làn đạn trong những cuộc tranh chấp đất đai của dân làng để giải hoà và đoàn kết lại lòng dân.

Cái đẹp và cái xấu. Chuyện vui và chuyện buồn. Cuộc sống trần tục hôm nay cứ xen cài với ánh hào quang quá khứ luôn được Bá Dũng kể bằng một giọng văn hiền lành trong suốt chiều dài cuốn sách. Nhưng cũng chính vì lối kể chuyện đơn điệu ấy khiến cho các nhân vật trong tiểu thuyết “Muôn nẻo đường đời” cứ bàn bạc. Nhiều chương, giá ông dựng nhân vật, mô tả nhân vật, chuyện sẽ hay và sinh động hơn nhiều.

Dù sao “Muôn nẻo đường đời” cũng là một cuốn tiểu thuyết được nhiều người quan tâm bởi nhà văn Bá Dũng đã dám đi thẳng vào một mảng hiện thực xã hội mà nhiều ngòi bút còn né tránh, hoặc phản ánh hời hợt. Cuốn sách như một tiếng chuông cảnh báo cuộc đấu tranh đang diễn ra rất quyết liệt hiện nay trong nội bộ Đảng, trong các cơ quan nhà nước trong xã hội, trong cuộc đấu tranh sinh tử để khẳng định cái mới, các giá trị chân chính của con người. Bá Dũng cũng đã dành nhiều tâm sức xây dựng các mâu thuẫn nội tại này, nhưng cuộc chiến đấu chưa ngã ngũ.

Đúng như Bá Dũng nhận xét “Chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông. Chính trường là nơi tiêu hao nhiều sinh lực lắm!”. Phải cả một đời làm người cán bộ của Đảng, trải qua biết bao vui buồn, hẳn ông thấm thía lắm mới nhận xét vậy. Đọc tiểu thuyết của ông, tôi cứ có cảm giác như đã từng nghe chuyện này, chuyện kia ở đâu đó đang lẩn khuất giữa các làng quê miền Trung dằng dặc. Nghe cứ ngỡ như chuyện đã xa lắc, xa lơ nhưng kỳ thực mới chỉ mưoi, hai mươi năm trước. Nghe buồn xót xa, những lại đang là sự thật đời ta đang sống và nếm trải.

Bài viết này như là một nén nhang tưởng nhớ ông - Nhà văn Bá Dũng.

  • Đỗ Kim Cuông
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất