Thứ Ba, 19/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 6/10/2015 11:32'(GMT+7)

Nhà văn Vũ Hạnh 90 năm - nhà văn, chiến sĩ đầy tâm huyết với cách mạng

Hội Nhà văn TPHCM chúc mừng lần thứ 90 ngày sinh nhà văn Vũ Hạnh. (nhà văn đứng thứ 2 từ trái qua)

Hội Nhà văn TPHCM chúc mừng lần thứ 90 ngày sinh nhà văn Vũ Hạnh. (nhà văn đứng thứ 2 từ trái qua)

Đến dự có PGSTS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật TPHCM, cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật của Thành phố.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình Nho học giàu có (ông là cháu ngoại của Tiến sĩ Phan Quang - một trong "Ngũ phụng tề phi" ở đất Quảng Nam), ở quê ông thời đó lưu truyền câu ca "Ngồi buồn nói chuyện sang đàng/ Ngó xuống chợ Được thấy ông Tú Lang làm giàu". Ông Tú Lang là thân sinh nhà văn Vũ Hạnh. Nhưng khi Vũ Hạnh lớn lên, gia đình đã khánh kiệt, ông phải bươn chải kiếm sống và lo thuốc thang cho người cha bị lao phổi, cuộc sống rày đây, mai đó... của kiếp sống dân nghèo từ vùng đất Quảng Nam.   

Sau khi học xong tú tài đôi ở TP.Huế, ông tham gia trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, rồi tham gia đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V. Sau Hiệp định Genève 1954, do trong hoạt động đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất nên ông bị kẻ địch bắt ở miền Trung.

Cuối năm 1956, ông được trả tự do, trốn vào Sài Gòn dạy học tư, tìm cách liên lạc với cơ sở cách mạng. Ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút với bút danh Vũ Hạnh. Năm 1960, ông gia nhập Hội Nhà báo yêu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với bút danh Hoàng Thanh Kỳ. Năm 1966, ông là Tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc - tổ chức của giới trí thức yêu nước, tiến bộ ở miền Nam. Từ đây, ngay trong lòng Sài Gòn, ông đã được tổ chức giao là chiến sĩ cách mạng hoạt động công khai đơn tuyến ngay trong lòng địch. Thỉnh thoảng ông phải vào mật khu báo cáo và nhận chỉ thị cấp trên. Ông đã bị địch bắt giam tổng cộng 5 lần và cả 5 lần đó ông luôn giữ vững khí tiết với Đảng, với cách mạng.

Trong lần bị bắt đầu tiên kể từ lúc vào Sài Gòn hoạt động cách mạng, ông đã được Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Tỉnh trưởng Kiến Hòa can thiệp để ông sớm được trả tự do. Hồi đó nhà văn Vũ Hạnh không được biết Đại tá Phạm Ngọc Thảo là điệp viên chiến lược của lưới tình báo cách mạng hoạt động trong lòng địch ở miền Nam. Vào năm 1969, nhà văn Vũ Hạnh nhận được chỉ thị về mật khu để kết nạp Đảng, sau đó sẽ giữ chức Bộ trưởng Bộ VHTT của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thế nhưng một ngày trước khi ra mật khu, nhà văn Vũ Hạnh đã bị địch bắt ngay trên đường công tác. Sau ngày đất nước thống nhất, từ 10 năm, 1975 - 1985 ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP HCM, Uỷ viên thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2007.

Trong lễ mừng thọ 90 tuổi của ông, do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tặng nhà văn Vũ Hạnh  vào cuối tháng 7-2015 vừa rồi, đã nhắc đến chặng đường Chín mươi mùa xuân - Một chặng đường bút mực:  Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác/Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng/Chín mươi mùa xuân - Một chặng đường bút mực/ Chất ngọc dâng đời giá trị sống của cha ông”.

Nhà văn Vũ Hạnh có nhiều tác phẩm có giá trị ngoài những tên sách như trong ý 4 câu thơ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tặng ông, như: Mùa xuân trên đỉnh non cao, Cô gái Xà Niêng… và đặc biệt là Người Việt cao quý của ông, đến nay đã tái bản hơn 50 lần ra mắt công chúng bạn bè trong, ngoài nước đều đánh giá cao. Các tác phẩm trước đó như truyện dài Lửa rừng (1960), các tập truyện ngắn Vượt thác (1963), Chất ngọc (1964), rồi một loạt tác phẩm sau này như truyện vừa Ngôi trường đi xuống (1966), các truyện dài Cú đấm, Người chồng thời đại (1972), Con chó hào hùng (1973) và tiểu thuyết Cô gái xà niêng (1973)... đặc biệt là Bút máu (1958) và Đọc lại Truyện Kiều (1966), đều đã gây được sự chú ý trong cả giới văn nghệ, trí thức và công chúng cả nước ta. Những sáng tác đó là sự khắc họa chân thực về những vùng đất của đất nước- con người mà ông đã trải qua. 

Nhìn lại sự nghiệp phong phú và đầy sôi động từ trong kháng chiến, chúng ta thấy Vũ Hạnh không chỉ là nhà văn mà còn là nhà hoạt động văn hóa và xã hội tiêu biểu. Ông suốt đời chung thủy với con đường lý tưởng mà mình đã chọn: yêu nước, thương dân, sẵn sàng dấn thân cả cuộc đời mình vì lẽ phải và sự công bằng xã hội mà một nhà văn không được từ bỏ chính kiến.

Cũng trong ngày 05/10, Tuyển tập “Vũ Hạnh - đời văn, chiến sĩ” do Nhà Xuất bản TPHCM ra mắt phục vụ độc giả.  Tập 1 của Tuyển tập với độ dài gần 600 trang chia làm 3 phần: Hồi ký (3 tác phẩm – tiêu biểu là Một chặng đường bút mực); Truyện ngắn (32 tác phẩm – độc đáo với Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác…); Kịch (2 tác phẩm – Người nữ tỳ; Đôi mắt dịu hiền).

Tập 2 của Tuyển tập hơn 800 trang gồm các phần: Truyện dài (4 tác phẩm – điển hình là Cô gái Xà Niêng); Tiểu luận – phê bình (18 tác phẩm - mang tính chiến đấu mạnh mẽ và tính nhân văn sâu sắc với Người Việt cao quý; Văn hóa và mạo hóa; các bài bình luận tác phẩm, tác giả văn học như: Truyện Kiều – Nguyễn Du; Tú Xương, Nhất Linh, Khái Hưng…); Các bài báo về tác phẩm và tác giả Vũ Hạnh (19 bài) là những tác phảm được đánh giá cao đã đưa Vũ Hạnh đến với đông đảo độc giả trong và ngoài nước. 

Ở vào tuổi 90, sống qua bao cơn biến động của vùng đất miền Trung từ thuở nhỏ, rồi vào căn cứ tham gia kháng chiến, hiện nay trong Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Vũ Hạnh là một nhà văn cao tuổi,  một nhân chứng sống đã từng trãi qua nhiều thăng trầm trong lịch sử của dân tộc. Kính chúc nhà văn luôn có sức khỏe dồi dào, thượng thọ và mãi dồi dào bút lực một nhà văn từng trãi qua nhiều chiến trường, luôn sống cùng nhân dân./.        
                               
Phạm Hà Tĩnh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất