Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 17/6/2010 16:36'(GMT+7)

Phóng viên văn nghệ - những bất cập

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Báo chí hiện nay đang nở rộ. Văn nghệ luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong các thể loại báo chí. Không kể những tờ chuyên về văn nghệ như Văn nghệ (Hội nhà văn VN), Văn nghệ quân đội (Bộ quốc phòng), Văn nghệ công an (Bộ công an), Văn nghệ công nhân (Liên đoàn lao động Viêt Nam), và nhiều tờ văn nghệ của các tỉnh thành phố, hầu như trên mọi tờ báo đều có trang văn nghệ. Phần này, dù đối với những tờ báo chính trị-xã hội hoặc chuyên ngành khác, chỉ là “dấm ớt”, “gia vị” nhưng đã góp phần hấp dẫn người đọc.

Tuy nhiên, không ít những người tạo nên trang báo này - những phóng viên, biên tập viên - nhất là ở các báo không chuyên về văn nghệ đã tỏ ra còn nhiều bất cập về tri thức văn nghệ, trình độ thẩm mỹ, khả năng cảm thụ, cả những hiểu biết về đời sống văn nghệ. Phần đông đội ngũ cán bộ biên tập, phóng viên trẻ hiện nay được đào tạo ở các “lò” thuần tuý báo chí (Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Khoa báo chí-Trường Đại học quốc gia Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) và chưa được trang bị tốt nhất kiến thức về văn học-nghệ thuật. Họ thực hiện những bài báo về lĩnh vực này thuần tuý chỉ là sự ưa thích hoặc theo yêu cầu của toà soạn.

Bộ môn nghệ thuật nào cũng cần những kiến thức về chuyên môn riêng. Nếu không học, không tìm hiểu, không thể nắm bắt. Bất cứ ai, chỉ cần có chút khả năng cảm thụ cũng có thể phán xét nhận định về một cuốn tiểu thuyết, tập truyện, tập thơ. Nhưng để làm việc đó với một bản nhạc, bức tranh, vở kịch, bộ phim, bức ảnh, điệu múa thì không đơn giản, mà chí ít đòi hỏi người cảm thụ, người viết phải có chút kiến thức tối thiểu về ngôn ngữ của những chủng loại nghệ thuật trên. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bất cứ nhạc sĩ, hoạ sĩ hay người nghệ sĩ nào cũng có thể cầm bút viết báo về văn nghệ, vì lại còn phải biết nghề làm báo, khả năng chữ nghĩa diễn đạt bằng văn tự.

Do một phần đội ngũ các phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) hiện nay chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về văn nghệ, cộng với không chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu... là nguyên nhân khiến không ít trang viết, bài viết về văn nghệ tỏ ra kém hiệu quả. Hoặc là thông tin sai lệch, hoặc là nắm bắt nông cạn hời hợt giá trị các tác phẩm, tác giả, hoặc như “ếch ngồi đáy giếng”...

Khá phổ biến một thực trạng: Nhiều PV, BTV chỉ chạy theo trào lưu, dư luận, hễ thấy đám công chúng trẻ tuổi để ý tán thưởng diễn viên, nghệ sĩ, chương trình nào là “đổ xô” vào thực hiện bài vở dưới nhiều hình thức, từ giới thiệu chân dung, phỏng vấn đến bình luận… mà không cần biết rằng đối tượng được đề cập thực chất có xứng đáng, có giá trị không, hay chỉ là đáp ứng sự bồng bột, hiếu kì của một bộ phận công chúng trẻ tuổi có gu thẩm mỹ không cao. Nhiều khi sự “hâm mộ” theo trào lưu lại còn bị méo mó về nhận thức, đi ngược lại những giá trị đích thực.

Ngược lại, nhiều tác giả, tác phẩm đích thực, có giá trị nhiều khi lại bị “bỏ quên”, không được PV, BTV để tâm, bởi vì họ không tìm hiểu, không biết và không thấy “nổi”. Có những nhạc sĩ có rất nhiều bài hát nổi tiếng trong quá khứ, được nhiều thế hệ công chúng ưa thích, nhưng rất lâu rồi không còn được nhắc đến hay giới thiệu trên bất cứ một tờ báo, tạp chí hoặc làn sóng phát thanh, truyền hình nào. Trong khi đó có bạn trẻ chỉ là một người chơi đàn, sáng tác dăm bảy bài hát có vẻ là lạ, do một giọng hát cũng như vậy cố ý uốn éo thể hiện, được một số người nghe trẻ tuổi thích thú (chủ yếu do hiếu kỳ chứ không phải những bài hát đó mang một giá trị to lớn). Vậy mà lại có rất nhiều người viết đã đua nhau phỏng vấn “bốc” lên, “lăng xê” ảnh to tướng lên trang bìa cứ như đó là một ngôi sao, một thiên tài trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Rốt cuộc đã dẫn đến sự ngộ nhận cho đọc giả và sự tự huyễn hoặc của bạn trẻ kia.

Không ít văn nghệ sĩ phàn nàn: Họ viết về tôi mà chẳng hiểu gì về sự nghiệp, về tác phẩm của tôi. NSND Đào Mộng Long - một cây đại thụ trong ngành sân khấu kể rằng: Có bạn nhà báo trẻ đến phỏng vấn ông và rất vô tư đặt câu hỏi: “Bác là tác giả, đạo diễn hay là diễn viên? Bác đóng những vai gì?”. Trong trường hợp đó, chính người được phỏng vấn lại cảm thấy xấu hổ và ái ngại thay cho bạn nhà báo trẻ chuyên viết về văn hoá-văn nghệ kia. Một nhạc sĩ rất nổi tiếng cũng khôi hài rằng: Có bài báo biểu dương nhiệt tình một vài thành tích trong hoạt của tôi mà chẳng đề cập gì đến tác phẩm. Đơn giản là tác giả bài báo ấy không rõ tôi là tác giả của những bài hát nào!

Không ít bài báo bàn về các loại hình văn nghệ mang tính chất lý luận phê bình nhưng tác giả lại không có một chút kiến thức nào về vấn đề này, điều đó được thể hiện rõ qua rất nhiều những lỗ hổng, sai sót về kiến thức trong bài viết. Cái đáng khen thì bị bỏ qua, cái đáng chê, đáng loại bỏ thì lại tôn vinh. Nhiều khi tác giả đưa ra những nhận định chủ quan, gây nên sự lẫn lộn và gây “nhiễu” cho độc giả.

Ở những thời điểm diễn ra một vài hoạt động văn hoá nghệ thuật như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, hội diễn, những đêm nhạc, ga-la, Sao mai điểm hẹn, Bài hát Việt... đặc biệt là trên truyền hình, qua phần văn nghệ của các tờ báo, người ta có cảm giác đời sống tinh thần cuả xã hội chỉ có thế, ngoài ra không có gì hơn. Đề cao quá mức, phản ánh thiếu xác thực, nhất là việc tôn vinh những “sao” đã khiến những trang báo vô tình trở thành một công cụ tuyên truyền không công cho những nhà tổ chức tài trợ, mà ít bổ ích đối với số đông người đọc.

Cần thấy rõ, tuy nói các trang văn nghệ trên báo chí chỉ là “dấm ớt” - giúp việc thư giãn giải trí cho độc giả, nhưng không thể vô tư “tặc lưỡi” cho rằng, điều đó không phương hại đến việc nâng cao dân trí. Bởi vậy, rất cần chú trọng đến chất lượng những chuyên trang, chuyên mục này nếu đã mở nó ra, gắn liền với đó là việc kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản để đội ngũ PV, BTV vừa tinh thông nghề báo lại am hiểu về các chủng loại, kiến thức văn nghệ. Việc này mỗi cơ quan báo chí hoàn toàn có thể chủ động thực hiện và khắc phục bằng cách cử cán bộ PV, BTV phụ trách lĩnh vực này đi dự những lớp bồi dưỡng mang tính chuyên đề hoặc tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Tuy nhiên, ngoài những bài viết về lĩnh vực văn nghệ với yêu cầu, mức độ “vừa phải”, thì những bài mang tính nghiên cứu, phê bình chuyên sâu, cần sự nhìn nhận phân tích sắc sảo... vẫn cần phải “nhờ cậy” ở những nhà chuyên môn có tên tuổi, uy tín.

Văn nghệ trên báo chí - Một nội dung không thể coi nhẹ./.

Lê Trí - Đình Nguyễn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất