Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 14/12/2010 21:14'(GMT+7)

Khởi động Dự án đối phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu

Dự hội thảo có PGS.TS Thái Thành Lượm, Giám đốc Sở TN-MT Kiên Giang; Tiến sĩ Peter MacKay, Chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu, Cố vấn Trưởng SKM và ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (ảnh).

Đây là phần đầu tiên (phần A) của hai phần hỗ trợ kỹ thuật (Technical Assistance) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Nhiệm vụ của phần hỗ trợ kỹ thuật này là xác định các điều kiện khí hậu trong tương lai ở ĐBSCL. Đánh giá hiệu quả của các kịch bản khí hậu trong tương lai đối với các hệ thống tự nhiên, xã hội và kinh tế ở khu vực ĐBSCL thông qua lập mô hình đánh giá tổng hợp (IAM) cho các lĩnh vực mục tiêu tại hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Các lĩnh vực mục tiêu nghiên cứu tác động BĐKH là năng lượng và công nghiệp; giao thông vận tải và quy hoạch đô thị; đặc biệt là nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

PGS.TS Thái Thành Lượm cho biết, tại Việt Nam trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,50 – 0,70C, mực nước biển đã dâng cao 20cm. BĐKH đã và đang gây thiệt hại ngày càng khốc liệt. Theo kịch bản BĐKH dự báo, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam sẽ tăng 0,4 – 0,50C, tổng lượng mưa và lượng mưa mùa mưa tăng, lượng mưa mùa khô giảm, mực nước biển dâng 3mm/năm so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999.

Tại Kiên Giang, từ năm 1975 – 2007, nhiệt độ bình quân hàng năm tăng 0,60C. Nếu nước biển dâng cao hơn mực thuỷ chuẩn 0,5m thì có hơn 50% diện tích đồng bằng của Kiên Giang bị chìm, dâng cao hơn 1m thì có tới 66% diện tích đồng bằng bị chìm.

Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp đối phó và thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL nói chung, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nói riêng. Các giải pháp trước mắt của tỉnh Kiên Giang là đầu tư xây dựng dự án quan trắc, cảnh báo sớm đối với BĐKH và nước biển dâng. Đầu tư hệ thống đê bao và dự án đập ngăn nước biển (tỉnh Kiên Giang có tới 71 cửa). Đồng thời, xây dựng dự án tiêu thoát nước cục bộ và các trạm bơm dọc 200km bờ biển của tỉnh. Xây dựng hệ thống đai rừng ngập mặn rộng tối thiểu 50m để ngăn sóng biển và nước biển dâng. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu triển khai xây dựng mô hình làng sống chung với nước biển dâng, nghiên cứu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái mới khi có sự thay đổi môi trường sống.

Dự kiến, dự án sẽ đưa ra báo cáo đánh giá rủi ro cuối cùng vào cuối tháng 8/2011./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất