Thứ Sáu, 27/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 15/12/2010 21:26'(GMT+7)

Lần đầu tiên Mỹ giúp Việt Nam đánh giá đập thủy điện

Đây là cuộc trao đổi của Pv báo Khoa học & Đời sống với GS. TSKH Nguyễn Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển bền vững nguồn nước Việt Nam nhân việc Mỹ tuyên bố giúp Việt Nam đánh giá tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong.

Sẽ nhận cả sự giúp đỡ về tinh thần

Mới đây, Mỹ đã tuyên bố sẽ giúp Việt Nam đánh giá tác động của thủy điện trên sông Mekong. Ông nghĩ sao về việc này?

Sông Mekong là sông lớn ở Châu Á, chảy qua 6 nước, cũng là 1 trong những con sông lớn trên thế giới, vai trò quan trọng trong việc cân bằng an ninh lương thực thế giới, nhất là khi Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2.

Cũng như con sông khác, sông Mekong có nhiều vấn đề về thiên nhiên, dòng chảy, vấn đề về môi trường văn hóa, thu hút sự chú ý của các giới có liên quan trên thế giới.

Sự tham gia của quốc tế nói chung và của Mỹ nói riêng trong việc phát triển bền vững sông Mekong là điều rất hoan nghênh và là điều tốt cho chúng ta.

Mỹ là nước có trình độ khoa học phát triển cao, đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm. Việt Nam có thể trao đổi nhân sự giúp đỡ cả về tinh thần vật chất cũng như công nghệ.

Từ trước tới nay, những tác động tác động trên sông Mekong đã được đánh giá như thế nào?

Theo thông tin mới nhất, một số đập trên dòng chính sông Mekong đoạn qua Lào đang được xúc tiến xây dựng. Việc đánh giá tác động trên lưu vực sông này do Ủy hội sông MeKong quốc tế thực hiện. Còn ở từng nước, Ủy ban các sông Quốc gia có trách nhiệm đánh giá tác động.
Đây có phải lần đầu tiên Việt Nam và Mỹ có ký kết về những vấn đề liên quan tới  việc xây  dựng các đập thủy điện trên sông Mekong?

Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên. Trước đây và bây giờ thường các nước chỉ trao đổi ở mức độ thấp hơn giữa các nước trên lưu vực sông.

Nước nào là nước có lợi nhất khi nước khác xây đập thủy điện, thưa ông?


Lào là nước chủ nhà có nguồn lợi rất lớn về thủy điện. Thái Lan sẽ mua được nhiều điện. Việt Nam được rất ít so với tỷ lệ chung về hưởng lợi của các nước. Thực tế nguồn thủy điện của nước ta chưa hưởng lợi ích hay tác động tiêu cực gì từ việc xây đập thủy điện trên sông Mekong. Ngay cả Lào, Việt Nam cũng chưa lấy được điện từ Lào, mà Lào chủ yếu bán điện sang Thái Lan.

Việt Nam nên kỳ vọng như thế nào vào sự giúp đỡ của Mỹ lần này?


Tất nhiên chúng ta nên đặt kỳ vọng vào hợp tác này. Nhưng để có kết quả cần có thời gian, phụ thuộc vào động thái của cả hai bên Việt Nam và Mỹ, những kế hoạch tiến triển trong công việc mới có thể biết kết quả như thế nào.

Mặt khác, sự hợp tác trên lưu vực sông Mekong cần đặt trong tổng thể với các nước và với nhiều vấn đề khác. Chúng ta chưa thể khẳng định kết quả khi mới chỉ có những ký kết.

Đập ở Hạ Lào có thể ảnh hưởng lớn tới Việt Nam


Ông có thể cho biết, ảnh hưởng của việc xây đập trên sông Mekong tới Việt Nam như thế nào, đặc biệt là sau khi Lào và Campuchia đang rục rịch xây đập trên sông Mekong?


Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào vị trí đập trên lãnh thổ nước nào. Cụ thể, xây dựng đập Trung Quốc ảnh hưởng đến Thái Lan nhiều nhất, nếu xây đập ở Lào thì Campuchia lại là nước chịu ảnh hưởng nhất. Còn tác động của đập bên Trung Quốc thì trước mắt là Thái Lan và Lào chịu ảnh hưởng.

Những đập ở Hạ Lào và những biến động sau này nếu có ở Campuchia ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, nhất là tác động lớn ở Biển Hồ rất nguy hiểm. Do đó cần sự hợp tác giữa các bên để tận dụng tốt nhất nguồn thủy năng trên hệ thống sông Mekong.
Ngoài sự giúp đỡ của các nước, bản thân các nước trên lưu vực sông nên làm gì để hạn chế tác động tiêu cực?

Sông Mekong là tài sản chung của tất cả các nước trên lưu vực. Do đó, các nước cần cùng nhau hợp tác mới có sự bền vững lâu dài, không nên vì lợi ích cục bộ của bất kỳ nước nào mà ảnh hưởng đến nước khác. Thậm chí nếu gây thiệt hại cho các nước khác cũng sẽ tổn thất cho chính mình.

Tại Việt Nam, hiện Tổng cục Thủy lợi mới đưa ra ý tưởng độc đáo, mạnh dạn, có khả thi. Đó là ý tưởng làm đê biển nối từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến Gò Công. Dự án này có mục tiêu chống lũ lụt và ngập úng cho toàn vùng TP.HCM trước mắt và lâu dài, tăng cường khả năng thoát lũ, chống ngập úng, chống xâm ngập mặn cho TP.HCM và vùng đô thị mới trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.... Đây là một biện pháp tích cực chủ động đối phó với diễn biến trên thượng nguồn; nước biển dâng và Biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, hợp tác song phương của các nước nên đặt trong hợp tác tổng thể, quan hệ qua lại, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau.

Theo Khoa học & Đời sống



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất