Thứ Ba, 3/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 13/12/2013 9:31'(GMT+7)

Nhân quyền vì sự phát triển của các dân tộc thiểu số

Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hình thành, phát triển và tạo dựng nên một đất nước thống nhất gồm 54 dân tộc. Các dân tộc thiểu số Việt Nam phân bố từ miền bắc đến miền nam, phần lớn sinh sống ở miền núi, cư trú xen kẽ, không có dân tộc nào hoàn toàn tách riêng theo vùng địa lý. Ðiều này đã làm cho sự hòa hợp trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc, dù đa số hay thiểu số, hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Từ ngày đất nước độc lập, thống nhất, nhất là trong thời kỳ Ðổi mới, đồng bào các dân tộc thiểu số không những đã được quan tâm phát triển đời sống vật chất, tinh thần mà từng bước được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng nơi cư trú được xây dựng,. Ðiều này có được là do Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm cơ bản đối với công tác dân tộc là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, như Ðiều 5 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua khẳng định: "1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước". Chính vì thế, dù người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3% dân số, nhưng số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số hiện chiếm 15,6%, đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 18%, cấp huyện là 20,1%, cấp xã là 22,46%. Thí dụ điển hình cho sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước là vấn đề chữ viết. Ðể thực hiện Ðiều 7 Luật Giáo dục: "Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy của học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ", năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Năm 2012 có 32 tỉnh tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số; giáo trình biên soạn bằng 12 thứ tiếng. Ðến hết năm 2012, tại các tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, đã có 2.629 trường, lớp học chữ dân tộc với 136.600 học sinh. Hiện tại Việt Nam đang thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ do Bộ Giáo dục và Ðào tạo hợp tác với UNICEF nghiên cứu thực nghiệm tại ba tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai bước đầu đạt kết quả tốt.

Các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí nhân danh vấn đề nhân quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, bịa đặt vấn đề dân tộc nhằm xuyên tạc chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam. Họ lập ra các đài phát thanh, các trang web, xuất bản tạp chí, tung ra các thông tin một mặt vu cáo chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước Việt Nam, mặt khác gây sức ép, kích động một số đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc để hoạt động chống đối. Năm 2007, sau khi LHQ ra "Tuyên ngôn về quyền của người bản địa", các đối tượng cực đoan, quá khích trong các tổ chức của người dân tộc thiểu số Việt Nam sống lưu vong như: IOC (Văn phòng Chămpa quốc tế), MFI (Hội những người miền núi), KKF (Liên đoàn Khmer Krom) liền yêu cầu LHQ buộc Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ là "tộc người bản địa" (!) và họ có "quyền dân tộc tự quyết" lập "nhà nước tự trị" (!). Ở Việt Nam, khái niệm "người bản địa" là sản phẩm của chế độ thực dân, do chính quyền thực dân sử dụng trong quá trình đô hộ và chỉ tồn tại cùng với chế độ thực dân. Khi chế độ thực dân bị đánh đổ thì khái niệm "người bản địa" cũng không còn cơ sở tồn tại. Còn khái niệm người dân tộc thiểu số thường dùng để phân biệt các dân tộc ít người với đồng bào Kinh (hay Việt - dân tộc đa số); khái niệm này tồn tại cùng quá trình phát triển đất nước Việt Nam. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam hình thành, phát triển cùng tiến trình lịch sử, làm nên một dân tộc Việt Nam đoàn kết, thống nhất. Tuy có ảnh hưởng trong giao thoa, tiếp biến văn hóa (như ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán...), nhưng mỗi dân tộc trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn giữ được bản sắc riêng, không dân tộc nào bị đồng hóa trở thành dân tộc khác. Do đó về lịch sử và khoa học, người dân tộc thiểu số ở Việt Nam khác với người bản địa theo quan niệm của LHQ. Rồi lợi dụng tình trạng một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về dân trí, khó khăn trong tiếp cận thông tin, các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn có sự phối hợp trong - ngoài của các tổ chức phản động của người dân tộc thiểu số Việt Nam lưu vong. Cùng với việc sử dụng một số diễn đàn quốc tế và internet để vu cáo Nhà nước Việt Nam "chiếm đất", "bắt người thiểu số bỏ tiếng mẹ đẻ",... họ còn chỉ đạo các đối tượng trong nội địa tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số "đòi tự do tôn giáo, đòi tự trị, đòi chính quyền trả lại đất đai"...

Không thể phủ nhận sự thật đang diễn ra trong đời sống hằng ngày ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, các công trình dân sinh như điện - đường - trường - trạm và nước sạch,... thật sự đã làm nên một diện mạo mới cho cuộc sống của đồng bào. Về văn hóa, phải khẳng định các năm qua, từ quan niệm xây dựng một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, mà văn hóa truyền thống của các dân tộc đã luôn được coi trọng, bảo tồn, phát huy. Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng với cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, nội dung hoạt động văn hóa thông tin phong phú và ngày càng phù hợp, từ đó mức hưởng thụ văn hóa của bà con từng bước được nâng cao. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) của Ðảng, và từ khi có Chỉ thị 39/1998/CT-TTg năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác văn hóa ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, các hoạt động văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ðến năm 2011 đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn bản; 38,7% số xã có nhà văn hóa xã; 48% số xã có sân thể thao. Chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình đã đến với người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu. Tới cuối năm 2011, 100% số xã đặc biệt khó khăn đã có trạm truyền thanh, 92% số người dân được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình, trong đó có chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Mông, Thái, Ê Ðê, Chăm, Khmer... Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/NÐ-CP về Công tác Dân tộc, trong đó quy định: Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc có trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc. Cũng năm 2011, Chính phủ có Quyết định 1270 phê duyệt Ðề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020". Ðề án tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc không có điều kiện bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc mình. Khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức Ngày hội văn hóa, nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục truyền thống các dân tộc. Nhiều di sản văn hóa dân tộc được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia như "lễ hội Lồng tồng" của dân tộc Tày, "lễ Cấp sắc" của dân tộc Dao. Từ sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam, UNESCO đã công nhận một số di sản văn hóa các dân tộc là di sản văn hóa thế giới như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mỹ Sơn,... Ðặc biệt, ngày 19-4 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Từ những thành tựu đã đạt được, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn nhận thức sâu sắc tình cảm và trách nhiệm của Ðảng, Chính phủ, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Cũng vì thế, ngày 15-3-2011, tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (Geneva - Thụy Sĩ), Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số, bà G. McDougall đã trình bày kết quả chuyến khảo sát Việt Nam, qua đó đánh giá cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Bà hoan nghênh quyết tâm chính trị, chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực. Vì thế, dù các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí xuyên tạc, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn một lòng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc miền núi, cùng cả nước xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

TS HOÀNG XUÂN LƯƠNG

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất