Gần đây, một số người lập ra cái gọi là “diễn đàn xã hội dân sự” với ý
định không úp mở thúc đẩy "chuyển hóa" chế độ chính trị ở Việt Nam. Thực
chất ý đồ lợi dụng "xã hội dân sự" của họ là gì?
Ở Việt Nam, xã hội dân sự (XHDS) được hiểu một cách phổ thông là các tổ chức xã hội nằm ngoài nhà nước, trong đó người dân liên kết với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung. XHDS ở Việt Nam bao gồm: Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích, câu lạc bộ; các tổ chức dịch vụ công và các quỹ không phải do Nhà nước lập ra,… hoạt động phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước.
Sự ra đời, phát triển của XHDS là một đòi hỏi khách quan đối với mọi xã hội. Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của tổ chức XHDS đối với sự phát triển của xã hội. Nhưng cần thấy rõ rằng, ở nhiều quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, sự hình thành XHDS thường chịu sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó có những lực lượng chính trị từ bên ngoài, thông qua các hình thức trao đổi thông tin, quan điểm và nhất là hình thức tài trợ. Thông thường, các lực lượng chính trị từ bên ngoài thúc đẩy XHDS để áp đặt các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa… Chúng ta đã từng chứng kiến một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ổn định tại nhiều quốc gia liên quan đến hoạt động của XHDS.
Đời sống chính trị quốc tế những thập kỷ qua cho thấy, các sự kiện “Cách mạng màu” ở các nước Đông Âu và Trung Á, như: Gru-di-a, U-crai-na, Cư-rơ-gư-xtan…; “Cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc; “Cách mạng đường phố” ở Nam Tư hay những biến động chính trị gần đây ở một số nước Trung Đông, Bắc Phi cho thấy, các thế lực chính trị phương Tây đã hậu thuẫn cho một số tổ chức XHDS tham gia tích cực vào các biến cố đó. Để chuyển hóa, tiến tới lật đổ chế độ ở những quốc gia nói trên, các thế lực chính trị đặc biệt quan tâm thúc đẩy, cho ra đời các tổ chức XHDS theo hình mẫu phương Tây, từng bước tạo ra những tổ chức “đối lập”, hình thành một cơ cấu xã hội đa nguyên, đa đảng.
Ở nước ta, ý đồ tạo dựng các tổ chức XHDS và từng bước làm cho các tổ chức này trở thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước ta ngày càng được các thế lực thù địch quan tâm. Để đạt được ý đồ ấy, các thế lực thù địch ra sức đề cao XHDS, tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của XHDS với chính quyền, nhằm làm cho người dân hiểu và tin rằng, XHDS là hiện thân của tự do, dân chủ và những gì tốt đẹp trong xã hội, đối lập với XHDS là nhà nước chuyên chế, cưỡng bức, bảo thủ... Với ý định thông qua thúc đẩy phát triển XHDS để thực hiện “dân chủ hóa”, các thế lực thù địch hy vọng sẽ tác động hình thành trong nội bộ các cơ quan, tổ chức chính trị; đặc biệt là các cơ quan dân cử xu hướng hoạt động “độc lập”, thậm chí “đối lập” với sự lãnh đạo của Đảng ta. Mặt khác, các thế lực thù địch còn lợi dụng các hoạt động viện trợ, quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao,… để gây sức ép, đặt điều kiện về “dân chủ”, “nhân quyền”, đòi Nhà nước ta cho phép thành lập các tổ chức độc lập về chính trị; tác động thay đổi đường lối, chính sách, luật pháp, nhằm làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, hạn chế vai trò của Nhà nước đối với đời sống xã hội. Thực chất là họ muốn tạo cơ sở tư tưởng, pháp lý cho sự ra đời của các tổ chức XHDS đối lập về chính trị.
Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH với mô hình tổng quát là: Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN ... Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của các tổ chức XHDS trong việc phát huy dân chủ, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển đất nước. Nhưng cần thấy rõ một thực tế là, các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng XHDS để tạo dựng các lực lượng đối lập với Nhà nước, chống phá Đảng Cộng sản ngay trong lòng xã hội ta. Để thực hiện mưu đồ ấy, họ tìm mọi cách tác động cho ra đời những tổ chức XHDS kiểu phương Tây, để tạo dựng “ngọn cờ”...
Trong bối cảnh đó, cùng với thừa nhận sự tồn tại khách quan của các tổ chức XHDS, quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức XHDS hoạt động đúng hướng, phục vụ lợi ích của đất nước và dân tộc, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, chúng ta cần nhận thức rõ và khắc phục những hạn chế, thách thức của nó đối với sự phát triển xã hội. Để phát huy vai trò của các tổ chức XHDS, hạn chế những tác động tiêu cực của nó, cần có các biện pháp quản lý các tổ chức XHDS phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, đáp ứng được cơ chế vận hành của thể chế chính trị. Chính sự quản lý và định hướng bằng pháp luật của Nhà nước sẽ tạo ra một môi trường dân chủ, lành mạnh cho sự phát triển hài hòa của toàn xã hội. Mặt khác cần chủ động củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ hiện có… theo phương châm chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Đấu tranh với âm mưu lợi dụng hoạt động của các tổ chức XHDS để phá hoại Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một bộ phận quan trọng trong đấu tranh chống âm mưu “chuyển hóa dân chủ” nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhận thức đúng đắn về XHDS là cơ sở để chúng ta đấu tranh chống mọi tư tưởng, quan điểm, hành vi lợi dụng XHDS chống phá Việt Nam; để các tổ chức XHDS phát triển lành mạnh, phát huy tốt vai trò, tác dụng của mình đối với các hội viên, thành viên và toàn xã hội/.
Kim Ngọc (QĐND)