Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1-2011), Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng... Trong nội bộ những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”(1). Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khoá XI) đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện cụ thể về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta hiện nay là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc” (2).
Bản chất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” này là một quá trình suy thoái từ bên trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó là một quá trình diễn ra sự thay đổi dần từ lập trường, quan điểm, tư tưởng và đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản sang lập trường, tư tưởng, đạo đức và lối sống của giai cấp tư sản. “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hoá” diễn ra, một mặt do tác động khách quan bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và do âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; mặt khác chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện tu dưỡng, bỏ rơi vai trò chiến sĩ tiền phong, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Họ ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận, kỷ cương không nghiêm, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, thoái hoá, biến chất về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Tính chất, hậu quả của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là hết sức nguy hại; nếu không được phòng ngừa và đấu tranh kịp thời, sẽ làm chia rẽ, suy yếu và sai lầm ngay từ bên trong Đảng. Đây là điều V.I. Lênin đã cảnh báo từ rất sớm: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta... Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(3).
Nhận thấy những diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng và hậu quả khôn lường của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Đảng ta sớm xác định: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta” (4). Phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là vấn đề có tính nguyên tắc, phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, liên tục, kiên quyết, góp phần quan trọng đẩy lùi các nguy cơ trong Đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Phòng, chống tốt sẽ không có cơ hội cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” xuất hiện và diễn biến phức tạp. Trong cuộc đấu tranh này, cần phải tích cực, chủ động, dự báo, phòng ngừa từ xa, nhiều tầng, nhiều lớp. Phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống; giữa phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về tư tưởng, chính trị với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là về đạo đức, lối sống, trong đó chú trọng tới mọi đối tượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo trong Đảng.
Trong tình hình hiện nay, để khắc phục những biểu hiện về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có hiệu quả, góp phần bảo đảm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, củng cố, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội dân chủ, chủ nghĩa thực dụng. Kiên quyết bảo vệ những nguyên lý khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, trước hết là mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; giải quyết đúng đắn, kịp thời các mâu thuẫn nội bộ trong các tầng lớp nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình trong xã hội đối với các cơ quan công quyền.
Phê phán, bác bỏ những quan điểm, tư tưởng và ý đồ thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Cảnh giác và kịp thời phát hiện những tư tưởng đối lập của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; xử lý kịp thời và nghiêm minh theo pháp luật đối với các hoạt động phá hoại, không để các thế lực thù địch tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng. Chủ động và kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm cơ hội, sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống những biểu hiện ngại gian khổ, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Phải kiên quyết đấu tranh với những người vì mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm và sinh ra nhiều chứng bệnh, trong đó mỗi chứng bệnh là một kẻ địch hết sức nguy hiểm, phá hoại từ trong nội bộ Đảng phá ra, làm cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” càng diễn biến phức tạp; làm suy yếu sức mạnh của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động của Đảng, đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân; ra sức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Thứ ba, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh” như Nghị quyết Trung ương 4, đẩy mạnh và nêu cao tự phê bình, phê bình; sửa chữa những khuyết điểm, khắc phục những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục tình trạng "giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh” (5) như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ trong Sửa đổi lối làm việc năm 1947. Tự phê bình và phê bình chính là thang thuốc hay nhất, hữu hiệu nhất để chữa chạy những khuyết điểm của Đảng và của cán bộ, đảng viên, có tác dụng ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng, trong đó phải thực hiện tốt “chống và xây”, “xây và chống” và "kết hợp giữa xây và chống". Cần đặc biệt chống cả hai khuynh hướng trong phê bình: vì bon chen lợi danh mà nói xấu nhau, hoặc ngồi im thấy sai không dũng cảm đấu tranh, thấy đúng không kiên quyết bảo vệ, dễ người dễ ta; đồng thời giữ vững nguyên tắc không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động tự phê bình và phê bình để gây rối nội bộ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tự phê bình và phê bình trong Đảng phải hướng tới cốt để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, đoàn kết và thống nhất trong nội bộ Đảng theo tinh thần “mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình" để "kiên quyết sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn.
Thứ tư, phối hợp và phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng chủ động đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên. Theo đó, các cấp ủy Đảng, phải nhận thức đúng, đánh giá cho được sự thoái hoá về tư tưởng, chính trị, mức độ và tính chất“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên, kịp thời có chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, quán triệt và tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng khâu giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và chất lượng sinh hoạt Đảng. Phát huy dân chủ, tăng cường kiểm tra giám sát, đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ; bổ sung, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách về cán bộ.
Từ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta đại biểu chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào” (6) và cán bộ, đảng viên là “công bộc” của nhân dân, để động viên, tổ chức cho quần chúng nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nhận xét, đánh giá, phê bình về tình hình chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thái độ, tinh thần trách nhiệm, kết quả phục vụ nhân dân, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên. Coi kết quả cuả việc nhận xét, đánh giá này là kênh thông tin quan trọng và cần thiết cho tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình và đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia; chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với những hành động thâm nhập, tác động chuyển hoá nội bộ của các thế lực thù địch.
Thứ năm, nhận thức cho đúng tính chất phức tạp, nguy hại và nhận diện cho rõ những biểu hiện cụ thể, mức độ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng, để một mặt tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì và đi liền với chủ động chống lại thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các thế lực thù địch; mặt khác, tăng cường khả năng đề kháng, thông qua xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, để xây dựng, củng cố sức mạnh của hệ thống chính trị, trước hết là Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục triển khai sâu, rộng, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật những vụ việc tham nhũng, lãng phí liên quan tới cán bộ, đảng viên và bộ máy chính quyền các cấp. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất ra khỏi bộ máy, cơ quan Đảng, Nhà nước, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú
------------------
(1) (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H, 2011, tr.185, 257.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb. CTQG, H, 2012, tr.22.
(3) Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, M, 1977, t.42, tr.311.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.5, tr.233.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.288.