Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 21/11/2013 10:51'(GMT+7)

Cẩn trọng trước một số tác hại của truyền thông mới

Thế giới đang ngày càng trở nên gần gũi hơn với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số. Các hình thức email (thư điện tử), ebook (sách điện tử), elearning (học qua mạng), ebusiness (thương mại điện tử), emarketing (tiếp thị điện tử)... đã và đang tạo ra nhiều thay đổi trong các tương giao và hoạt động xã hội. Theo trang tư liệu mở Wikipedia, truyền thông mới là "thuật ngữ rộng trong nghiên cứu truyền thông xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 20. Một thí dụ là truyền thông mới cho phép người dùng truy cập nội dung vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu hay trên bất kỳ thiết bị số nào, cũng như cho phép người dùng tương tác và tham gia vào quá trình xây dựng nội dung truyền thông. Ðiều khiến truyền thông mới khác biệt so với truyền thông truyền thống là nội dung được chuyển hóa thành dạng dữ liệu số". Như vậy, truyền thông mới là một khái niệm được phát triển trên nền tảng công nghệ số và là một khái niệm rộng. Ðể dễ hình dung về khái niệm này, có thể liên hệ đến các hình thức thông dụng của nó như các trang mạng xã hội: Facebook, twitter, blog... hoặc các loại hình tương tác khác như: đọc báo qua điện thoại di động, chơi game trên máy tính, sách điện tử...

  Truyền thông mới phát triển trên nền tảng công nghệ số nên nó dễ dàng thay đổi tùy mức độ phát triển của loại công nghệ này. Và vì thế, truyền thông mới có thể "biến hình" nhanh chóng, luôn là những thứ không quen thuộc (mới), và chúng ta luôn phải bắt đầu làm quen với nó. Nói một cách nôm na, truyền thông mới thoát khỏi giới hạn của các định dạng truyền thông kiểu cũ như báo giấy, sách và tạp chí. Không chỉ phục vụ các nhu cầu thông tin khác nhau, truyền thông mới còn góp phần phá vỡ khoảng cách về mặt địa lý và xã hội, làm cho sự cách trở về địa lý ít ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội hơn. Thông qua truyền thông mới, nhiều mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... được thiết lập, bất chấp khoảng cách về thời gian và không gian. Một trong những ưu điểm được cho là nổi bật của truyền thông mới là cho phép người sử dụng dân chủ hơn trong cách lựa chọn và công bố thông tin. Khi đó, người sử dụng cũng đồng thời trở thành người "kể chuyện" hay nói cách khác là những nhà báo công dân. Thực tế là ngày càng nhiều người tham gia vào mạng lưới báo chí với tư cách là "nhà báo công dân" khi họ là chủ thể cung cấp thông tin cho báo chí. Thậm chí, họ còn giữ vai trò thu thập, xử lý và công bố nguồn tin trên những trang cá nhân của mình với nhiều mục đích khác nhau. Một bản dịch của dịch giả Phạm Khánh Hòa cho biết trong nhiều trường hợp, các phương tiện truyền thông kiểu cũ phải phụ thuộc vào nguồn dữ liệu thông tin của truyền thông mới. Truyền thông mới là tác nhân khởi nguồn và sẽ là nguồn thông tin mới. Bản dịch dẫn chứng bằng một thống kê trên tờ Le Monde (Pháp) về sự gia tăng các blog khắp châu Âu nhằm đánh giá những xu thế và quan điểm đang lên trong khu vực. Ðiều này vừa thể hiện truyền thông mới không chỉ giúp người bình thường có thể tham gia vào hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, vừa có nghĩa rằng đối với nhiều người, cách đưa tin của các phương tiện truyền thông truyền thống đã không còn là nguồn thông tin quan trọng nhất.

 Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà truyền thông mới đã mang lại cho con người và tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mặt tích cực, vẫn còn có những băn khoăn về mặt trái của truyền thông mới. Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát của WeAreSocial - tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tới tháng 12-2012 số người sử dụng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu, chiếm 34% dân số (mức trung bình của thế giới là 33%). Và các số liệu khác cho thấy số người đăng ký sử dụng internet xếp Việt Nam đứng thứ ba tại Ðông - Nam Á, thứ 8 tại châu Á, đứng trong top 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới; số người sử dụng điện thoại cao thứ bảy thế giới, số người sở hữu tài khoản mạng xã hội độc lập (unique visitors) lên đến hơn 13 triệu người. Các con số này phần nào cho thấy truyền thông mới đã và sẽ thịnh hành, phát triển ở Việt Nam trong vài năm tới. Ðó là chưa kể, ngày càng nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ có xu hướng ưa thích sử dụng các thiết bị công nghệ cao như: các loại điện thoại thông minh, ipad, máy tính bảng,... vì những thiết bị này cho phép người sử dụng ở trạng thái "kết nối và trực tuyến" mọi lúc mọi nơi.

 Tuy nhiên, sự gia tăng của các phương tiện truyền thông công dân như vậy lại làm tăng thêm nỗi lo ngại về tính chính xác, lành mạnh của các thông tin được cung cấp từ các phương thức truyền thông mới, đặc biệt là từ các trang cá nhân. Thiết nghĩ, truyền thông mới, bản thân nó là một khái niệm trung lập và không ngừng biến đổi. Vì thế, nó trở nên tốt hay xấu là phụ thuộc vào mục đích và cách thức của mỗi cá nhân sử dụng. Trên thực tế chúng ta đã được chứng kiến việc nhiều người sử dụng mạng xã hội tỏ ra thiếu trách nhiệm khi cung cấp những thông tin sai sự thật, do họ không dành thời gian kiểm định tính chính xác của thông tin trước khi công bố. Bên cạnh thông tin sai sự thật là những thông tin, trò chơi thiếu lành mạnh, nhiều tính bạo lực, khiêu dâm... Chưa kể một số không nhỏ người sử dụng mạng xã hội nhằm cập nhật nhiều thông tin không khách quan, thậm chí mang đậm thiên kiến cá nhân. Những người sử dụng khác, nếu không có sự chọn lọc và cẩn trọng trước các thông tin kiểu như vậy, sẽ không tránh khỏi những cách nhìn sai lệch về nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Nghiêm trọng hơn, sự phát triển nở rộ và thịnh hành truyền thông mới nói chung và của mạng xã hội nói riêng vô hình trung có thể sẽ trở thành công cụ đắc lực góp phần làm nảy sinh các nguy cơ đối với an ninh, chính trị, xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân người sử dụng, nhất là những người trẻ tuổi.

 Cần khẳng định rằng, việc phát triển truyền thông mới là cần thiết, nhưng song hành với phát triển phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng đối với người sử dụng để khai thác truyền thông mới một cách có hiệu quả và có lợi ích thiết thực lành mạnh. Vì thế, để tránh được những sai lệch khi sử dụng các loại hình truyền thông mới, vấn đề không chỉ ở bản lĩnh, trình độ của cá nhân người sử dụng mà một mặt còn nằm ở phía các nhà quản lý. Có một nghịch lý rằng rõ ràng truyền thông mới không phải là một khái niệm mới nhưng trên thực tế, vấn đề quản lý các loại hình truyền thông mới, đặc biệt là các trang mạng xã hội và blog cá nhân tại Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ và còn nhiều bất cập. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có nhiều biện pháp hiệu quả trong quản lý mạng xã hội cũng như internet. Ở Mỹ, Cục Ðiều tra liên bang (FBI) đã thành lập một lực lượng có tên Trung tâm Hỗ trợ truyền thông nội địa với nhiệm vụ phát triển các công nghệ có khả năng kiểm soát thông tin trên internet cũng như các liên lạc bằng điện thoại di động. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chính phủ đã đóng cửa rất nhiều trang web có nội dung phản đối thực hiện nghĩa vụ quân sự, quyền đồng tính, những bài viết chỉ trích Tổng thống... Ðể gửi bài viết hay các bình luận lên mạng, người sử dụng tại Hàn Quốc buộc phải cung cấp số chứng minh nhân dân. Thậm chí, tại quốc gia này, nếu bị phát hiện bình luận giấu tên trên các blog có hơn 10 nghìn người đọc có thể sẽ bị phạt tù lên tới 5 năm... 

 Ở Việt Nam, ngày 15-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 97/2008/NÐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet. Nghị định 72/2013/NÐ-CP quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;... Ngoài ra, Nghị định cũng tăng cường phát triển và quản lý nội dung các loại hình thông tin trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng... Chúng ta có thể kỳ vọng, với Nghị định mới này, những người sử dụng sẽ phần nào tránh được một số tác động tiêu cực từ truyền thông mới, nhất là từ các thông tin thiếu lành mạnh trên mạng xã hội và các trang cá nhân,... để truyền thông mới sẽ luôn luôn là một "người bạn tốt" của mọi người trong đời sống hiện đại.

HOÀNG ANH/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất