Cách đây 65 năm, ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, văn bản mà một trong các tiền đề quan trọng cho sự ra đời của nó là việc các quốc gia thuộc LHQ khẳng định "niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, đã quyết định thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và xây dựng những điều kiện sống tốt hơn trong sự tự do rộng lớn hơn"...
65 năm trước, từ hậu quả tàn khốc của hai cuộc chiến tranh thế giới, từ các sự kiện - hiện tượng đã tác động một cách tiêu cực, trực tiếp tới nhân quyền và tự do của loài người, từ tham vọng bành trướng của các thế lực chính trị - kinh tế toàn cầu và hành vi chế áp dân tộc,... Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của LHQ đã ra đời. Văn bản này gắn liền với tên tuổi các nhà làm luật, các nhà ngoại giao đến từ nhiều nước; đặc biệt là tên tuổi của Eleanor Roosevelt (1884 - 1962) - người phụ nữ hết mình hoạt động vì nhân quyền trên thế giới, vì nhân quyền chính ở nước Mỹ. Năm 1948, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của LHQ, bà cùng các đồng sự cố gắng xây dựng một văn bản có tư cách là tuyên ngôn của LHQ về nhân quyền. "Tháng 12-1948, chỉ còn vỏn vẹn một tuần trước khi bế mạc Hội nghị thường niên của Đại hội đồng LHQ, các đại biểu vẫn còn tranh luận kịch liệt, sửa đi sửa lại bản dự thảo. Cuối cùng, vào ngày 9-12, bà Eleanor Roosevelt đã đứng ra trước Đại hội đồng, nói rằng: "Chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay ngay trước ngưỡng cửa bước sang một trang mới, vĩ đại trong lịch sử của LHQ và lịch sử nhân loại". Chỉ còn ít phút trước nửa đêm ngày 10-12, Chủ tịch Đại hội đồng người Australia Herb Evatt đã kêu gọi bỏ phiếu thông qua. 48 nước thành viên bỏ phiếu thuận, tám nước bỏ phiếu trắng (hai nước vắng mặt, không bỏ phiếu, cũng không phản đối). Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền được thông qua".
Từ ngày Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền ra đời, nhân loại đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, từ sự lựa chọn con đường phát triển tích cực ở một số quốc gia - dân tộc, dưới nhiều hình thức khác nhau,... nhân loại đã đạt được những thành tựu không thể bác bỏ về nhân quyền. Ngày nay, ý thức tự giác về nhân quyền đã trở thành một giá trị, một điều kiện phổ quát, tiên quyết để các quốc gia hoạch định chiến lược và sách lược phát triển; đồng thời trở thành tiêu chí hàng đầu trong cuộc đấu tranh vì một tương lai tươi sáng của loài người. Tuy nhiên, cũng trong hơn nửa thế kỷ, nhân loại vẫn phải chứng kiến quá nhiều sự kiện - hiện tượng ảnh hưởng trực tiếp tới nhân quyền. Nói cách khác là sau 65 năm nhìn lại, dù không có các cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, dù chế độ phân biệt chủng tộc cuối cùng đã kết thúc ở Nam Phi, dù Công ước về quyền phụ nữ đã được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 18-12-1979 (có hiệu lực từ ngày 3-9-1981) và hiện đã có 187 quốc gia thành viên, dù Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ đã khẳng định: "Điều 1: 1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. 2. Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc",... thì nhân loại vẫn đang phải đối mặt với một thực tế còn quá nhiều vấn nạn trong vấn đề nhân quyền. Ở đó, các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc vẫn diễn ra (như chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam trước đây). Ở đó, vẫn có những người da màu không được công nhận quyền công dân bình đẳng với người da trắng. Ở đó, vẫn có những người phụ nữ đang phải tiếp tục đấu tranh cho quyền được bầu cử, quyền được đến trường. Ở đó, trong nhiều trường hợp, vẫn có các thế lực từ bên ngoài chà đạp lên quyền tự quyết dân tộc, phục vụ mưu đồ đặt một quốc gia - dân tộc nào đó vào vị trí bị phụ thuộc và bị chi phối,...
Ở Việt Nam, có một thực tế không thể phủ nhận là trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chưa bao giờ người dân Việt Nam được thụ hưởng các giá trị của nhân quyền. Khi độc lập và quyền tự quyết dân tộc bị tước đoạt thì không thể hy vọng, hay cầu mong có nhân quyền. Bộ máy cai trị hà khắc và đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam chỉ nhằm tới mục đích bần cùng hóa người dân Việt Nam để phục vụ cho các lợi ích của nước Pháp. Vì thế, ý nghĩa cao cả của Cách mạng tháng Tám là đập tan ách nô lệ, giành lại độc lập và quyền tự quyết dân tộc, mở ra con đường mới để mọi người dân Việt Nam được làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của chính mình, từ đó phấn đấu để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Cũng chính vì ý nghĩa cao cả đó, toàn dân Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, để bảo vệ và giữ vững nền độc lập - tiền đề cơ bản đầu tiên để xây dựng xã hội có nhân quyền được bảo đảm, mọi người được tạo điều kiện phát triển hài hòa trong sự thống nhất giữa lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân, giữa quyền lợi và nghĩa vụ.
Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã có các bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực xã hội.
Trong điều kiện nền kinh tế còn kém phát triển, cơ sở vật chất xã hội còn nghèo nàn, lại phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác lập, hoạch định một chiến lược phát triển với từng bước đi vững chắc để lãnh đạo toàn dân vừa lao động sáng tạo để tăng trưởng kinh tế và từng bước nâng cao mức sống, vừa thúc đẩy công bằng xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Chỉ có tiếp cận nhân quyền với tinh thần nhân văn, trên bình diện rộng nhất, mới có thể lý giải tại sao ở Việt Nam các vấn đề như: khẳng định và tạo điều kiện giúp phụ nữ phát triển, đặc biệt quan tâm tới an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo tới sự phát triển của dân tộc thiểu số, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương,... lại được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú ý và dành một phần lớn ngân sách để giải quyết, được sự ủng hộ của toàn dân, dư luận trên thế giới ghi nhận. Không chỉ quan tâm phát triển nhân quyền trên đất nước mình, nhiều năm qua, Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động, một mặt cổ vũ cho nhân quyền, một mặt góp phần giúp các dân tộc khác phát triển nhân quyền. Bằng chứng cụ thể, trực tiếp của các hoạt động này là uy tín của Việt Nam đã ngày càng được nâng cao trong các quan hệ quốc tế và ngày 12-11 vừa qua, Việt Nam đã được bầu làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao.
Đối với các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí, thì vấn đề nhân quyền lại bị họ lợi dụng, biến thành chiêu bài để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bất chấp các thành tựu về nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được, bất chấp sự ghi nhận, biểu dương, ủng hộ của LHQ và rất nhiều chính phủ, tổ chức, cá nhân trên thế giới đối với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, qua nhiều hình thức khác nhau, với những thủ đoạn thâm độc và xấu xa, họ liên tục bịa đặt, xuyên tạc, vu khống Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Và một trong các thủ đoạn đó là việc họ trích dẫn cắt xén từ Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền; hoặc họ biến Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền- khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc, thành "luật quốc tế" từ đó đưa ra các đòi hỏi phi lý, yêu cầu Việt Nam tuân thủ, bất chấp việc Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ khẳng định, cũng như mọi quốc gia, dân tộc khác, nước Việt Nam có quyền "tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa". Xét đến cùng, dù cố gắng sử dụng những mĩ từ, dù cố tỏ ra quan tâm tới nhân quyền thì qua những gì đã thể hiện, họ vẫn không che đậy được bản chất xấu xa là cổ vũ, tiếp tay cho các thế lực đang cố gắng thực hiện mưu đồ phá hoại sự ổn định, cản trở và làm chệch hướng sự phát triển của Việt Nam.
Kỷ niệm 65 năm Ngày Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền ra đời, chúng ta nhớ về bước tiến của nhân loại trong khi nhận thức một cách tích cực về sự tồn tại của con người trong xã hội.
Tuy nhiên, bước tiến ấy sẽ chỉ có ý nghĩa khi nhân quyền tiếp tục được khẳng định, tiếp tục được hiện thực hóa trong cuộc sống. Trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đe dọa sự tồn vong, thì chỉ có sự hợp trí, hợp sức của toàn bộ loài người mới có thể giải quyết. Mà điều kiện trước hết để đạt tới hợp trí, hợp sức là mọi người đều phải được thụ hưởng nhân quyền. Vì thế, trong phạm vi rộng và ở tầm mức nhận thức đầy đủ nhất, các nhà nước, các chính phủ trên thế giới cần có những việc làm hữu ích để hiện thực hóa nhân quyền trên chính đất nước mình và trong cuộc sống của toàn nhân loại.
Vũ Hợp Lân/Nhân dân