Mô hình "đội truyền thông lưu động" sử dụng loa, đài đi tới những địa bàn khó khăn phát tài liệu, tư vấn sức khỏe sinh sản để người dân vừa làm vừa nghe, đã góp phần đáp ứng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tư vấn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân ở những địa bàn khó khăn từ miền núi cho đến vùng ven biển, đầm phá ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Dự án “tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào làm mẹ an toàn, sức khỏe sinh sản vị thành niên và thực hành quyền sinh sản”, thực hiện năm 2007. Đội tuyền thông lưu động của dự án đã tổ chức gần 70 chuyến lưu động để cung cấp các dịch vụ như tư vấn, khám tổng quát, siêu âm… cho hơn 9.000 lượt người, qua đó giúp phát hiện sớm nhiều trường hợp mắc các bệnh liên quan.
Ở huyện miền núi Nam Đông, đội truyền thông lưu động đã xây dựng mô hình “cụm dân cư không có người sinh con thứ ba trở lên”. Qua các buổi tư vấn lưu động tại cộng đồng, mô hình đã thu hút 2.600 lượt người tham gia; đồng thời tổ chức chiến dịch tuyên truyền lưu động lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến 100% cụm dân cư. Dự án còn tổ chức lớp tập huấn và truyền thông tại cộng đồng về sức khỏe sinh sản; tăng cường nhận thức về quyền sinh sản và sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình thông qua tuyên truyền lưu động; hỗ trợ trang thiết bị y tế, thuốc, đào tạo kỹ năng tuyên truyền thay đổi hành vi cho đội tuyên truyền tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Thừa Thiên - Huế cũng đang chú trọng thực hiện Đề án Kiểm soát dân số ở vùng ven biển, đầm phá, cửa sông (Đề án 52). Mô hình “đội tuyền thông lưu động” trong Đề án 52 đã tập trung nâng cao công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Theo bà Hoàng Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế - Chi cục Trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình Thừa Thiên - Huế thì ngành y tế tỉnh đã đưa bác sĩ về 100% số trạm y tế, giúp cung cấp thường xuyên, kịp thời tại chỗ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngành cũng đã thành lập được 7 đội y tế truyền thông lưu động với 54 cán bộ, thực hiện khám phụ khoa, tư vấn cho gần 26.000 lượt phụ nữ.
Để nhân rộng mô hình “đội truyền thông lưu động", ngành y tế đã cung cấp trang thiết bị, dịch vụ như máy siêu âm xách tay, máy điều trị quang học...; đào tạo cho hơn 200 cán bộ y tế các cấp trong đội truyền thông lưu động về kỹ thuật và các xét nghiệm thông thường; phối hợp với dân quân y tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng từ ngân sách cấp để triển khai, xây dựng các mô hình truyền thông./.
Nguyên Lý