Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 27/8/2016 8:52'(GMT+7)

Nhật Bản hướng tới châu Phi

Thủ tưởng Sin-dô A-bê tại Kê-ni-a hôm 26-8. Ảnh: AP

Thủ tưởng Sin-dô A-bê tại Kê-ni-a hôm 26-8. Ảnh: AP

Dự kiến, hội nghị sẽ đón tiếp hơn 6.000 đại biểu đến từ Nhật Bản và các nước châu Phi, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ chính, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Ông A-bê cũng là thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản đầu tiên thăm Kê-ni-a trong vòng 15 năm qua. Phát biểu với báo giới tại Sân bay Haneda ở Tô-ki-ô trước khi lên đường tới Kê-ni-a, Thủ tướng A-bê cho biết ông “muốn đóng góp vào sự phát triển của châu Phi thông qua lĩnh vực công nghệ cao của Nhật Bản và đào tạo nguồn nhân lực”.

Theo chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và châu Phi sẽ thông qua Tuyên bố Nai-rô-bi, trong đó tập trung vào việc giải quyết mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố thông qua các cách thức như thúc đẩy giáo dục ở châu lục này.

Giới chức Nhật Bản cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du, ông A-bê sẽ gặp Tổng thống nước chủ nhà U-hu-ra Kê-ni-át-ta (Uhuru Kenyatta) và chứng kiến lễ ký hiệp định đầu tư song phương nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tại hội nghị, Thủ tướng Sin-dô A-bê cũng sẽ có cuộc gặp với hàng chục nhà lãnh đạo đến từ khắp châu Phi, trong đó có Tổng thống Nam Phi G.Du-ma (Jacob Zuma). Giới chức Nhật cho hay, Thủ tướng A-bê sẽ cho công bố các dự án viện trợ và đầu tư cho châu Phi, bao gồm cả các dự án chăm sóc sức khỏe.

Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi TICAD lần đầu diễn ra vào năm 1993, thường xuyên được tổ chức tại Tô-ki-ô, Nhật Bản. Là một trong những quốc gia sáng lập ra diễn đàn này, vai trò của Nhật Bản được các nước châu Phi đánh giá rất cao. Đồng tổ chức với Tô-ki-ô có Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Phi. Năm nay, châu Phi đề nghị tổ chức tại Kê-ni-a. Đây là lần đầu tiên sự kiện TICAD tổ chức bên ngoài Nhật Bản từ khi ra mắt năm 1993. Việc chuyển địa điểm đến châu Phi năm nay được thực hiện theo yêu cầu của nước tổ chức, tuy nhiên cũng phản ánh xu hướng muốn thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tới khu vực châu Phi, nơi đang trên đà phát triển.

Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi lần thứ 6 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án viện trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng cho châu Phi như: Xây dựng đường giao thông, bến cảng, hệ thống đường sắt… của Nhật Bản. Tất nhiên, các khoản đầu tư cũng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho chính phủ Nhật.

Không riêng Nhật Bản, các tổ chức và quốc gia như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng phương thức viện trợ để thuyết phục các lãnh đạo châu Phi, vì họ xem đây là thị trường tiềm năng. Ngoài mở rộng đầu tư, các quốc gia còn không ngừng tranh giành ảnh hưởng tại lục địa đen để lấy quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên bởi châu Phi từ lâu vẫn được ghi nhận là châu lục giàu có về năng lượng và khoáng sản.

Theo những người chuyên theo dõi chính sách đối ngoại của Nhật Bản, từ vài năm nay, một trong những hướng quan trọng nhất của chính sách này là châu Phi, và vì thế, TICAD được nhìn nhận như “hạt nhân” trong đường hướng đối ngoại với châu Phi của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù sao chăng nữa, Nhật Bản còn lâu mới "đuổi kịp" người láng giềng khổng lồ Trung Quốc trong quan hệ với lục địa đen. Cụ thể, nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc đã có tổng giá trị thương mại đầu tư vào châu Phi lên tới 179 tỷ USD năm 2015, trong khi số vốn đầu tư của Nhật Bản vào châu lục này chỉ gần 24 tỷ USD.

“Nhật Bản gần như phải “chiến đấu” với Trung Quốc ở thị trường châu Phi. Khi Nhật Bản không thể đối chọi với Trung Quốc về khoản tiền đầu tư, thì họ cần phải nhấn mạnh về mặt chất lượng”, theo ông C.Xa-ca-mô-tô (Koichi Sakamoto), giáo sư nghiên cứu phát triển vùng tại Đại học Toyo nói.

Dù được được xem là “lính mới” tại thị trường châu Phi, nhưng Nhật Bản đang chứng tỏ quyết tâm gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực đầu tư vào khu vực này trong vài năm trở lại đây. Tháng 12-2012, Tập đoàn Toyota Tsusho mua lại Tập đoàn thương mại CFAO SA của Pháp, qua đó lấy được quyền tiếp cận 53 trên 54 nước tại châu Phi. Toyota Tsusho cũng lên kế hoạch mở 80 trung tâm thương mại tại Bờ Biển Ngà và 7 nước khác ở châu Phi trong thời gian đến năm 2020, theo The Japan Times. Ngoài ra, nhiều công ty Nhật như: Mitsui, Yamaha Motor, Sumimotor Rubber hay chuỗi nhà hàng Toridoll cũng tranh thủ tạo quan hệ kinh doanh với nhiều nước châu Phi.

Trên thực tế, từ sau TICAD-3, Nhật Bản đã nhận thức rõ ràng hơn ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn của châu Phi và đã ráo riết mở mang quan hệ với châu lục này. Tuy nhiên, về chính thức, Nhật Bản luôn khẳng định rằng việc họ mở mang quan hệ với châu Phi hoàn toàn không phải để cạnh tranh với Trung Quốc mà chỉ muốn mang tới châu Phi những “sáng kiến đặc biệt” để thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân công có tay nghề, y tế và nông nghiệp. Và sự giúp đỡ ấy của Nhật Bản đang được các nước châu Phi chào đón, và đây là một trong những cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục mở rộng quan hệ, đúng như mong muốn của Tô-ki-ô.


NGỌC HÀ (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất