Thứ Ba, 3/6/2014 21:7'(GMT+7)
Nhất trí tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 35%
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, sáng 3/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Quốc hội - một trong những dự án Luật đặc biệt quan trọng về hệ thống tổ chức được ưu tiên cho ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp lần này, nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Hiến pháp.
Dự thảo Luật trình lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 112 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội và điều khoản thi hành.
Mối quan tâm chính trong các ý kiến thảo luận trong buổi làm việc sáng 3/6 về dự án Luật Tổ chức Quốc hội là những vấn đề liên quan đến việc phát huy hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội như số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách; chế độ phục vụ, giúp việc và đãi ngộ đối với đại biểu Quốc hội và vị trí, vai trò cũng như quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại các tổ Hà Nội, Hưng Yên, Cần Thơ, Đà Nẵng đều nhất trí với dự thảo Luật về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% lên 35%.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nên quy định số đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa để đảm bảo Quốc hội hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị dự thảo Luật nên quy định theo hướng bổ sung số lượng đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong đó ấn định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho số lượng đại biểu chuyên trách Trung ương và địa phương có tính đến các yếu tố dân tộc, các giai tầng trong xã hội.
Đại biểu Phạm Huy Hùng cũng kiến nghị dự thảo cần định lượng cụ thể thời gian hoạt động cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau kỳ họp. Dự thảo cũng cần đổi mới hơn nữa các hình thức tiếp xúc một cách rộng rãi, linh hoạt hơn.
Tán thành với đề xuất nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% đến 35%, song đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng nên để quy định mở đối với vấn đề này cho phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là hạt nhân, là trung tâm của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật cần đảm bảo phúc đáp được ba yêu cầu đã được thể hiện trong Hiến pháp về vị trí, vai trò của Quốc hội gồm cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan lập pháp. Nhận xét, phạm vi của dự án luật còn chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần nâng cao vai trò, vị trí, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Hoan nghênh một điểm mới trong dự thảo lần này, đó là quy định về hoạt động giải trình, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị nên dùng từ "điều trần" thay cho "giải trình" để phù hợp với thông lệ của nghị viện thế giới, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hơn nữa giá trị, hiệu lực pháp lý của các phiên điều trần nhằm góp phần hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở của cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị cần quy định rõ tuổi của đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật.
Liên quan đến việc đảm bảo cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đề nghị nên nghĩ đến việc quy định thành lập văn phòng giúp việc để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Một số ý kiến khác cũng đề xuất cải tiến quy trình lập pháp theo hướng đối với lần cho ý kiến đầu tiên của mỗi dự thảo luật, nếu còn có vấn đề có ý kiến khác nhau thì Quốc hội nên tiến hành biểu quyết ngay; tránh trường hợp bàn đi, bàn lại nhiều lần một vấn đề, tiết kiệm thời gian cho Quốc hội./.
TTXVN