1, Iran bất ngờ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân
Một quan chức ngoại giao cấp cao Iran tuyên bố Tehran có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA) trong những tuần tới.
Chia sẻ với kênh PressTV, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nêu rõ Tehran không loại trừ khả năng sẽ rút khỏi thỏa thuận JCPOA trong những tuần tới. Ông Araqchi cho biết, Tehran muốn tuân thủ JCPOA nhưng thỏa thuận này cũng cần có thêm những điều chỉnh sau khi Mỹ rút, khiến thỏa thuận lịch sử này không còn cân bằng nữa.
Trước đó, Iran đã lên tiếng khẳng định sẽ tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức tại Vienna vào năm 2015.
Ngày 20-5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho hay, Tehran sẽ quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ nếu như Washington tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận này là Iran sẽ chỉ duy trì chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình và đổi lại Tehran được gỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Trước đó, ngày 9-5, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do Nhóm P5+1 ký với Iran vào năm 2015. Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA sau đó đã vấp phải sự chỉ trích của các đồng minh phương Tây như Đức và Pháp, trong khi chính quyền Tehran tuyên bố Iran sẵn sàng khôi phục hoạt động của các cơ sở làm giàu urani.
2, Chính sách biên giới cứng rắn gây nhiều tranh cãi của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, chính quyền của ông phải duy trì chính sách biên giới cứng rắn để ngăn hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.
Trong vài tuần vừa qua, Chính phủ Mỹ đã đối mặt với những chỉ trích gay gắt liên quan đến chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump khiến hơn 2.300 trẻ em bị cách ly với gia đình, để tạo điều kiện cho việc xét xử bố mẹ chúng vì tội danh vượt biên trái phép. Những hình ảnh về trẻ em bị nhốt trong lồng đã khiến cả thế giới giận dữ và kịch liệt lên án.
Tổng thống Trump sau đó đã phải “xuống nước” chấp nhận ký sắc lệnh hành pháp cho phép những đứa trẻ này được đoàn tụ với gia đình. Quân đội Mỹ vừa được yêu cầu phải sẵn sàng tiếp nhận tới 20.000 trẻ tị nạn - nạn nhân của chính sách chia cắt cha mẹ và con cái của các gia đình nhập cư trái phép gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi ông Trump đã ra sắc lệnh không tách rời con cái khỏi cha mẹ chúng, hiện vẫn chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ xử lý những vụ nhập cư trái phép trong tương lai như thế nào. Chính phủ Mỹ từng tuyên bố sẽ vẫn duy trì chính sách “không khoan nhượng”, đồng nghĩa với việc những người nhập cư trái phép sẽ vẫn bị xét xử và khả năng các gia đình sẽ tiếp tục bị ly tán.
Quan điểm cứng rắn với người nhập cư trái phép chính là lá bài quan trọng giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, số lượng gia đình vượt biên trái phép vào Mỹ tăng lên quá nhanh đang gây ra “cuộc khủng hoảng nhập cư” ở xứ sở Cờ hoa. Chính sách nhập cư khắc nghiệt trên cũng được cho là góp phần khiến Mỹ tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
3, Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit
Dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Chính phủ Vương quốc Anh (còn gọi là Brexit) - đã được Quốc hội Anh thông qua tối 20-6 và đã được trình lên Nữ hoàng phê chuẩn để chính thức trở thành luật.
Trước đó, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật. Thượng viện Anh cũng đã chấp thuận những sửa đổi của Chính phủ Anh trong đó cam kết coi trọng vai trò của nghị viện trong thỏa thuận cuối cùng về Brexit. Cả hai phe ủng hộ Brexit và ủng hộ EU đều tuyên bố đã đạt được nguyện vọng của mình.
Các quan chức liên quan đến vấn đề Brexit của Chính phủ Anh nhận định rằng, việc thông qua dự luật này là "bước tiến quan trọng" trong hoạt động chuẩn bị của Anh và là "thời khắc tốt đối với tất cả những ai muốn có cuộc chia tay với EU trong suôn sẻ và có trật tự". Việc Anh nói lời chia tay với mái nhà chung châu Âu đến nay được xác định chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Tuy nhiên, quỹ thời gian đàm phán về thỏa thuận Brexit đang cạn dần. EU đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận "ly hôn" với Anh vào tháng 10-2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua trước thời điểm Anh chính thức rời EU dự kiến vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc họp cấp cao EU sắp tới có thể không đạt được nhiều tiến bộ về đường biên giới mềm tại Ireland cũng như định hình tương lai quan hệ thương mại Anh-EU. Một số nhận định cho rằng phải đến cuộc họp Hội đồng châu Âu vào tháng 12 mới có thể đạt được sự nhất trí hai bên, tức là chỉ có ba tháng trước khi Anh rời EU.
4, Ukraine mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký một sắc lệnh để ban hành quyết định mới được thông qua nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt các công ty và thực thể của Nga.
Theo quyết định, 30 thực thể pháp lý và 14 cá nhân của Nga, trong đó có đảng “Nước Nga thống nhất” của Tổng thống V. Putin, đã được bổ sung vào danh sách trừng phạt này, nâng tổng số cá nhân và thực thể của Nga bị Kiev trừng phạt lên lần lượt là 1.762 và 786.
Các biện pháp trừng phạt mới sẽ kéo dài ít nhất trong 3 năm và nhằm cả vào các nghị sĩ và quan chức hàng đầu của Nga. Tất cả các tài sản của các pháp nhân trên ở Ukraine phải bị đóng băng và việc chuyển tiền và tài sản bị cấm. Giấy phép hoặc các điều khoản khác về nhập khẩu hoặc xuất khẩu tài sản tiền tệ bị hủy bỏ và hạn chế được áp đặt đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ngân hàng.
Trước thông tin trên, nghị sĩ Duma quốc gia Nga Sergei Zheleznyak cho rằng, bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, Kiev đang cố gắng níu giữ sự ủng hộ của phương Tây, tuy nhiên, các quyết định này không phù hợp với quan điểm pháp lý và hoàn toàn vô lý.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng từ nhiều năm qua liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại LB Nga.
5, Liên Triều ấn định thời gian đoàn tụ các gia đình ly tán
Cuộc họp ngày 22-6 của Hội Chữ thập Đỏ hai miền Liên Triều đã đạt được thỏa thuận về địa điểm và thời gian tổ chức cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) sau 3 năm bị ngắt quãng.
Cuộc đoàn tụ những gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên sẽ được diễn ra trong thời gian từ ngày 20 đến 26-8 tới tại khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang, thuộc phía Bắc biên giới Triều Tiên.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai miền, bao gồm cả việc tiếp tục tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán.
Hàn Quốc hiện yêu cầu tổ chức cuộc đoàn tụ cho các gia đình ly tán sớm nhất có thể, khi rất nhiều người mong muốn được đoàn tụ với gia đình do tuổi của họ ngày càng cao.
Theo số liệu về các gia đình ly tán đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 132.124 người ly tán thì có tới 75.234 người đã qua đời, chỉ còn lại 56.890 người còn sống. Trong số những người còn sống, có tới 48.703 người trên 70 tuổi, chiếm 85,6%.
6, Hội nghị OPEC bàn nâng sản lượng dầu
Ngày 22-6, kết thúc phiên họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Viennna (Áo), Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khaled al-Faleh xác nhận các bên đã nhất trí với nâng sản lượng lên 1 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 7 năm nay.
Tuy nhiên, mức tăng sản lượng dầu này trên thực tế sẽ thấp hơn do hoạt động sản xuất dầu sa sút tại một số nước trong thời gian gần đây, trong lúc các nước sản xuất khác lại không được phép bù đắp vào phần thiếu hụt đó.
Trước đó, tranh cãi đã nổ ra từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong 18 tháng, từ tháng 1-2017, giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu không thuộc tổ chức này. Thỏa thuận được cho là đã giúp tái cân bằng thị trường và đẩy giá dầu lên mức gần 80 USD/thùng hiện nay, từ 27 USD/thùng hồi năm 2016. Vậy nhưng, hàng loạt sự cố ngoài ý muốn xảy ra ở Venezuela, Libya và Angola trong những tháng qua đã đẩy sản lượng dầu cắt giảm của OPEC tới con số 2,8 triệu thùng/ngày.
Cuộc họp của OPEC cũng diễn ra vào thời điểm áp lực gia tăng từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã công khai chỉ trích rằng OPEC đã khiến giá dầu thô tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm.