Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 23/6/2018 9:52'(GMT+7)

Vũ khí hạt nhân càng hiện đại, nguy cơ cho thế giới càng lớn

Giảm số lượng nhưng không giảm sự nguy hiểm

Những lo ngại trên đến từ thông báo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra ngày 18-6. Thống kê của SIPRI cho thấy, tính đến thời điểm đầu năm 2018, 9 nước gồm Anh, Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga, Pháp, Pakistan, Triều Tiên, Trung Quốc có 14.456 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 3.750 đầu đạn đã được triển khai. Nếu so với 14.935 đầu đạn của cùng kỳ năm 2017, kho vũ khí hạt nhân của các nước trên đã giảm, chủ yếu do Mỹ và Nga cắt giảm kho vũ khí như đã cam kết trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) ký năm 2010.

Một tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh:  Heritage Foundation.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau những cắt giảm về số lượng thì nhiều quốc gia lại có chương trình hiện đại hóa số vũ khí hạt nhân. Không chỉ Mỹ và Nga, hai nước chiếm tới hơn 92% tổng số đầu đạn, có chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong dài hạn mà ngay cả Anh (với 215 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn), Trung Quốc (280 đầu đạn), Ấn Độ (từ 130-140 đầu đạn), Pakistan (140-150 đầu đạn), Israel (80 đầu đạn), Triều Tiên (10-20 đầu đạn) cũng đang triển khai hoặc đang lên kế hoạch triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới.

Các chuyên gia của SIPRI đã lấy ví dụ từ học thuyết hạt nhân mới của Mỹ để chỉ rõ sự nguy hiểm của xu thế này. Người đứng đầu SIPRI Jan Eliasson cho rằng, học thuyết hạt nhân mới của Mỹ được hình thành cùng với chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng theo hướng củng cố ưu thế toàn diện của nước Mỹ trước bất cứ đối thủ nào trên thế giới, với ngôn từ diễn giải theo lời Tổng thống Donald Trump là “nước Mỹ trước tiên” và “tạo lập hòa bình thông qua sức mạnh”, càng lộ rõ bản chất quan điểm cũng như hành động thực tế của Washington, đó là sẵn sàng phát động chiến tranh nhằm vào bất cứ đối thủ nào có thể ảnh hưởng đến vị thế độc tôn của Mỹ hoặc đi trái với “trật tự thế giới” do Mỹ sắp đặt.

Cuộc đua hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

Ông Jan Eliasson cho rằng, cách biện minh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói chiến lược hạt nhân mới “là lời đáp trả cho sự phát triển tiềm lực của các nước đối thủ như Nga" và việc Mỹ đổ lỗi cho các nước khác để đề ra chủ trương phát triển đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ nhằm phục vụ mục tiêu riêng, là cách Mỹ đẩy thế giới tới giới hạn ngày càng nguy hiểm.

Biết là nguy hiểm, tại sao nước Mỹ vẫn muốn hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình? Để biện minh, nước Mỹ trong Báo cáo đánh giá chính sách hạt nhân 2018 của mình cho rằng, các đối thủ của Mỹ đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, nước Mỹ cần tìm kiếm chiến lược phát triển mới để ngăn chặn các vụ tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ, các đồng minh và các đối tác. Từ năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đổ rất nhiều tiền của để theo đuổi tham vọng giành ưu thế toàn diện trong tất cả các môi trường tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian so với Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác. Các chuyên gia cho rằng, lý do trên chỉ là sự biện minh. Xét cho cùng, những tuyên bố cho rằng “Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị tấn công” chỉ là cái cớ không mới nhằm tạo cơ sở, chuẩn bị dư luận và điều kiện để Washington phát triển những loại vũ khí mới cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai. Luận điệu này tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt.

Với quan điểm muốn hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân và xây dựng lực lượng vũ trang của Mỹ thành đội quân mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử nước Mỹ. Rõ ràng, đúng như báo cáo của SIPRI chỉ ra, thế giới đang đối mặt với mối nguy an ninh lớn hơn. Nếu các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều hành động như nước Mỹ, hiểm họa đang chờ đợi thế giới là một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân khó có thể kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt. Ông Jan Eliasson khẳng định, để an toàn, thế giới cần những cam kết rõ ràng từ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đối với một tiến trình hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý hướng đến giải giáp hạt nhân.

Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất