Hội KHHGĐ là tổ chức xã hội đóng góp nhiều thành tựu trong công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam. Hội là một trong số ít những tổ chức làm tốt công tác xã hội hóa, huy động được cả nguồn vốn ngân sách và hỗ trợ của các tổ chức chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên thế giới. Nhân ngày Dân số Thế giới 11/7, PV Báo GĐ&XH có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thiện Trưởng- Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam.
Xin ông cho biết những thành tựu của Hội KHHGĐ trong công tác DS ở Việt Nam?
- 16 năm trưởng thành và phát triển, tính đến nay, Hội KHHGĐ đã có trên 150.000 cộng tác viên và những người tình nguyện với các Chi hội ở 49 tỉnh, thành phố. Tại nhiều địa phương, Chi hội xuống đến quận, huyện, xã, phường. Hàng năm Hội tuyên truyền đến hàng triệu người dân qua tạp chí Gia đình (1 tuần 15 ngàn cuốn)- ấn phẩm này cấp miễn phí cho các tỉnh hội, huyện hội. Tạp chí Gia đình của Hội KHHGĐ tập trung nhiều vấn đề SKSS, HIV/AIDS, những vấn đề tình yêu, đôi lứa, gia đình... rất bổ ích. Ngoài ra, Hội KHHGĐ còn cung cấp thông tin về SKSS/KHHGĐ qua đường dây nóng 1900585877 hoặc 1088, nhánh 1, chọn số 5, đường dây nóng trực 24/24. Một năm, đường dây nhận được khoảng 1 triệu cuộc gọi tư vấn. Gần đây, Hội phối hợp với Cty truyền thông mở dịch vụ nhắn tin về SKSS với đáp án của 500 câu hỏi; Có ngày dịch vụ này lên tới 600 tin nhắn.
Về cung cấp dịch vụ, Hội có 22 phòng khám, tư vấn SKSS/KHHGĐ, 2 phòng khám ở TƯ và 20 phòng khám ở các tỉnh hội. Mỗi năm Hội cung cấp dịch vụ cho khoảng 200.000 người. Đặc biệt, từ năm 2007, dự án thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc cung cấp dịch vụ thường xuyên cho 40 xã thuộc 4 tỉnh: Nghệ An, Huế, Quảng Ninh, Cần Thơ với định kỳ 1 tháng 3 lần. Dự án này sẽ duy trì hoạt động đến năm 2012. 40 xã này đều là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo.
Năm 2009, Hội thực hiện dự án tiếp thị bao cao su do Tổng cục Dân số- Bộ Y tế giao. Mục tiêu là tiếp thị tại 64 tỉnh, thành phố, đến tận xã phường với 50 triệu bao cao su từ 2009 đến 2011. Đợt 1 của dự án đạt mục tiêu tới cuối tháng 8/2009, tiếp thị 8 triệu chiếc, nhưng đến thời điểm hiện tại đã tiếp thị được gần 8 triệu chiếc. Với dự án này, người dân được hưởng lợi, mua bao cao su trong dự án với giá rẻ hơn mà chất lượng ngang bằng các sản phẩm thị trường bên ngoài. Người dân muốn mua bao cao su của dự án có thể liên hệ các cộng tác viên dân số hoặc gọi điện tới chi hội KHHGĐ các tỉnh.
Là tổ chức xã hội, Hội KHHGĐ nhận được sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào, thưa ông?
- Hội KHHGĐ luôn được sự ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục Dân số, Bộ Y tế với sự chỉ đạo về công tác chuyên môn, những dự án phối hợp thực hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia. Hội nhận được nguồn kinh phí từ Tổng cục như: chương trình tiếp thị bao cao su, với nguồn tài chính 40 tỉ đồng trong 2 năm, chương trình phối hợp hoạt động truyền thông 450 triệu đồng/năm, chương trình sức khỏe bà mẹ trẻ em 100 triệu đồng/năm, phòng chống HIV/AIDS 50 triệu đồng/năm... Với những giúp đỡ đó, Hội có điều kiện góp phần hoàn thiện mục tiêu chương trình SKSS/KHHGĐ và bảo vệ bà mẹ, trẻ em.
Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Công tác KHHGĐ nhận được sự đồng thuận của người dân
Tổng cục DS- KHHGĐ và Ban Tuyên huấn - Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục DS-KHHGĐ giai đoạn 2008 - 2010. Ngày 22/1/2009 Ban Thường trực Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch (số 352/KH-MTTW-BTT) về việc triển khai các hoạt động phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về DS- KHHGĐ năm 2009.
|
Chương trình DS-KHHGĐ được đông đảo các đối tượng hưởng ứng. |
Trong 6 tháng đầu năm 2009, nhiều hoạt động đã được triển khai như: Thực hiện kế hoạch phối hợp tham gia dự án VNM7PG009 năm 2009 giữa Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Dự án VNM7PG0009 của Tổng cục Dân số- Bộ Y tế.
Hội thảo: “Phát huy vai trò của các vị chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền vận động thực hiện chính sách DS - KHHGĐ” đã được tổ chức ngày 16/4/2009 tại Cửa Lò, Nghệ An. Tới dự Hội thảo có 65 đại biểu đại diện Ban Thường trực Uỷ ban TƯMTTQVN và các vị chức sắc đại diện cho hai tôn giáo: Công giáo, Phật giáo của 6 tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.
Hội thảo đã được nghe chuyên gia của Tổng cục Dân số, Bộ Y tế báo cáo về vấn đề “Thực trạng về bình đẳng giới và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam” ở các vùng, miền trong cả nước trong những năm qua. Các đại biểu cũng được chuyên gia giới thiệu về tình hình và kinh nghiệm khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngoài ra, còn phối hợp tuyên truyền về các hoạt động, các điển hình, các mô hình về DS-KHHGĐ trên Thông tin Công tác Mặt trận. Tuyên truyền về KHHGĐ trên Báo Người Công giáo nhằm phục vụ cho các vị chức sắc tôn giáo, các giáo dân.
Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc đã hỗ trợ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” tại 3 Khu dân cư trong tỉnh. Ngoài ra Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc còn hỗ trợ hoạt động của 15 Câu lạc bộ “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tại tỉnh Thanh Hoá, Nam Định và Ninh Bình và 12 mô hình điểm “Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” của các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Hưng Yên, Huế và Quảng Bình (là tỉnh có đông đồng bào dân tộc và giáo dân).
Hội Nông dân Việt Nam: Nam giới không đứng ngoài cuộc
6 tháng đầu năm 2009, TƯ Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng khoảng 30.000 mô hình tổ, nhóm, CLB trong cả nước với các hoạt động có nội dung DS-KHHGĐ gắn với hoạt động tín dụng, tiết kiệm và phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Đối tượng được tập trung ưu tiên truyền thông là nam giới.
|
Các buổi hội thảo về chăm sóc SKSS đã thu hút không ít nam nông dân tham gia (Ảnh: TL). |
Nhiều năm qua, hoạt động của các CLB này đã tác động tích cực đến đối tượng này, góp phần nâng cao tỉ lệ nam giới tham gia thực hiện KHHGĐ. Hội đã biên soạn nhiều tài liệu về DS-KHHGĐ dành cho nam giới, coi nam giới là trọng tâm tuyên truyền DS-KHHGĐ để họ gánh vai chia sẻ trách nhiệm với vợ...
6 tháng đầu năm 2009, tại 10 địa phương thí điểm xây dựng mô hình các CLB Dân số đã tổ chức được 30 cuộc tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho khoảng 1.500 lượt hội viên thông qua sinh hoạt của các CLB nông dân, vận động được khoảng 2.000 hội viên nông dân thực hiện KHHGĐ, đã truyền thông chương trình DS đến 100% hội viên.
DT (theo Hạnh Quỳnh- Giadinh.net )