Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, trong
nhiều năm qua, thành phố tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo
tồn, phát huy giá trị di sản. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có
5.922 di tích được kiểm kê, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di
tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.202 di
tích xếp hạng cấp thành phố.
Ngày 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội với sự tham gia của đông đảo những người làm văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ Thủ đô. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, trong nhiều năm qua, thành phố tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 5.922 di tích được kiểm kê, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.202 di tích xếp hạng cấp thành phố. Hàng nghìn hiện vật và sưu tập hiện vật có giá trị và nhiều bảo vật quốc gia được bảo quản, trưng bày tại các di tích, tại Bảo tàng Hà Nội và các bảo tàng ngoài công lập. Hà Nội cũng từng bước huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh Thủ đô tới bạn bè quốc tế…
Tại lễ kỷ niệm, Sở Văn hóa và Thể thao đã báo cáo kết quả thực hiện đề án tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội qua bộ phim tài liệu “Giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”; công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trao chứng nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện các địa phương, gồm: Hát và múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), nghề thêu phục chế Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), hội đình Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ).
Cùng ngày, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc triển lãm chuyên đề Linh vật Việt và di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội. Triển lãm được tổ chức với mong muốn góp phần nhận diện những giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa, giá trị biểu tượng… của linh vật Việt và đưa linh vật Việt xích lại gần hơn với con người hôm nay. Triển lãm cũng giới thiệu kết quả thực hiện đề án tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014-2016 với các tư liệu, hình ảnh về 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê cùng các sản phẩm: Danh mục, bản đồ, sách truyền thông, phiếu kiểm kê…
Cùng trong chuỗi sự kiện tổ chức ngày 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tọa đàm Nghệ thuật Việt nhìn từ linh vật. Tham gia buổi tọa đàm, các đại biểu có cơ hội được trò chuyện, thảo luận với những nhà nghiên cứu, những chuyên gia đầu ngành về mỹ thuật và di sản về các vấn đề quan tâm, qua đó được trải nghiệm kiến thức đã học và tăng thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh các hoạt động của ngày Di sản văn hóa Việt Nam, khách tham quan Bảo tàng Hà Nội trong dịp này còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật dân gian, xem trình diễn rối nước truyền thống của các nghệ nhân đến từ làng Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội./.
Đinh Thị Thuận/TTXVN